Nhím Phương pháp nuôi nhím con

Phương pháp nuôi nhím con

Tác giả Gà Con, ngày đăng 10/02/2017

Phương pháp nuôi nhím con

Chọn được nhím cha mẹ, cho phối giống và chuẩn bị mọi điều kiện để chăm sóc, nuôi nhím con khỏe mạnh.

Ở tuổi động dục, nhím cái đã khá to, nặng chừng bảy tám kí. Cộng thêm ba tháng mang thai, thể trọng của nó cũng khoảng mười kí. Thế nhưng nhím con sơ sinh còn nhỏ hơn một con chó con mới lọt lòng, trung bình chỉ nặng có 100g mà thôi!

Có điều nó giống như loài chuột lang (con bọ), nhím con vừa lọt lòng mẹ hai mắt đã mở to thao láo, mình đã phủ lông, nhưng là thứ lông mềm. Chúng cũng biết kêu chít chít như chuột với giọng nhỏ dễ thương, và biết đi lại quanh mẹ, rồi tìm vú bú.

Với nhím bố mẹ mình chi chít nhiều lông dài vừa cứng vừa nhọn trông gớm ghiếc không ai dám gần, nhưng với nhím con do còn khờ dại, hiền lành nên ai cũng thích bắt để trên lòng bàn tay để nựng nịu trửng giỡn với chúng.

Thông thường ở lứa đẻ con so, nhím chỉ đẻ có một con, ít thấy trường hợp được hai con. Nhưng, từ lứa con rạ về sau, mỗi lứa nhím đẻ hai con, ít khi được đến ba con. Cách đẻ con này của nhím thật giống với loài chuột lang, chỉ khác một điểm là thời gian mang thai của chuột lang chỉ có hai tháng mà thôi.

Thật ra, gặp lứa nhím đẻ được ba con, không chủ nuôi nào mừng, vì kinh nghiệm trong nghề cho họ thấy khả năng của nhím mẹ mỗi lứa chi nuôi được hai con con mà thôi. Trong ba con con đó, con nào cơ thể yếu đuối thường bị chết trước thời kỳ cai sữa.

Cái chết của con thứ ba này do nhiều lý do: có thể nó bú không đủ no vì bị hai con khỏe tranh bú hết sữa. Cũng có thể bị hai con kia cắn nó chết… Vì vậy, khi trong chuồng có con nhím sinh ba, chủ nuôi liền bắt con con nhỏ nhất và yếu nhất trong ba con ra ngoài để nuôi bộ hoặc đem gởi cho bầy nào chỉ đẻ có một con (lứa so) để nhờ nuôi vú.

Nhím mẹ nào trong thời gian nuôi con tính cũng hung dữ, nhưng nó lại tỏ ra dễ tính trong việc chấp nhận nuôi vú con con của bầy khác. Sự dễ tính này có lẽ chỉ loài nhím mới có mà thôi. Các loài thú khác, như heo chẳng hạn, muốn san bầy nhiều con sang bầy đẻ ít con nhờ nuôi vú, ta phải chờ đêm hôm tối trời mới đem heo lạ đến nhập bầy và phải tránh cho heo mẹ hay biết. Mặt khác, phải chọn những heo con gửi vú sao cho cùng lứa và cùng sắc lông với heo trong đàn thì may ra mới đánh lừa heo mẹ được. Trong trường hợp heo mẹ phát giác được có heo lạ nhập chung vào bầy con của nó thì ngay lập tức nó sẽ cắn chết ngay. Và nhiều trường hợp heo mẹ còn nổi điên lên, cắn chốt hết cả bầy heo con của nó nữa!

Còn việc nuôi hộ tuy tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng nếu áp dụng đúng phương pháp, con nhím con đáng thương đó không những sống được mà còn lớn nhanh như chính mẹ nó nuôi.

Trong tháng đầu ta nuôi nhím con trong cái hang nhân tạo, bên trong lót cỏ khô cho ấm áp. Lớp cỏ khô hay rơm khô này cần được thay mới hàng ngày để nơi ở hợp vệ sinh. Hàng ngày ta cho nhím con nuôi bộ bú sữa bột (loại không có chất béo) hoặc sữa đậu nành, và cho bú nhiều cử trong ngày để lúc nào nhím con cũng được no nê.

Thỉnh thoảng ta nên để tâm theo dõi sức khỏe của nhím con đó qua sự vận động của nó, qua sự bài tiết của nó: Nếu phân dạng viên mềm là tốt, còn tiêu chảy thì lo chữa trị kịp thời.

Nhím sơ sinh chỉ khờ khạo, chậm chạp trong vài ba ngày đầu, chúng gần như lúc nào cũng ẩn mình dưới bụng nhím mẹ hoặc nằm nép bên mình mẹ. Nhưng, từ những ngày sau đó, chân cứng cáp hơn nên bắt đầu chạy lăng xăng nơi này nơi nọ khắp chuồng.

Nhờ nhím mẹ nhiều sữa và nhím con siêng bú nên chúng chóng lớn trông thấy. Khi lọt lòng mẹ chỉ cân nặng trên dưới 100g, nhưng đến một tháng tuổi nhiều con đã cân nặng từ 800g đến một kí.

Khi nhím con được hai tháng đến hai tháng rưỡi tuổi ta nên cho chúng cai sữa, vì lúc này chúng đã biết ăn rành, tự sống được. Hơn nữa, nhím mẹ cũng cần có thời gian để nghỉ ngơi, để dưỡng sức vì chỉ sau vài tuần nữa nhím mẹ lại đẻ tiếp lứa sau.

Ngoài việc cho yên tĩnh nghỉ ngơi, nhím mẹ từ đây còn được hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt với khẩu phần ăn bổ dưỡng hơn trước để vừa nuôi thân nó vừa nuôi các bào thai trong bụng đang ở vào thời kỳ tăng trưởng mạnh.

Việc cai sữa cho nhím con rất đơn giản: có thể bắt chúng ra khỏi chuồng (lồng) cách ly hẳn nhím mẹ, hay ngăn tạm một góc chuồng nuôi riêng chúng trong đó trong vài tuần, như vậy dù được sống cạnh mẹ nhưng không thể bú sữa mẹ như trước đây.

Ngày đầu cai sữa, nêu thấy nhím con đã khôn lớn, đã biết ăn rành thì ta có thể yên tâm để mặc cho chúng sống với thức ăn của nhím lớn. Nhưng, trong trường hợp ngược lại, tới ngày cai sữa mà nhím con chưa thực sự khôn lanh, thì dù vẫn nuôi cách ly, nhưng ba bốn ngày đầu, mỗi ngày cho chúng bú mẹ một cữ, sau đó mới dứt hẳn.

Qua một thời gian ngắn nuôi cách ly như vậy, nhím con sẽ bỏ hẳn thói quen ngậm vú mẹ. Chúng cũng không còn khát sữa như trước. Mà dù chúng có còn nhớ đến vú thì lúc này các tuyến sữa của nhím mẹ cũng cạn kiệt hết rồi.

Sau thời gian cách ly giữa mẹ và con, nếu muốn, cho nhím con nhập bầy trở lại sống với cha mẹ chúng như trước.

Có điều cần tránh là trong bầy nhím con, nếu có con nhím đực nào bốn năm tháng tuổi thì phải bắt ra nuôi riêng, chậm trễ nhím bố sẽ đuổi đánh và giết chết nó.

Sau ngày cai sữa mẹ, nếu được chăm sóc tốt, nuôi nâng với thức ăn bổ dưỡng no đủ, nhím con rất chóng lớn, mỗi tháng có thể tăng trọng một kí lô; năm tuổi đầu tiên có thể cân nặng được hơn 10kg, những năm kế tiếp sức tăng trọng của nhím chậm dần.


Dụng cụ đặt trong chuồng nhím Dụng cụ đặt trong chuồng nhím Sự sinh sản của loài nhím Sự sinh sản của loài nhím