Tin thủy sản Quan tâm hơn đến giống thủy sản truyền thống

Quan tâm hơn đến giống thủy sản truyền thống

Tác giả Phương Ngọc, ngày đăng 01/12/2017

Quan tâm hơn đến giống thủy sản truyền thống

Các loại thủy sản truyền thống như mè, trôi, trắm, chép... được xác định là những loài nuôi nhiều ở nước ta và được sản xuất giống nhân tạo. Sản lượng đáp ứng đủ nhu cầu, song vẫn chưa mở rộng phạm vi, quy mô sản xuất các loài có giá trị. Do đó, đã đến lúc chạy nước rút để tăng tốc.

Nhiều địa phương đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống   Ảnh: Huy Hùng

Có thể sản xuất theo nhu cầu

Tính đến năm 2010, cả nước 416 trại sản xuất giống thủy sản truyền thống, với năng lực sản xuất trên 15 tỷ cá giống mỗi năm. Hầu hết, các trại sản xuất giống thủy sản truyền thống, các cơ sở ương nuôi giống nằm ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu cá giống cho các vùng nuôi trong cả nước.

Những thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống bằng phương pháp nhân tạo đã là động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất giống phát triển. Việc ứng dụng các công nghệ mới, quy trình sản xuất giống ngày càng hoàn thiện phù hợp với điều kiện nông hộ, hoặc cơ sở sản xuất để đưa năng suất cá bột ngày càng cao, giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Ngoài ra, việc cải tiến, nâng cao chất lượng thức ăn phù hợp cho cá ương nuôi ở từng giai đoạn, cải tiến quản lý môi trường ao ương nuôi, ứng dụng và cải tiến công nghệ trong vận chuyển cá bột, cá giống cũng là yếu tố nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất giống. Hiện nay, về cơ bản các đối tượng thủy sản truyền thống đã có công nghệ sản xuất giống ổn định; Các cơ sở sản xuất giống đều nắm chắc kỹ thuật và dễ dàng sản xuất theo nhu cầu.

Vẫn còn nhiều bất cập

Với mục tiêu đẩy mạnh ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa một cách hiệu quả và bền vững, những năm qua Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo hoạt động sản xuất, cung ứng giống thủy sản truyền thống phải đảm bảo chất lượng, đúng mùa vụ, giá hợp lý... và bước đầu gặt hái được một số thành công. Tuy nhiên hoạt động này vẫn tồn tại nhiều bất cập. Công tác quản lý chất lượng giống thủy sản truyền thống còn chưa được chú trọng. Đàn thủy sản bố mẹ nhiều nơi chưa đảm bảo chất lượng, cận huyết; Cá bố mẹ ngày càng nhỏ, phát dục sớm, nhất là những đối tượng nhập nuôi từ lâu như cá chép, mè trắng, trắm cỏ... Tình trạng cung vượt cầu trong khâu sản xuất cá bột ở các tỉnh đồng bằng gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trại cá, dẫn đến tình trạng để giảm giá bán đã dùng cá bố mẹ không đủ trọng lượng, thúc cá đẻ sớm, cho cá đẻ tái phát dục nhiều lần trong năm... làm chất lượng giống giảm trầm trọng.

Cơ cấu giống nghèo nàn, chậm được bổ sung, có nhập nội một số đối tượng mới nhưng hiệu quả thấp. Trong nhiều năm nay đối tượng sản xuất giống vẫn chỉ là mè, trôi trắm, chép… mà chưa mở rộng được phạm vi, quy mô sản xuất các loài cá có giá trị như cá vền, nheo, lăng, chiên, bỗng, rầm xanh, anh vũ... ở miền Bắc; Cá duồng, lăng, dảnh, chạch lấu… ở miền Nam. Giá cá giống, nhất là các loại đặc sản còn cao, chưa đảm bảo chất lượng giống đúng yêu cầu và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, việc lưu thông phân phối cá bột cá giống hiện nay chủ yếu là hoạt động tư nhân do thị trường quyết định nên công tác quản lý lưu thông giống còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng giống vận chuyển không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không kiểm dịch vẫn còn phổ biến.

Đẩy mạnh giống giá trị cao

Phát triển nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống đang trở thành hướng phát triển bền vững trong nuôi trồng thủy sản ở nhiều tỉnh, thành, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, các đối tượng nuôi truyền thống như cá chép, trê, lóc, trắm cỏ, mè… hiệu quả kinh tế vẫn chưa cao, chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Trong khi nhu cầu, đời sống ngày càng cao, yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm là tất yếu. Điều đó thôi thúc ngành thủy sản từng bước phải nghiên cứu, sản xuất thí điểm thành công nhiều loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao.

Con giống đóng vai trò quan trọng, vì thế nâng cao hiệu quả của việc sản xuất giống là điều cần thiết. Phải tăng cường nghiên cứu khoa học, trước hết tập trung vào khâu sản xuất giống. Nhập công nghệ sản xuất giống mới, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào sản xuất con giống…

Ngoài ra, cũng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất giống trong nước, cơ sở hạ tầng, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Bảo đảm điều kiện sản xuất, kinh doanh, có hồ sơ theo dõi quá trình nuôi theo đúng kỹ thuật. Sản xuất con giống phải có nguồn gốc xuất xứ. Nếu phát hiện cơ sở nào không bảo đảm chất lượng, nhắc nhở nhưng không khắc phục cần có những biện pháp xử lý mạnh tay.

>> Nuôi các đối tượng thủy sản truyền thống ở phía Bắc trong tương lai sẽ tập trung ở các tỉnh miền núi do có nhiều hồ chứa, nguồn nước sạch. Nhưng việc cung cấp cá giống cho vùng này còn thiếu, chất lượng thấp, giá cao… vì phải vận chuyển từ miền xuôi lên, do đó cần phải có sự hỗ trợ đầu tư sản xuất giống tại chỗ.


Lo ngại về sụt giảm của thị trường cá tra Mỹ và EU Lo ngại về sụt giảm của thị trường… Hiểu đúng thị trường để khai thác hiệu quả Hiểu đúng thị trường để khai thác hiệu…