Phương pháp loại ấu trùng tôm càng xanh kém chất lượng
Đối với tôm càng xanh hiện nay nguồn giống đã được chủ động do việc áp dụng phương pháp sản xuất giống nhân tạo đã tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong các trại giống tôm càng xanh vẫn thường gặp hiện tượng trong chu kỳ ương, một số bể ương, có hiện tượng ấu trùng yếu, nhà sản xuất rất lúng túng trong việc loại thải số ấu trùng yếu này ra khỏi bể ương. Về góc độ kỹ thuật, cần dứt khoát loại thải những bể ương này hoặc những bể ương có số ấu trùng yếu trên 30%. Một số hộ sản xuất muốn tận dụng lại số tôm còn khỏe, nhưng vấn đề đặt ra bằng cách nào để thực hiện việc này ?
Về nguyên nhân ấu trùng yếu do: chọn tôm mẹ có trọng lượng nhỏ hơn 50g/con, tôm mẹ yếu do vận chuyển lâu, đánh bắt bị trầy xước…Khi tiến hành thu ấu trùng, không áp dụng nguyên tắc hướng quang (hướng sáng) nhằm loại bỏ số ấu trùng yếu ngay từ giai đoạn này. Không xử lý ấu trùng bằng Formol hoặc dùng Formol không đúng liều qui định, không đúng thời gian xử lý qui định (nồng độ 3cc Formol + 3 lít nước lợ 10%0 trong thời gian 30 giây, sau đó bố trí ấu trùng vào bể ương ). Bố trí mật độ ương quá dày (> 90con/lít nước ương). Bố trí ấu trùng kéo dài quá 3 ngày tuổi, bố trí nhiều đợt trong cùng bể ương.
Cho ấu trùng ăn Artemia không đúng thời điểm hoặc Artemia không đạt chất lượng, cho ăn không đủ số lượng, không đủ lần ăn. Thông thường ngày thứ 2-5 cho ăn Artemia, mỗi ngày cho ấu trùng ăn Artemia 2 lần, sáng 7h –ăn Artemia bung dù (ấp12h), chiều 16h, cho ăn Artemia( ấp 24h) Không đảm bảo lượng Artemia ăn bình quân 5-10g/m3/ngày. Sau ngày ương thứ 5, không chủ động bổ xung thêm thức ăn chế biến, hoặc có bổ xung nhưng không đủ thành phần và thiếu về số lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của ấu trùng.
Để nước bể ương dơ bẩn, tảo chết, nền đáy bể ương ô nhiễm…Về biểu hiện, số ấu trùng yếu thường chuyển giai đoạn rất chậm, kéo dài, không đồng loạt, hoặc khó chuyển giai đoạn. Ấu trùng yếu thường ăn ít, khả năng bắt mồi chậm. Khi cho ấu trùng ăn, tắt xục khí, ấu trùng lên mặt nước rất chậm, không đồng loạt, thường hay tụ thành từng đám với mật độ gia tăng cục bộ, xoay tròn. Khi cho xục khí hoạt động trở lại ấu trùng di chuyển xuống tầng nước dưới rất khó khăn, chậm chạp. Trước tiên, cần tập trung áp dụng biện pháp khắc phục những thiếu sót về kỹ thuật đã nêu trên.
Để loại bỏ số ấu trùng yếu này, có thể thực hiện các phương pháp sau: Tắt xục khí, số ấu trùng khỏe ngay lập tức sẽ di chuyển lên mặt nước, dùng vợt vớt số ấu trùng này chuyển sang bể ương khác tiếp tục ương (lưu ý: môi trường bể ương mới có các thông số môi trường tương ứng với môi trường của bể ương cũ). Ấu trùng tôm càng xanh có tính hướng quang (hướng sáng, di chuyển ra nơi có nhiều ánh sáng). Lợi dụng đặc tính này, che 2/3 bể ương, chừa một khoảng sáng nhất định, hướng ấu trùng khỏe ra vùng có ánh sáng và vớt chuyển sang bể khác ương riêng.
Ấu trùng yếu không có khả năng hướng quang, hoặc khả năng này rất chậm. Có thể dùng Formol nồng độ 15-20 cho trực tiếp vào bể ương, số ấu trùng yếu thường không chịu nổi nồng độ trên, chết chìm xuống đáy bể, dùng ống siphone hút những con chết ra ngoài.
Tags: loai au trung tom cang xanh, giong tom cang xanh, ky thuat nuoi tom cang xanh, nuoi trong thuy san
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ