Mô hình kinh tế Phú Yên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đánh bắt hải sản

Phú Yên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đánh bắt hải sản

Ngày đăng 16/04/2015

Phú Yên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong đánh bắt hải sản

Công nghệ chiếu sáng LED

Theo Sở NN-PTNT, Phú Yên hiện có khoảng 1.100 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên, trong đó có hơn 600 tàu chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương. Thời gian qua, một số tàu câu cá ngừ đại dương của Phú Yên đã chuyển sang nghề câu tay kết hợp ánh sáng.

Để đánh bắt hiệu quả, mỗi tàu câu sử dụng từ 10 đến 20 bóng đèn công suất 1.000w/bóng để dẫn dụ cá. Ông Lê Tấn Hồng, chủ tàu cá PY90612TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), cho biết: “Để cá ngừ câu đèn đạt chất lượng, khâu sơ chế và bảo quản ban đầu rất quan trọng. Khi cá dính câu, chúng tôi dùng thiết bị gây tê làm cho cá bất động, sau đó kéo cá lên tàu cho vào thùng nước đá có độ lạnh 8 đến 10 độ C và có hệ thống sục khí, ngâm khoảng 30 phút.

Lúc này, cá vẫn còn sống nhưng trong tình trạng hôn mê. Sau đó, đưa cá ngừ ra ngoài chọc tủy, xả tiết, mổ lấy nội tạng, rửa sạch rồi tiếp tục đưa cá vào thùng nước đá để ngâm lạnh 30 phút nữa mới chuyển cá vào hầm lạnh để ướp. Trước khi ướp đá, cần phủ một lớp vải mỏng lên lưng cá để giữ độ ẩm và tránh trầy xước da…”.

Theo ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, chất lượng cá ngừ không bị phụ thuộc bởi đèn câu mà ở cách câu và xử lý, bảo quản sau khi câu. Quy trình khai thác và sơ chế cá ngừ đại dương mà công ty chuyển giao cho tàu câu của ngư dân Lê Tấn Hồng đã mang lại hiệu quả. Sản phẩm cá ngừ vào đến bờ đạt chất lượng, hình thức bên ngoài rất đẹp, không bị tình trạng xô xương (phần thịt ở gần xương sống cá bị hư, màu sậm, cơ thịt không còn độ dai) như lâu nay.

Hiện nhiều ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên chuyển sang nghề câu tay kết hợp ánh sáng, thay cho nghề câu truyền thống. Tuy nhiên, số lượng dầu dùng cho việc chạy động cơ diesel và chiếu sáng các bóng đèn cao áp để dẫn dụ cá là rất lớn, làm chi phí chuyến biển tăng theo. Theo tính toán của ngư dân, tàu công suất 300CV sử dụng khoảng 7.000 lít dầu cho một chuyến ra khơi chừng 1 tháng, trong đó nhiên liệu dầu dùng cho việc chiếu sáng các bóng đèn cao áp rất lớn, từ 1/4 đến 1/3 lượng dầu của chuyến biển. Để giảm chi phí, hiện một số tàu câu cá ngừ đại dương sử dụng hệ thống đèn LED giúp cho tàu tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nhiên liệu.

Mới đây, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã chuyển giao công nghệ đèn LED cho ngư dân Bùi Văn Em, chủ tàu cá PY92007TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa). Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc chi nhánh tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, cho biết: “Công ty đang lắp đặt thử nghiệm 24 bộ bóng đèn LED cho tàu câu PY92007TS, mỗi bóng đèn LED có công suất từ 80w đến 140w, tổng 24 bóng có công suất 2.400w.

Mục đích của công ty là cung cấp hệ thống chiếu sáng LED chất lượng cao, tiết kiệm điện, bảo vệ và thân thiện với môi trường phục vụ đánh bắt hải sản để thay thế hệ thống chiếu sáng cũ là đèn cao áp tốn nhiều điện năng. Hiện Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đang trang bị hệ thống chiếu sáng LED cho tàu đánh bắt xa bờ tại 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, mỗi tỉnh một tàu. Sau chuyến đánh bắt thử nghiệm này, nếu thành công, công ty sẽ tổ chức hội thảo để phổ biến và nhân rộng mô hình”.

Câu mực theo công nghệ Nhật Bản

Thời gian gần đây, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên kết hợp thêm nghề câu mực xà lá. Do chưa am hiểu hết môi trường sống cũng như cách thức câu hiệu quả nên sản lượng đánh bắt không cao. Ngư dân Nguyễn Hóa, chủ tàu cá PY90232TS ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: “Mực xà lá có con nặng đến 30kg, nhưng thời gian qua ngư dân câu phổ biển từ 5kg đến 15kg/con. Năm vừa rồi, chúng tôi chuyển sang câu mực xà lá, có chuyến đánh bắt gần cả tấn mực. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên giá mực dao động trên dưới 70.000 đồng/kg.

Hiện nay, ngư dân đánh bắt xa bờ đa số kết hợp đa nghề như câu cá ngừ đại dương kết hợp với lưới rút mực, lưới cá chuồn, lưới cá ngừ vằn, câu mực xà lá… để chuyến biển đạt lợi nhuận cao hơn”. Cũng theo ông Hóa, hiện nay để câu được mực xà lá, ngư dân Phú Yên thường dùng loại cước cỡ 90, rường câu một lớp từ 14 đến 18 lưỡi (lưỡi câu chùm) nhưng không có ngạnh và một cục chì nặng khoảng 1kg. Mồi câu là mực xà nhỏ hoặc cá chuồn, thả xuống độ sâu khoảng 60 sải tay (khoảng 100m). Nhưng câu loại mực này thì mỗi ngư dân chỉ sử dụng một dây câu, vì con mực quá lớn…

Mới đây, Công ty Fresh Anmar SUNUI (Nhật Bản) đã đến Phú Yên để chuyển giao công nghệ đánh bắt mực xà lá. Theo ông Shuzen Higa, Giám đốc Công ty Fresh Anmar SUNUI, hiện nay ở Nhật Bản, mỗi tàu câu mực xà lá có 2 đến 4 người, vì hầu hết sử dụng các thiết bị máy móc hỗ trợ nên cách câu khác với ngư dân Phú Yên.

Mỗi dây câu gồm một thanh chì có gắn rường câu, một đèn pin và hai con mồi giả phát quang cũng gắn rường câu. Tất cả chì và mồi giả đều gắn hai lớp lưỡi câu chùm (rường đôi), có ngạnh và thanh chì nặng khoảng 1,5kg. Theo trình tự, dưới cùng của dây câu là thanh chì, tiếp theo là con mồi giả thứ nhất cách thanh chì 5,5m, đến con mồi giả thứ hai cách con thứ nhất 3,5m, sau cùng là đèn pin cách con mồi giả thứ hai 6m. Dây câu được gắn với một phao ganh có cột cây cờ để nhận biết vị trí thả câu và mỗi tàu câu sử dụng từ 20 đến 30 dây câu.

Theo kinh nghiệm của ngư dân Nhật Bản, vào tháng 1 đến tháng 3 hàng năm thì thả câu ở độ sâu khoảng 300m và khoảng tháng 4 đến tháng 6 thả câu ở độ sâu khoảng 500 đến 600m. Sau khi câu được mực, ngư dân phải mổ lấy nội tạng, rửa sạch, cho mực vào túi ni lông cột kỹ rồi ướp đá. Hiện Công ty Fresh Anmar SUNUI sẽ thu mua mực xà lá loại 1 (từ 6kg/con trở lên) với giá khoảng 100.000 đồng/kg, mực loại 2 (dưới 6kg/con) khoảng 80.000 đồng/kg… Công ty Fresh Anmar SUNUI đã chuyển giao công nghệ và 4 bộ dây câu mực xà lá cho ngư dân TP Tuy Hòa.


“Đánh” bẫy tôm hùm “Đánh” bẫy tôm hùm Nuôi cá tra chất lượng hơn là số lượng Nuôi cá tra chất lượng hơn là số…