Tin thủy sản Protein côn trùng: Giảm áp lực cho hệ sinh thái biển

Protein côn trùng: Giảm áp lực cho hệ sinh thái biển

Tác giả Tuấn Minh (Theo InternationalAquafeed), ngày đăng 09/11/2017

Protein côn trùng: Giảm áp lực cho hệ sinh thái biển

Tháng 7 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã cho phép sử dụng protein chế biến từ côn trùng (PAPs) làm thức ăn thủy sản. Văn bản luật chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2017 hứa hẹn sẽ tạo ra một cuộc cải cách quan trọng cho ngành nuôi trồng thủy sản và lĩnh vực sản xuất protein côn trùng.

Các chuyên gia dinh dưỡng tại nextProtein   Ảnh: nextProtein

Côn trùng chính là một thành phần quan trọng trong khẩu phần dinh dưỡng của các loài cá tự nhiên. Tuy nhiên, bột cá thường dùng làm thức ăn thủy sản lại chủ yếu được chế biến từ các loài cá tự nhiên này.

Phần lớn nguồn thức ăn cho các loài tôm, cá vẫn đang phụ thuộc bột cá làm từ cá nổi ngoài khơi. Điều này đã làm cạn kiệt hệ sinh thái đại dương; trong khi nguồn protein côn trùng được coi là giải pháp bền vững hơn cho ngành thủy sản để tạo ra nguồn thực phẩm cho con người.

Chuỗi sản xuất thực phẩm

Theo thống kê của Liên hợp quốc, tới năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt hơn 9 tỷ người. Để đảm bảo thực phẩm cho con số này, ngành thực phẩm toàn cầu sẽ phải tăng công suất hiện tại lên 70%. Trong khi, hệ sinh thái tự nhiên của trái đất đang dần suy kiệt vì tài nguyên đất, nước bắt đầu trở nên khan hiếm trong khi môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Thực trạng này đã trở thành nỗi lo của hiện tại và gánh nặng cho tương lai.

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng vẫn đang miệt mài nghiên cứu nhằm tìm ra cách sản xuất thực phẩm cho cả thế giới mà vẫn đảm bảo bền vững. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng tại châu Âu đã coi côn trùng là giải pháp đem lại hy vọng cho toàn thế giới. Một trong những phát hiện mang tính đột phá trong lĩnh vực sản xuất protein côn trùng chính là Hermetia illucens hay còn được gọi là ruồi lính đen vì năng suất, lợi nhuận cao nhưng chi phí sản xuất rất thấp.

Ruồi lính đen vẫn luôn thu hút được sự chú ý của nhiều chuyên gia dinh dưỡng vì chúng có thể được nuôi với quy mô công nghiệp và sinh sôi rất nhanh. Dưới những điều kiện nuôi dưỡng tối ưu, một con ruồi lính đen cái có thể đẻ hơn 500 trứng. Sau 2 tới 3 tuần, số trứng này sẽ nở thành ấu trùng và đó cũng là lúc người nuôi thu hoạch để chế biến thành những nguyên liệu giá trị trong thức ăn chăn nuôi như chất đạm bổ sung vào trong cám thủy sản; cám cho gia súc hoặc thú cưng; chiết xuất béo hay phân bón hữu cơ tự nhiên trong nông nghiệp.

Sản phẩm thực

Những sản phẩm từ ruồi lính đen đã bắt đầu có mặt trên thị trường và được đón nhận. Hãng dinh dưỡng vật nuôi nextProtein đã tạo ra được những sản phẩm hữu ích và tiện dụng. Tại cơ sở sản xuất và điều hành ở Tunisia, ruồi lính đen đã được nuôi và cho thu hoạch ấu trùng; sau đó được sản xuất thành thức ăn cho thủy sản và thú cưng. Thời gian tới, nextProtein sẽ đa dạng hóa sản phẩm cho ngành chăn nuôi gia cầm và heo. Theo đánh giá của EC, nhà máy sản xuất protein côn trùng được vận hành với chi phí cực thấp và không có dấu chân carbon; đồng nghĩa sẽ giảm thiểu rất nhiều tác động xấu tới hệ sinh thái tự nhiên của Trái Đất. Do đó, các dự án mở rộng quy mô sản xuất của nextProtein đã được nhiều nhà đầu tư tại châu Âu ủng hộ.

Điều quan trọng là tại nextProtein, ruồi lính đen được nuôi dưỡng bằng rác thải hữu cơ gồm như rau, củ, quả thừa hoặc bỏ đi từ các khu chợ trong vùng. Do đó, mạng lưới hoạt động của nextProtein không thể thiếu những đối tác địa phương nhằm tận dụng và thu gom nguồn cung rác thải hữu cơ. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh  và an toàn luôn được đề cao trong lĩnh vực sản xuất protein côn trùng.

nextProtein đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ biến đổi 5 - 10 tấn rác thải hữu cơ thành 1 tấn protein và dầu côn trùng từ cơ sở sản xuất rộng 2.500 m2 chỉ với 15 nhân viên. Như vậy, một trại sản xuất protein côn trùng rộng 100 m2 nhưng giá trị sản phẩm tạo ra sẽ tương ứng với một cánh đồng 100 ha đậu tương. Điều này có nghĩa, sản xuất côn trùng đã tiết kiệm được nguồn tài nguyên đất, năng lượng và nước nhiều hơn sản xuất loại protein có giá trị tương tự. Ngoài ra, cũng giảm tải đáng kể những dịch vụ liên quan như vận tải và logistic. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với ngành nuôi trồng thủy sản và thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp bền vững trong tương lai.

>> Hiện, châu Âu cũng mở ra Diễn đàn quốc tế về côn trùng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (IPIFF) để thực hiện sứ mệnh phát triển phương thức sản xuất đảm bảo vệ sinh, an toàn trong ngành công nghiệp mới này. nextProtein là một thành viên tích cực của lực lượng chuyên trách, trực thuộc IPIFF.


Gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công nghệ Copefloc cho năng suất cao Gây nuôi thức ăn tự nhiên theo công… Để hạn chế bị kiện chống bán phá giá Để hạn chế bị kiện chống bán phá…