Bưởi Quản lý rệp dính gây hại trên cây có múi

Quản lý rệp dính gây hại trên cây có múi

Tác giả Huỳnh Thị Mỹ Dung - Trạm Bảo vệ thực vật Giồng Trôm, ngày đăng 26/04/2017

Quản lý rệp dính gây hại trên cây có múi

Hiện nay, ở huyện Giồng Trôm việc mở rộng diện tích trồng cây có múi để thay thế những cây trồng kém hiệu quả khác ngày càng nhiều, cùng với sự gia tăng diện tích và mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng, rệp dính ngày càng xuất hiện phổ biến và gây hại nghiêm trọng.

Trong ảnh: Rệp dính gây hại trên trái.

Rệp dính hay rệp sáp vảy có tên khoa học là Unaspis citri (Comstock) họ Coccidae, bộ Hemiptera, trưởng thành con cái rệp vảy mềm có dạng hình tròn, được phủ lớp sáp màu vàng nhạt, có loài màu nâu đen, có loài màu trắng, đường kính khoảng 1,3 mm, bề mặt ghồ ghề. Con đực thì nhỏ hơn và có dạng hình que, dài khoảng 0,5 mm, sau khi bắt cặp thì chết.

Trên cây có múi, rệp dính thường xuất hiện và tấn công trên thân chính và các nhánh cây. Mật số rệp dính cao và xảy ra trong thời gian dài làm vỏ thân cây bị khô nứt, vết nứt mở đường cho các dịch hại khác xâm nhập và gây hại cây. Sự tấn công của rệp dính làm giảm khả năng sinh trưởng, phát triển của cây. Trường hợp rệp gây hại nặng trên các nhánh nhỏ hoặc cây còn nhỏ có thể làm nhánh hoặc cả cây bị chết.

Rệp dính gây hại trên thân

Rệp dính cũng tấn công và gây hại trên lá và trái khi mật số cao làm giảm năng suất và chất lượng trái. Phân của chúng thải ra tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Rệp dính còn truyền bệnh virus trên cây cam quýt.

Rệp dính thường gây hại nặng ở những vườn trồng quá dày, kém thông thoáng, ít chăm sóc. Để phòng trừ hiệu quả rệp dính nhà vườn cần trồng ở mật độ hợp lý, thường xuyên cắt tỉa để vườn thông thoáng. Trong quá trình chăm sóc cây trồng, rệp dính có thể theo dụng cụ làm vườn, bám vào quần áo rồi lây lan từ vườn này sang vườn khác; do đó cần vệ sinh dụng cụ làm vườn, giặt kỹ quần áo sau khi chăm sóc ở vườn bị nhiễm rệp dính trước khi vào chăm sóc vườn chưa nhiễm.

Khi mật số cao cần phun thuốc để phòng trị như: dầu khoáng SK Enspray 99EC, Abamectin, Emamectin, Movento 150OD, ...nên sử dụng luân phiên các hoạt chất để hạn chế kháng thuốc.

Khi phun cần phun kỹ vào các bộ phận của cây, đặc biệt là thân và cành cây, nếu sử dụng thuốc lưu dẫn thì phun đều trên lá. Trường hợp mật số rệp dính cao, chúng xếp thành nhiều lớp chồng lên nhau nên cần phun 2 - 3lần, mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày cho đến khi tất cả các lớp rệp dính bong ra khỏi cây.


Phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ trên cây bưởi Da Xanh Phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ trên… Khắc phục hiện tượng nứt trái Trên cây bưởi da xanh Khắc phục hiện tượng nứt trái Trên cây…