Đu đủ Quản lý bệnh khảm do virus trên cây đu đủ

Quản lý bệnh khảm do virus trên cây đu đủ

Tác giả Huy Thảo - Chi cục Trồng trọt & BVTV, ngày đăng 11/02/2022

Quản lý bệnh khảm do virus trên cây đu đủ

Đu đủ là loại cây trồng mau thu hoạch, tương đối dễ trồng và tiêu thụ. Trái đu đủ có giá trị dinh dưỡng cao đối với sức khỏe, hạt, lá và hoa cũng có tác dụng trong việc phòng trị một số bệnh. Ngoài ra đu đủ được dùng trong mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam với quan niệm tốt lành đầu năm mới "cầu sung vừa đủ xài". Tuy nhiên, trong canh tác đu đủ, nông dân thường lo ngại nhất là bệnh khảm vì đây là bệnh do virus, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng trái.

Bệnh do virus trên đu đủ rất phổ biến, được coi là một trở ngại lớn nhất cho nghề trồng đu đủ ở nước ta và nhiều nước khác trên thế giới. Có thể nói ở đâu có trồng đu đủ là ở đó có bệnh này và bệnh lây lan rất nhanh, do một hoặc kết hợp của các loại virus, điển hình Papaya Mosaic Virus (PMV) và Papaya Ringspot Virus (PRV), với các triệu chứng phổ biến như biến dạng, nhăn nheo trên lá non, trái rất nhỏ, chai sượng hoặc chảy nhựa. Lá bị bệnh khảm có nhiều đốm xanh vàng loang lổ xen kẻ, bệnh càng nặng càng chuyển màu vàng nhiều hơn, lá nhỏ lại, số thùy lá gia tăng, nhăn nheo, biến dạng. Trên cây bị nhiễm bệnh khảm sẽ thấy đọt túm lại, còn trơ chùm lá ngọn màu vàng, nhăn nhúm. Cây bị bệnh vẫn cho trái nhưng ít trái, trái nhỏ, biến dạng, lượng đường trong trái giảm, có vị đắng, hạt bị thui lép và chai sượng. Virus bệnh khảm không lan truyền qua hạt nhưng được truyền qua các vết thương và môi giới truyền bệnh là côn trùng chích hút, gồm một số loài rệp thuộc họ Aphididae như Aphis gossipii, Aphis crasivora, đặc biệt là rệp đào (Myzus persicae), loài rệp này cũng thường gây hại nhiều cho các loại rau cải, bầu bí, mướp, dưa.

Bệnh do virus không có thuốc trị do đó nên có biện pháp quản lý bệnh ngay từ khi mới trồng, hạn chế tối đa sự xuất hiện của môi giới truyền bệnh là chính. Nguyên tắc chung để quản lý bệnh nên áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp, quan tâm đến kỹ thuật canh tác ngay từ khi mới trồng như mật độ vừa phải hợp lý, tránh trồng quá dày. Không trồng xen đu đủ với các cây cà, ớt, bầu bí, dưa, để không bị lây bệnh hoặc dẫn dụ rệp phá hại. Thường xuyên làm sạch cỏ dại trong vườn đu đủ. Không trồng đu đủ liên tục nhiều vụ, nhất là trên vùng đất trước đó đã bị nhiễm bệnh. Quan sát theo dõi, nhổ bỏ sớm và tiêu hủy các cây có triệu chứng bệnh ngay từ trong liếp ươm và trong vườn trồng. Phòng trừ nhóm côn trùng môi giới hạn chế bệnh khảm.

Đu đủ là loại trái cây thường sử dụng ăn chín và trái được thu hoạch liên tục nên khi phun thuốc giai đoạn mang trái cần chọn lọc những loại thuốc ít độc, ưu tiên sử dụng nhóm thuốc sinh học. Ngoài ra, đu đủ rất mẫn cảm đối với các loại thuốc nhũ dầu, dễ gây cháy lá, do đó không được pha thuốc quá liều hướng dẫn trên nhãn thuốc và nên phun vào lúc chiều mát. Tuyệt đối đảm bảo đúng thời gian cách ly để an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.


Cách trồng đu đủ cho nhiều quả Cách trồng đu đủ cho nhiều quả