Phú Yên hướng đến xuất khẩu tôm hùm chính ngạch
Các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi tại thủ phủ tôm hùm ở Phú Yên đang được đồng hành, hỗ trợ, hướng đến xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Nỗ lực đáp ứng thị trường Trung Quốc
Phú Yên là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản vì có hơn 21.000ha mặt nước đầm, vịnh, bãi triều, cửa sông. Hơn 30 năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh này đã phát triển khá mạnh với hơn 110.000 lồng nuôi gồm các đối tượng chính như tôm hùm, cá biển.
Thị xã Sông Cầu là “thủ phủ” tôm hùm tại tỉnh Phú Yên. Năm 2023, thị xã có khoảng 62.550 lồng nuôi tôm hùm, sản lượng đạt 2.070 tấn. Trong đó, 90% nuôi tôm hùm xanh và 10% nuôi tôm hùm bông, doanh thu đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm.
Những năm qua, nghề nuôi đối tượng này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn đóng góp rất lớn vào cho xã hội, tạo việc làm ổn định cho người dân trên địa bàn.
Theo UBND thị xã Sông Cầu, nghề nuôi tôm hùm đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4.000 hộ dân, với khoảng 10.000 lao động tham gia trực tiếp. Sản lượng tôm hùm nuôi ở thị xã chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu cho biết, có đến 80-90% sản lượng tôm hùm trên địa bàn xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, thiếu ổn định.
Do đó, để phát triển nghề nuôi tôm hùm theo hướng bền vững, thị xã đang khắc phục những vướng mắc về công tác giao đất mặt nước, cấp giấy phép và mã số vùng nuôi, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết, cấp mã code cho doanh nghiệp và tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm tôm hùm.
Theo ông Hải Anh, đến nay, tỉnh Phú Yên đã có Công ty TNHH Tiến Kiều được cấp mã code để xuất khẩu tôm hùm chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Túy Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Kiều, cho biết, để được xuất khẩu tôm hùm theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, công ty đã tìm hiểu những quy định của Việt Nam và Trung Quốc. Sau hơn 2 năm nỗ lực, công ty đã được phía Trung Quốc đưa vào danh sách và đồng ý cấp mã code để được xuất khẩu tôm hùm sang thị trường này.
Đưa nghề tôm hùm phát triển bền vững
Nhằm hỗ trợ người nuôi và doanh nghiệp tiếp cận quy trình xuất khẩu tôm hùm chính ngạch, mới đây Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3 phối hợp với UBND thị xã Sông Cầu tổ chức tập huấn để thông tin về những quy định của phía Trung Quốc yêu cầu đối với tôm khi xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3 cho biết, đến nay, thị trường Trung Quốc đã công nhận 850 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Trong đó có 57 cơ sở xuất khẩu thủy sản tươi sống (ở Phú Yên có 1 cơ sở).
Thu mua tôm hùm trên địa bàn thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: KS.
Bên cạnh đó, Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 3 cũng đang triển khai phổ biến các quy định của Việt Nam và các nước trên thế giới trong xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng cho mặt hàng thủy sản tươi sống, nhất là tôm hùm. Vì vậy, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu và người nuôi phải biết và thấu hiểu những quy trình, quy định để thực hiện cho đúng, góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững hơn.
Giá tôm hùm bông hiện nay giảm xuống còn dưới 1 triệu đồng/kg (loại 1), trong khi vào tháng 7/2023, tôm này có giá từ 1,7-1,8 triệu đồng/kg. Nguyên nhân do phía Trung Quốc quy định cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ.
Do đó, để xuất khẩu được tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chứng minh được tôm không đánh bắt trực tiếp từ biển, cũng như chứng minh quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên.
Về vấn đề này, theo Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục đàm phán và phía Trung Quốc hứa sẽ tạo cơ chế đặc biệt cho tôm hùm bông Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết, hiện nay nghề nuôi tôm hùm còn nhiều thách thức như việc quản lý vùng nuôi và xuất khẩu tôm hùm theo đường chính ngạch còn hạn chế.
Về phía địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi xác định các tiêu chuẩn, điều kiện cần để có thể xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi. Đây cũng là mục tiêu của thị xã nhằm phát triển tôm hùm theo hướng bền vững và hiệu quả.
Ông Trần Văn Thơm, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tôm hùm Sông Cầu, cho biết, Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho tôm hùm Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này ngày càng khắt khe, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, nguồn gốc. Vì vậy, để đáp ứng, Hợp tác xã đang đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng để đạt tiêu chuẩn, cũng như hoàn thiện các hồ sơ, quy định mà phía Trung Quốc yêu cầu để sớm được cấp mã code xuất khẩu tôm hùm tươi sống sang thị trường này.
- Oxy hoà tan cao
- Tạo dòng mạnh, xi phong tốt
- Ưu điểm:
+ Tiêu thụ điện năng thấp
+ Tiêu chuẩn ISO-9001
+ Chất lượng vượt trội
- Ứng dụng:
+ Nuôi tôm thâm canh
+ Nuôi tôm trong nhà
+ Hệ thống ương nuôi tôm
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ