Tin nông nghiệp Phục hồi, cải tạo lê Đông Khê

Phục hồi, cải tạo lê Đông Khê

Tác giả Toán Nguyễn - Đào Thanh, ngày đăng 05/08/2021

Phục hồi, cải tạo lê Đông Khê

Cao Bằng thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp, áp dụng khoa học kỹ thuật để bảo tồn, nhân giống, cải tạo, nâng cao giá trị đặc sản quả lê Đông Khê.

Quả lê Đông Khê từng lọt top 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn. Ảnh: Công Hải.

Đặc sản giá trị bị bỏ quên

Lê là một trong những loại cây ăn quả đặc sản "tiến vua" của tỉnh Cao Bằng, được trồng chủ yếu ở các huyện Thạch An, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng. Đặc biệt, lê vàng Đông Khê tại huyện Thạch An thơm ngon, ít cát, giòn, nổi tiếng với vị ngọt thơm đặc trưng, được nhiều người ưa chuộng.

Lê Đông Khê từng lọt top 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc canh tác lê Đông Khê ở Cao Bằng chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, diện tích manh mún do người trồng tự phát. Nhiều cây đã già, thoái hóa lại không áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc nên ra quả năng suất thấp, tỷ lệ cho quả và chất lượng không còn được như trước đây.

Ông Nông Văn Tới, xóm Nà Sloỏng, xã Lê Lai (huyện Thạch An) chia sẻ: Gia đình trồng lê từ hơn 20 năm trước nhưng chủ yếu trồng quanh nhà nên số lượng ít với gần 20 cây cho quả hàng năm. Do quả lê là đặc sản nên giá bán rất ổn định, quả nhỏ giá từ 50 - 70 nghìn đồng/kg, quả từ 5 lạng trở lên có giá từ 100 - 150 nghìn đồng/kg. Đa số khách hàng đến tận nhà mua chứ ít khi phải mang ra chợ bán.

Được chính quyền địa phương vận động mở rộng diện tích trồng cây lê, mấy năm gần đây ông Tới đã trồng thêm 40 gốc lê, một số cây đã bắt đầu bói quả. Hàng năm, ông được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc lê.

"Tôi chủ yếu sử dụng phân chuồng để chăm bón cho cây lê. Dù là loại cây chịu hạn tốt nhưng nếu thời tiết khô hạn kéo dài vẫn cần phải tưới nước thường xuyên cây mới phát triển tốt. Đến khi ra quả cần kiểm tra số lượng quả trên từng cành, nếu quả sai quá cần tỉa bớt để những quả còn lại có đủ chất dinh dưỡng”, ông Tới chia sẻ kinh nghiệm.

Gói kỹ thuật thâm canh, cải tạo lê 

Để tập trung nghiên cứu hạn chế nguy cơ thoái hóa và mai một nguồn gene quý của lê Đông Khê, từ năm 2014 - 2017, Sở KH-CN Cao Bằng đã ký hợp đồng nghiên cứu với Trung tâm Nghiên cứu, thực nghiệm rau quả Gia Lâm (Viện Nghiên cứu Rau quả) thực hiện đề tài Khai thác và sử dụng nguồn gene lê Đông Khê, lê Bảo Lạc, lê Nguyên Bình.

Mục đích tuyển chọn những cây lê vàng ưu tú để phục vụ cho công tác nhân giống mở rộng diện tích; hoàn thiện quy trình kỹ thuật ghép cải tạo lê; kỹ thuật thâm canh, cắt tỉa quanh năm kết hợp vin cành để cho hiệu quả cao nhất.

Từ năm 2018, huyện Thạch An đã triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững cây lê vàng Đông Khê chất lượng cao trên địa bàn huyện nhằm tận dụng tối đa quỹ đất đồi chưa sử dụng và đất vườn tạp. Đến nay, huyện đã trồng được trên 18.000 cây tại Thị trấn Đông Khê và các xã Lê Lai, Đức Xuân, Lê Lợi, Đức Long.

Hiện nay, sản phẩm quả lê tươi được sản xuất từ giống lê vàng Đông Khê đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Phòng NN-PTNT huyện Thạch An là chủ sở hữu.

Năm 2019, Công ty TNHH Đông Khê đã triển khai thực hiện Dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lê vàng Đông Khê cho năng suất, chất lượng cao, quy mô hàng hóa trên đất dốc tỉnh Cao Bằng tại xã Lê Lợi (huyện Thạch An).

Công ty đã tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình nhân giống, chăm sóc, thu hái và bảo quản; xây dựng mô hình vườn cây mẹ áp dụng công nghệ nhân nhanh mắt ghép, ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên đất dốc. Đến nay đã triển khai trồng được 5 ha.

Ông Vũ Đức Thiện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thạch An cho biết: Toàn huyện hiện có gần 60 ha lê Đông Khê, trong đó có gần 10 ha cho thu hoạch.

Hàng năm, huyện hỗ trợ nhân dân tập trung cải tạo, thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng bằng phương pháp cải tạo, trẻ hóa các cây lê già, kém hiệu quả; hỗ trợ nhân dân phân bón, công chăm sóc, kỹ thuật vin cành tạo tán.


Chế biến bột rau, thị trường rộng mở Chế biến bột rau, thị trường rộng mở Giảm lưu huỳnh trên đất lúa ở ĐBSCL Giảm lưu huỳnh trên đất lúa ở ĐBSCL