Tôm thẻ chân trắng Quản lý thức ăn thời gian đầu nuôi tôm

Quản lý thức ăn thời gian đầu nuôi tôm

Publish date Saturday. July 4th, 2015

Quản lý thức ăn thời gian đầu nuôi tôm

Thức ăn tự nhiên

Thức ăn tự nhiên đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, nhất là trong giai đoạn tôm còn nhỏ. Thức ăn tự nhiên có kích thước nhỏ, chứa nhiều axit amin tự do hoặc oligopeptid dễ tiêu, cung cấp đầy đủ những chất dinh dưỡng cần thiết giúp tôm tăng trưởng, phát triển tốt.

Ngoài ra, thức ăn tự nhiên có chứa hệ thống enzyme tăng cường sự hấp thu và nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi. Một trong những thức ăn tự nhiên phổ biến, ưa thích và có giá trị làm thức ăn cho tôm khi mới thả là copepods. Protein của copepods cần thiết cho sự tăng trưởng mạnh của tôm nuôi khi còn nhỏ. Ngoài giá trị dinh dưỡng, thức ăn tự nhiên còn góp phần làm cho môi trường nuôi được ổn định, cân bằng hệ sinh thái, giảm sự phát triển của tảo đáy. Hệ thức ăn tự nhiên trong ao phát triển phụ thuộc việc gây màu nước trước khi thả tôm giống và duy trì màu nước trong quá trình nuôi.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp gây nuôi và duy trì màu nước cho ao nuôi tôm. Trong đó, sử dụng phân trùn quế hoặc bột ngũ cốc lên men để gây màu nước là những phương pháp gây màu nước tốt, gia tăng nhanh chóng lượng thức ăn tự nhiên, nhất là copepods. Còn nếu sử dụng phân vô cơ để gây màu nước thì cần chú ý tỷ lệ đạm, lân > 3 : 1 để các loại tảo silic, tảo lục phát triển. Tỷ lệ đạm, lân xấp xỉ 1 : 1 thì các loại tảo độc dễ sinh sôi. Nước có màu xanh nõn chuối, xanh vàng, màu trà hoặc màu đậu xanh là phù hợp. Khi nước đạt độ trong 30 - 40 cm thì có thể tiến hành thả giống. Trong giai đoạn đầu vụ nuôi, định kỳ 7 - 10 ngày bón phân trùn quế, bột ngũ cốc lên men, phân vô cơ... một lần để ổn định màu nước, duy trì lượng thức ăn tự nhiên cho tôm.

Sử dụng thức ăn công nghiệp

Thức ăn công nghiệp sử dụng cho tôm trong giai đoạn đầu có kích thước rất nhỏ, hàm lượng đạm cao, dễ bị hòa tan trong nước, vì vậy tôm chỉ sử dụng được một lượng rất nhỏ. Sử dụng thức ăn công nghiệp trong thời gian đầu chủ yếu có tác dụng gây màu nước. Tùy vào lượng thức ăn tự nhiên và màu nước mà điều chỉnh lượng thức ăn công nghiệp cho tôm ăn trong thời gian đầu. Sử dụng thức ăn công nghiệp cho tôm ăn với nguyên tắc lượng ít, lần nhiều, trong thời gian đầu cho tôm ăn 5 cữ/ngày vào lúc 6 giờ, 10 giờ, 16 giờ, 20 giờ, 23 giờ. Tôm có tập tính ăn nơi nước sạch; vì vậy khi cho tôm ăn cần chọn nơi được làm sạch bằng máy quạt nước, tránh cho tôm ăn ở chỗ dơ bẩn, nơi tích tụ bùn đáy hoặc trong góc ao.

Ngày thứ 10 sau khi thả giống, cho thức ăn vào sàng ăn để tôm làm quen, dễ cho việc kiểm tra thức ăn dư sau này. Sàng ăn được đặt nơi bằng phẳng cách bờ 1,5 - 2m, sau cánh quạt nước 12 - 15 m, không đặt ở góc ao, cứ 1.500 - 2.000 m2 bố trí một sàng ăn. Thức ăn cho vào sàng 1 - 2% lượng thức ăn mỗi lần.

Sau 15 ngày có thể bổ sung vitamin, khoáng chất, sản phẩm men tiêu hóa để tăng cường sức khỏe cho tôm. Thức ăn công nghiệp và một số chất bổ trợ được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để cho tôm ăn phải đảm bảo có hàm lượng đạm tổng số 32 - 45%, thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật. Bảo quản thức ăn theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Không dùng thức ăn, chất bổ trợ đã hết hạn sử dụng.

Điều chỉnh lượng thức ăn

Lượng thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất thường lớn hơn nhiều so với thực tế, do được thiết kế trong điều kiện nuôi lý tưởng. Cho tôm ăn thừa giai đoạn đầu có thể thúc đẩy tôm tăng trưởng nhanh trong thời gian đầu, do chất lượng nước còn tốt. Tuy nhiên, khi chất thải được tích lũy nhiều, ao nuôi bị ô nhiễm, dễ gây bệnh cho tôm trong thời gian nuôi tiếp theo.

Lượng thức ăn công nghiệp sử dụng trong tháng nuôi đầu tiên phụ thuộc nhiều vào mật độ nuôi và lượng thức ăn tự nhiên. Trong quá trình nuôi cần linh hoạt điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Nếu nước nhạt màu, độ trong lớn, có thể bổ sung thêm lượng thức ăn công nghiệp kết hợp với việc sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học để cải thiện màu nước, gia tăng lượng thức ăn tự nhiên. Tại những ao nuôi với mật độ < 60 con/m2, nếu gây màu nước tốt thì trong tuần đầu tiên không cần bổ sung thức ăn công nghiệp.

Trong điều kiện nuôi công nghiệp với mật độ cao, lượng thức ăn tự nhiên không đủ cung cấp cho tôm thì thức ăn công nghiệp bổ sung cho tôm là cần thiết. Tôm sú có tập tính tìm thức ăn tự nhiên nhiều, hoạt động chậm, trong thời gian 1 - 3 ngày tuổi chỉ cho ăn với lượng 1,2 - 1,5 kg/100.000 giống; trong thời gian 4 - 10 ngày tuổi, mỗi ngày tăng thêm 200 g/100.000 giống; ngày 11 - 20, mỗi ngày tăng 250 g/100.000 giống; từ ngày thứ 21 trở đi mỗi ngày tăng thêm 300 g/100.000 giống kết hợp với kiểm tra sàng ăn. Tôm thẻ chân trắng là loài hoạt động nhiều trên tầng mặt và tầng giữa, tiêu hóa lượng thức ăn lớn hơn, ngày đầu tiên sử dụng 2 kg/100.000 giống.

Trong 20 ngày đầu tiên, mỗi ngày tăng 200 g/100.000 giống. Từ ngày 21, mỗi ngày tăng 500 g/100.000 giống, kết hợp với sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn. Trong thời gian này, kiểm tra lượng thức ăn thừa sau 3 giờ khi cho tôm ăn. Trong suốt thời gian đó nếu thức ăn vừa hết là lượng thức ăn vừa đủ để cung cấp cho tôm nuôi. Việc sử dụng sàng ăn rất quan trọng để kiểm tra lượng thức ăn, phản ánh khả năng sử dụng thức ăn, tình trạng sức khỏe tôm nuôi, điều kiện đáy ao nuôi.

Tags: quan ly thuc an cho tom, nuoi tom, ky thuat nuoi tom, thuc an thuy san, nuoi trong thuy san


Related news

Quy trình nuôi cá lóc đầu nhím thương phẩm Quy trình nuôi cá lóc đầu nhím thương… Chọn giống tôm thẻ chân trắng chất lượng Chọn giống tôm thẻ chân trắng chất lượng