Tôm thẻ chân trắng Quản lý tảo trong ao nuôi tôm

Quản lý tảo trong ao nuôi tôm

Ngày đăng 09/06/2015

Quản lý tảo trong ao nuôi tôm

Các loại tảo phổ biến

Bao gồm tảo lục, tảo silic (là tảo có lợi do không chứa độc tố, khi phát triển nhiều trong ao ít gây hiện tượng nở hoa), tảo lam, tảo giáp và tảo mắt (có hại vì khi chúng phát triển chiếm ưu thế trong nước sẽ gây hiện tượng nở hoa, nước nhiều nhớt, nổi bọt khó tan, sản sinh nhiều chất độc). Khi tảo lam phát triển, nước ao sẽ có màu xanh đậm, xanh nước sơn, nổi váng xanh trên mặt nước và có mùi hôi. Trời nắng gắt tảo lam thường nổi thành đám trên mặt nước, dạt về cuối gió. Khi tảo lam già có dạng hạt hay dạng sợi thường thải chất nhờn vào nước có thể gây tắc nghẽn mang tôm.

Một số trường hợp tôm bị phân trắng thường tìm thấy nhóm tảo này trong đường ruột tôm ở dạng chưa tiêu hóa. Đối với tảo mắt, khi chiếm ưu thế trong ao nước sẽ có màu xanh rau má, hoặc nâu đen; Các váng màu xanh, vàng, đỏ, nâu nổi tập trung trên mặt nước và xuống đáy ao khi ánh sáng mặt trời giảm. Tảo giáp xuất hiện và phát triển nhiều biểu hiện nước trong ao nuôi bị ô nhiễm. Tôm không tiêu hóa được loài tảo này do chúng có vách tế bào cứng, một số trường hợp tôm bị tắc nghẽn đường ruột hoặc phân bị đứt đoạn do có quá nhiều tảo giáp trong ruột.

Nguyên nhân và biện pháp khắc phục

Trong nuôi tôm thâm canh, nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng nước ngày càng xấu đi là do thức ăn dư thừa và lượng chất thải của tôm quá nhiều. Dấu hiệu nhận biết thức ăn dư thừa là nước trở nên xanh đột ngột, hàm lượng NH4+, NH3 tăng bất thường, tôm hoạt động yếu hơn… Lúc này cần điều chỉnh lượng thức ăn, cho ăn từ đủ đến thiếu hoặc có thể cắt cữ ăn trong ngày để giảm thiểu lượng hữu cơ do thức ăn thừa gây ra.

Càng về cuối vụ thì tỷ lệ N/P trong nước càng giảm là do N lắng đáy, do vậy ngay từ tháng nuôi đầu tiên ao nuôi cần được bổ sung chế phẩm vi sinh chứa vi khuẩn Nitrobacter và Nitrosomonas để chuyển hóa các chất gây độc như NH3, NO2- thành dạng không độc như NO3-, NH4+.

Lưu ý: Nitrosomonas và Nitrobacter là vi khuẩn mẫn cảm với ánh sáng, khoảng pH thích hợp cho Nitrosomonaslà 7,8 - 8, Nitrobacter là 7,3 - 7,5. Nitrobacter sẽ tăng trưởng chậm hơn ở pH cao đặc trưng của các ao nuôi giai đoạn cuối. Nitrosomonas có khả năng sống ở những nơi có hàm lượng NH3 tương đối cao (như trong bùn đáy ao).

Vào giai đoạn 2 tháng tuổi trở đi, tảo giáp và tảo lam tảo thường có tình trạng phát triển quá mức và chiếm ưu thế…, có hiện tượng nước nổi bột khó tan, tôm bị stress nên sử dụng sản phẩm có chất Yucca Schidigera, kết hợp Zeolite để giảm bớt khí độc do tảo sinh ra. Mặt khác, nước trước khi cấp vào ao nuôi phải được xử lý bằng hóa chất diệt khuẩn như Chlorine, BKC, Formaline… để giảm mật độ tảo của nước sau khi cấp.

Thả ghép cá rô phi với tôm trong ao. Cá rô phi thường sống ở tầng nước giữa và tầng đáy. Cá có thể tiêu hóa tảo trong đó có tảo sợi và thực vật lớn nhờ vào nhiều răng mịn ở hầu; môi trường dạ dày của cá rô phi có tính axít cao (pH thường dưới 2) làm cho những tế bào của tảo và vi khuẩn dễ vỡ ra. Cá rô phi có thể tiêu hóa 30 - 60% đạm trong tảo, đặc biệt là các loại tảo lam, tảo lục, làm giảm sinh khối của loài tảo này, hạn chế hiện tượng màu nước ao nuôi trở nên xanh đậm hoặc xanh đen, dày đặc... giúp ổn định màu nước. Đặc biệt, trong những ao có nuôi cá ít khi có tình trạng nước phát sáng.

Tảo có tác dụng tạo màu nước cung cấp ôxy và cân bằng hệ sinh thái nước ao. Sự xuất hiện quá mức của tảo là nguyên nhân gây biến động môi trường nước, ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi. Người nuôi cần nắm vững đặc điểm và điều kiện phát triển của mỗi loài tảo để có hướng điều chỉnh, kích thích tảo có lợi, hạn chế tảo gây hại.

Tags: quan ly tao, ao nuoi tom, nuoi thuy san


Có thể bạn quan tâm

Nuôi tôm, tránh lạm dụng kháng sinh Nuôi tôm, tránh lạm dụng kháng sinh Nuôi thủy sản nước ngọt mùa mưa Nuôi thủy sản nước ngọt mùa mưa