Mô hình kinh tế Phục Hồi Sức Khỏe Cho Vườn Cà Phê

Phục Hồi Sức Khỏe Cho Vườn Cà Phê

Ngày đăng 27/02/2014

Phục Hồi Sức Khỏe Cho Vườn Cà Phê

Mặc dù giá cà phê ở vụ 2013-2014 không cao, nhưng sau khi thu hoạch, nông dân nhiều nơi trong tỉnh cũng đã tập trung vào việc chăm sóc vườn cây, với hy vọng có được vụ mùa năm sau đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Tân Lập, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) có 2 ha cà phê, vụ này thu được gần 6 tấn nhân. Ngay sau khi thu hoạch, cùng với việc phơi sấy để đảm bảo chất lượng cà phê thì anh cũng đã bắt tay vào việc cắt tỉa cành, vệ sinh vườn.

Theo anh Hùng thì cây cà phê sau khi thu hoạch luôn bị mất đi một lượng dinh dưỡng lớn, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển, nên cần được chăm sóc đúng cách nhằm phục hồi “sức khỏe”.

Đây cũng là giai đoạn cây cà phê phân hóa mầm hoa, hình thành và nở hoa, đậu quả, quyết định đến năng suất, chất lượng của vườn cây trong cả năm. Vì thế, anh luôn chú trọng công đoạn cắt, tỉa những cành khô, cành chân vịt, cành tổ quạ, cành sâu bệnh, cành già hay cành sát mặt đất.

Anh Hùng cho biết: “Tôi thường cẩn thận cắt cành bằng cưa hay kéo sắc để vết cắt ngọt, không bị xước cành. Phải xác định vị trí cắt cho thích hợp để có được bộ tán cân đối, hợp lý, không bị rậm rạp, tập trung dinh dưỡng cho những cành nuôi quả”.

Tương tự, gia đình chị Trần Thị Lụa ở thôn Thuận Thành, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) đang tập trung vào việc phòng trừ các loại sâu bệnh hại hay gặp sau thu hái như rỉ sắt, đốm mắt cua, rệp sáp, rệp vẩy, bọ xít trong mùa khô.

Theo kinh nghiệm của chị Lụa thì trong giai đoạn mùa khô, rệp sáp là đối tượng gây hại lớn. Do đó, chị luôn chú ý vào việc vệ sinh vườn như dọn hết lá khô, rác, cỏ xung quanh gốc nhằm tiêu diệt các mầm bệnh, tổ kiến. Chị cũng theo dõi thường xuyên vườn cây nhằm phát hiện bệnh, phun thuốc diệt trừ ngay khi có rệp, tuyệt đối không để xâm nhập vào chùm quả sẽ rất khó diệt trừ.

Chị Lụa cho biết thêm: “Đối với rệp sáp trên lá và chùm quả, tôi thường dùng các loại thuốc đặc trị để phun ướt đều trên cây, phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày để diệt tiếp lứa non mới nở. Với rệp sáp hại rễ, tôi sử dụng Oncol 20EC pha 50ml/10 lít nước tưới vào vùng rễ ở gốc với khối lượng từ 4-8 lít/gốc, tùy cây lớn hoặc nhỏ. Trong trường hợp đất quá khô, trước khi bơm thuốc 1 ngày nên tưới nước cho ẩm đất vùng rễ sẽ giúp thuốc ngấm nhanh và sâu hơn.”

Cùng với cắt tỉa cành, phòng trừ sâu hại, thì nhiều người cũng đã chuẩn bị các bước để tiến hành bón phân cho cà phê trong mùa khô. Theo anh Phạm Anh ở thôn Thuận Sơn, xã Thuận An (Đắk Mil) thì sau khi kết thúc việc thu hoạch vào cuối tháng 12 thì đến khoảng đầu tháng 1 năm sau là anh tiến hành tưới nước và bón phân cho cây.

Đợt này anh chủ yếu dùng phân vô cơ, với các thành phần gồm đạm, lân, kali về trộn lẫn với nhau, sau đó bón với lượng từ 200- 300 kg/ ha/ lần, rải theo mép tán lá, rồi lấp đất kín để tránh việc bị rửa trôi hay bốc hơi.

Theo Phòng Trồng trọt (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) thì việc chăm sóc cà phê đúng cách sau thu hoạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Nhất là trong điều kiện thời tiết của Đắk Nông, sau thu hoạch là đến các đợt gió lạnh, khô hạn trước và sau Tết Nguyên Đán, gây ảnh hưởng lớn đến cà phê.

Riêng vụ đông xuân 2013, đã có hơn 3.400 ha cà phê ở các huyện Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức bị giảm năng suất do khô hạn, hoặc nông dân chăm sóc, tưới nước không hợp lý.

Do đó, nhằm ổn định và tăng năng suất cây trồng, việc chăm sóc, phòng bệnh cho cây cà phê sau thu hoạch cần được nông dân tập trung triển khai, góp phần phục hồi “sức khỏe” cho vườn cây.


Thị Xã Gia Nghĩa Tổ Chức Mô Hình Nuôi Gà Lương Phượng Thả Vườn Thị Xã Gia Nghĩa Tổ Chức Mô Hình… Đức Mạnh, Một Số Nông Dân Đã Giàu Từ Chăn Nuôi Trang Trại Đức Mạnh, Một Số Nông Dân Đã Giàu…