Phú Yên Tăng Cường Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Ven Bờ
Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện công suất nhỏ phát triển đã làm suy giảm mạnh nguồn lợi, hiệu quả khai thác. Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững được kỳ vọng góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
NGUỒN LỢI NGÀY CÀNG SUY GIẢM
Báo cáo của dự án Điều tra thực trạng các vùng đất ngập nước ở Phú Yên cho biết, tại khu vực Hòn Chùa và Bãi Gò thuộc xã An Chấn (huyện Tuy An), diện tích thảm cỏ biển khoảng 10,5 ha gồm 5 loài với độ phủ từ 12% đến 67%. Cũng tại Hòn Chùa và Bãi Nồm thuộc xã An Chấn có 5 loài san hô với diện tích khoảng 72 ha.
Tại vùng biển này, nguồn lợi thủy sản tầng đáy khá phong phú, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, nhất là cá mú, tôm hùm, cá hồng, cua biển, mực nang và nhiều loài ốc. Nguồn cá nổi ở vùng biển này cũng khá dồi dào, nhiều nhất là cá cơm, cá nục thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm.
Tuy nhiên, những năm qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện công suất nhỏ tại vùng biển trong tỉnh phát triển mạnh đã làm suy giảm nguồn lợi nghiêm trọng. Chính điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế của các nghề khai thác ven bờ ngày càng thấp.
Ngư dân Nguyễn Hảo ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, cho biết: “Các nghề khai thác thủy sản ven bờ ở đây đã có từ lâu, thế hệ ngư dân đang hành nghề được kế thừa theo kiểu cha truyền con nối. Hơn nữa, kiến thức về khai thác thủy sản ở ngư trường xa còn hạn chế, không có nhiều vốn để làm ăn nên cứ loay hoay ở ngư trường gần bờ.
Chính vì làm ăn theo kiểu nhỏ lẻ nên thời gian qua số lượng thuyền công suất nhỏ không ngừng tăng, dẫn đến việc khai thác quá mức và làm cho nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt”.
Theo UBND xã An Chấn, xã có hơn 325 chiếc thuyền, trong đó khoảng 230 chiếc công suất dưới 20CV làm nghề mành tôm, lặn, câu, bẫy, lưới rê… hoạt động ở vùng biển gần bờ.
Vì lợi ích trước mắt, một số ngư dân đã lén lút sử dụng chất nổ, lặn bắn hóa chất vào hang san hô hoặc sử dụng lưới kéo tầng đáy, lưới rê 3 màn khai thác thủy sản ở vùng rạn. Ngoài ra, một số ngư dân còn sử dụng ngư cụ kích thước nhỏ hơn quy định để tận thu, khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ bị cạn kiệt.
Ông Thái Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã An Chấn, cho biết, xã đã thấy rõ sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ, nhưng xã không có cách giải quyết vấn đề này.
CỘNG ĐỒNG TRÁCH NHIỆM
Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững được triển khai tại Phú Yên với tổng mức đầu tư 12 triệu USD (tương đương hơn 257 tỉ đồng). Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới chiếm 85,11%, vốn ngân sách nhà nước chiếm 10,61% và vốn người dân tham gia các mô hình khoảng 4,28%.
Dự án này được chia làm 4 hợp phần, trong đó có tiểu hợp phần đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ. Sở NN-PTNT Phú Yên chọn 2 xã An Chấn và An Hòa (huyện Tuy An) để triển khai thí điểm, đồng thời từ nay đến năm 2015 tiếp tục chọn 10 xã, phường ven biển trong tỉnh để triển khai tiếp tiểu hợp phần này.
Tại xã An Chấn, ban quản lý dự án đã thành lập tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với 170 thành viên là ngư dân ở 2 thôn Mỹ Quang Bắc và Mỹ Quang Nam.
Nội dung đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ chủ yếu tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bộ quy tắc nghề cá có trách nhiệm và các văn bản pháp luật có liên quan, tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật.
Đồng thời, tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển nghề cá ven bờ, xây dựng thể chế và chính sách quản lý nghề cá ven bờ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, khắc phục sự ô nhiễm môi trường vùng ven biển…
Ngư dân Đoàn Văn Bốn ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, cho biết: “Sau khi thành lập tổ, chúng tôi tiến hành xây dựng phương án phân khu vực khai thác, nuôi trồng, neo đậu tàu cá và khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hàng tháng, chúng tôi sẽ tổ chức thu gom rác thải và vệ sinh môi trường bờ biển, tham gia giám sát các hoạt động khai thác, nuôi trồng tại khu vực ven bờ, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản bằng chất nổ, hóa chất và vận động ngư dân ở địa phương chuyển đổi sang những nghề khai thác thân thiện với môi trường.
Chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch đã xây dựng, coi đây là sự chăm lo cho đời sống của chính gia đình mình về lâu dài”.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Chấn được xây dựng dựa trên nguyện vọng và nhu cầu của ngư dân nhằm tổ chức khai thác hợp lý và bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương cần giúp đỡ, hỗ trợ tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ thực hiện tốt kế hoạch đồng quản lý đã được xây dựng và tổ chức tuyên truyền để nhân dân cùng tham gia bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Đồng thời hỗ trợ kinh phí, tham gia tuần tra, giám sát hoạt động khai thác, xử lý môi trường, hạn chế phát triển thuyền công suất nhỏ dưới 20CV, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thủy sản mang lại hiệu quả cao.
“Việc thành lập tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đồng nghĩa với việc nâng cao vai trò của ngư dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững cho ngư dân ven biển”, ông Nguyễn Tri Phương nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ