Tin nông nghiệp Quản lý bệnh hại rễ cây ăn trái bằng biện pháp sinh học

Quản lý bệnh hại rễ cây ăn trái bằng biện pháp sinh học

Tác giả Nguyễn Thị Nguyệt, ngày đăng 30/05/2018

Quản lý bệnh hại rễ cây ăn trái bằng biện pháp sinh học

Bệnh hại rễ rất phổ biến trên các vườn cây ăn trái nhất là trong mùa mưa bộ rễ dễ bị tổn thương, gây ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây, thậm chí đưa đến chết cây nếu phát hiện trễ...

Bệnh vàng lá thối rễ trên bưởi

Vì thế, nhà vườn cần thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh ngay khi những triệu chứng đầu tiên chớm xuất hiện, đồng thời trong quá trình canh tác luôn có những biện pháp phòng sẽ hạn chế sự phát triển bệnh. Nông dân cần biết trong đất cũng có hệ sinh thái giống như trên mặt đất: có các sinh vật có hại (tấn công cây trồng) sống cùng với các sinh vật có lợi (tấn công các sinh vật có hại). Do đó, nếu nhà vườn biết tạo điều kiện bất lợi cho các sinh vật có hại và tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh vật có lợi phát triển mạnh sẽ giúp bảo vệ cây trồng một cách tốt nhất.

Trong các loài dịch hại trong đất, phổ biến nhất phải kể đến các loài nấm và tuyến trùng gây hại rễ cây ăn trái:

*Nấm

Nấm  Fusarium sp, Phytophthora sp., Pythium sp., Rhizoctonia sp.,… là tác nhân gây bệnh thối rễ của nhiều loại cây ăn trái như bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi, bệnh thối rễ sầu riêng, chôm chôm,…. Riêng nấm Fusarium sp. luôn hiện diện trong đất nhưng không xâm nhập trực tiếp vào rễ. Nấm xâm nhập chủ yếu qua các mảng thối ở rễ non khi rễ bị oi nước trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, vết thương cơ giới, do tuyến trùng và côn trùng tạo ra cũng là cửa ngõ để nấm xâm nhập và gây hại. Các loài Rhizoctonia sp.cũng gây hiện tượng lở cổ rễ cây con, thường xảy ra trong vườn ươm. Triệu chứng lở cổ rễ do nấm xâm nhiễm ở phần cổ rễ sát mặt đất có thể làm chết cây con. Bệnh thối rễ do nấm Rhizoctonia hình thành do nấm xâm nhập vào cây ở đỉnh sinh trưởng của các rễ phụ nhỏ. Nấm sau đó phát triển từ đầu rễ và lan vào rễ chính làm thối rễ. 

Các điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây hại phát triển và tấn công rễ cây trồng:  Đất vườn có thành phần sét, lạm dụng phân hóa học ít dùng phân hữu cơ nên đất bị nén chặt, vườn bị oi nước trong mùa mưa, trong khi mùa nắng đất lại dễ bị khô nứt làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển hệ thống rễ và tạo điều kiện cho các loại dịch hại trong đất tấn công.Vườn không bón vôi cho đất cũng là điều kiện giúp bệnh phát triển và gây hại nặng. Xử lý ra hoa (nghịch vụ) bằng biện pháp xiết nước khi tưới nước trở lại hoặc gặp mưa dễ làm cho rễ mẫn cảm với nấm bệnh. Vườn thoát nước kém, cây giống không sạch bệnh.  

Nấm bệnh hại rễ tồn tại trong đất qua một thời gian dài khi không có ký chủ và nguồn bệnh trong đất tăng dần qua nhiều năm (chu kỳ mùa vụ). Chúng có thể lan truyền theo nước tưới, đất do động vật và người mang,  giống bị nhiễm bệnh.

*Tuyến trùng

Ngoài nấm gây hại rễ, tuyến trùng là dịch hại nguy hiểm cho sản xuất cây ăn trái vì khi tuyến trùng  xâm hại cây không thể hút được nước và dinh dưỡng nuôi cây dẫn đến cây chết hàng loạt gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, tuyến trùng ký sinh thực vật còn được đánh giá là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các bệnh hại cây trồng do nấm, vi khuẩn từ đất. Có nhiều loài tuyến trùng gây hại rễ cây ăn trái nhưng phổ biến nhất là tuyến trùng Meloidogyne spp. Tuyến trùng xuất hiện và xâm hại sẽ khiến rễ cây ăn trái bị biến dạng chuyển sang màu nâu, rễ bị thối và bắt đầu xuất hiện những nốt sưng, cây phát triển chậm dần còi cọc, cây thấp. Tuyến trùng thường tấn công vào những rễ đã trưởng thành, những vết chích hút của nó tạo điều kiện cho nấm xâm nhập và gây hại trên cây. Bệnh biểu hiện nặng vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Tuyến trùng ký sinh thực vật thuộc nhóm giun tròn nhỏ, không phân đốt. Chúng di chuyển trong đất hoặc rễ bằng cách uốn mình chuyển động như rắn dựa vào các phần tử đất hoặc mô cây. Chúng có thể di chuyển tất cả mọi hướng thông qua đất ướt để tìm rễ ký chủ.. Vào mùa khô, chúng thường di chuyển sâu hơn xuống dưới đất. Tuyến trùng di chuyển theo nước nên khả năng lây lan rất nhanh.Vì thế, những hoạt động như đào, xới gây tổn thương ở rễ cây tạo điều kiện cho tuyến trùng lây lan và phát triển. Đa số tuyến trùng ký sinh thực vật có phổ ký chủ rộng. Tuyến trùng có thể tồn tại ở trạng thái ngủ nghỉ khi không có ký chủ.

Sầu riêng bị thối rễ.

* Biện pháp quản lý bệnh hại rễ

- Bón nhiều phân hữu cơ hàng năm sau khi thu hoạch để làm cho đất tơi xốp, kết hợp sử dụng nấm đối kháng Trichoderma tăng cường hoạt động vi sinh vật có lợi trong đất giúp cân bằng hệ sinh vật đất, hạn chế nấm gây bệnh.

- Trong vườn nên trồng các loại cỏ thân thấp, ít cạnh tranh dinh dưỡng, để giúp đất thông thoáng, bốc thoát hơi nước trong mùa mưa, giữ ẩm trong mùa khô. Nên để cỏ cách gốc 50cm.

- Xẻ rãnh thoát nước tốt trong mùa mưa tránh vườn bị ngập úng cục bộ trong mùa mưa. Mực nước trong mương vườn cách mặt bờ khoảng 80cm.

- Hàng năm bón bổ sung vôi cho vườn cây ăn trái với liều lượng 1-2 kg/gốc. Nên quét vôi vào gốc cây khoảng trên 50cm vào cuối mùa nắng.

- Thường xuyên tỉa cành, tạo tán cho cây, cắt tỉa, loại bỏ những cành già yếu, sâu bệnh,…để giúp cây thông thoáng và thúc đẩy chồi mới hình thành mạnh.

- Vùng có nhiều tuyến trùng có thể trồng cây cúc vạn thọ trong vườn để hạn chế mật số của tuyến trùng. Nấm Paecilomyces sp. được xem là một trong những loài nấm diệt tuyến trùng hiệu quả cao nhất. Hạn chế việc đào xới đối với những vườn cây từng bị bệnh tuyến trùng. Vườn cây đã xuất hiện một vài cây bị bệnh không nên áp dụng biện pháp tưới tràn vì như vậy mầm bệnh sẽ lây lan khắp nơi.

Đối với việc quản lý bệnh hại rễ cây ăn trái, nên chú ý phòng bệnh bằng kỹ thuật canh tác và  biện pháp sinh học luôn mang lại hiệu quả cao hơn khi thấy bệnh phát triển mới xử lý thuốc vừa gây ô nhiễm môi trường vừa ảnh hưởng nguồn vi sinh vật có lợi vốn dĩ có sẵn trong đất./.


Sung Mỹ - dễ trồng, lợi nhuận cao Sung Mỹ - dễ trồng, lợi nhuận cao Bệnh cảm nắng, cảm nóng ở gia súc và biện pháp phòng trị Bệnh cảm nắng, cảm nóng ở gia súc…