Mô hình kinh tế Quảng Bình Chuyển Đổi Nuôi Thủy Sản Theo Hướng Bền Vững Trên Ao Nuôi Tôm Kém Hiệu Quả

Quảng Bình Chuyển Đổi Nuôi Thủy Sản Theo Hướng Bền Vững Trên Ao Nuôi Tôm Kém Hiệu Quả

Ngày đăng 19/09/2014

Quảng Bình Chuyển Đổi Nuôi Thủy Sản Theo Hướng Bền Vững Trên Ao Nuôi Tôm Kém Hiệu Quả

Một số vùng nuôi tôm ở tỉnh Quảng Bình đang đối mặt với tình trạng rủi ro khi phát triển nuôi tôm do ô nhiễm môi trường nước ao, hồ.

Trước thực trạng đó, việc chuyển đổi sang nuôi các đối tượng thủy đặc sản như cá chẽm, cá bống bớp, cá chim vây vàng... trên ao nuôi tôm kém hiệu quả đang được tỉnh quan tâm, đầu tư.

Nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, tăng hiệu quả kinh tế và hạn chế dịch bệnh trên ao nuôi tôm kém hiệu quả, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình đã thực hiện mô hình Nuôi cá chim vây vàng tại hồ nuôi ở xã Hạ Trạch (Bố Trạch) và phường Quảng Thuận (thị trấn Ba Đồn). Sau hơn 4 tháng nuôi, mô hình đã đạt được hiệu quả bước đầu.

Ông Lê Chiêu Bình ở xã Hạ Trạch có đến 6 hồ nuôi với diện tích 2ha, chủ yếu nuôi quảng canh các đối tượng như tôm sú, tôm thẻ, cua, cá rô phi đơn tính...

Theo ông Bình, vùng nuôi này dù có diện tích lớn, nhưng do các chủ hồ không làm ao chứa lắng mà lấy nước và xả nước trực tiếp vào ao qua cống sông, nên mấy năm đầu nước sạch, nuôi tôm cua còn có hiệu quả; về sau nguồn nước bị ô nhiễm nên thỉnh thoảng lại xuất hiện dịch bệnh tôm, người nuôi lại đối mặt với rủi ro, bởi số vốn bỏ ra cho con tôm khá lớn.

Khi được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Nam chọn một một ao nuôi tôm của gia đình làm điểm trình diễn nuôi cá chim vây vàng, ông Bình hào hứng tham gia.

Ông Lê Chiêu Bình cho biết: Gia đình bắt đầu thả hơn 3.000 con cá giống từ tháng 4/2014, trước đó đã tiến hành cải tạo, vệ sinh ao hồ theo đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Quá trình nuôi cho thấy cá chim vây vàng dễ nuôi, tỷ lệ sống đạt gần 100%, thích nghi nhanh với môi trường.

Giai đoạn đầu, cá sinh trưởng khá chậm so với các loại cá khác, sau 4 tháng nuôi trọng lượng mới đạt 70-90 gram/con, tuy nhiên, giai đoạn sau cá sẽ sinh trưởng nhanh hơn, có thể đạt yêu cầu là 450-500 gram/con khi thu hoạch (khoảng 8 tháng nuôi).

Nói về thị trường tiêu thụ sản phẩm, ông Bình cho rằng, người dân bây giờ đều muốn sử dụng các loại cá có chất lượng thịt ngon, nên sẽ không cần lo lắng cho đầu ra sản phẩm, bởi đây là loại cá có thịt chắc, thơm ngon, thích hợp cho trẻ em và người già, người ốm cần bồi bổ sức khỏe.

Với giá thị trường khoảng 100.000 đồng/kg, nếu đạt mục tiêu thu hoạch đề ra, hồ nuôi của ông Bình dự kiến thu được 1,5 tấn, doanh thu 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 50 triệu đồng. Mặc dù không thể vượt trội về tính kinh tế so với con tôm, nhưng theo ông Bình, nuôi cá chim vây vàng bền vững hơn, do là đối tượng thủy đặc sản nên thị trường tiêu thụ tốt, lại dễ nuôi, ít dịch bệnh và cải thiện được môi trường ao nuôi.

Trước đó, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Nam cũng triển khai, thực hiện mô hình “Chuyển đổi từ ao cát nuôi tôm sang nuôi cá bống bớp”, với quy mô 1.100m2 tại hộ anh Hồ Long ở vùng nuôi tôm xã Đại Trạch. Mô hình được người dân đánh giá cao bởi tính bền vững của mô hình.

Sau khi tham gia tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi cá bống bớp, anh Hồ Long tiến hành cải tạo ao từ ao nuôi tôm trên cát. Ngày 24/5/2013 thả giống với số lượng 24.000 con (mật độ 22 con/m2), trọng lượng thả ban đầu 900 con/kg.

Quá trình nuôi cho thấy, cá bống bớp thích nghi nhanh với môi trường, nên sinh trưởng và phát triển tốt. Sau tháng nuôi thứ nhất đạt trọng lượng 740 con/kg, tháng thứ 3 đạt 500 con/kg, tháng thứ 4 đạt 250 con/kg. Sau 7 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 40-50 gam/con (tương đương 25 con/kg), tỷ lệ sống ước đạt trên 70%. Về hiệu quả kinh tế, sản lượng thu hoạch 800-900 kg, với giá thị trường 250.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu lãi trên 70 triệu đồng.

Thực tế sản xuất cho thấy, mặc dù hiệu quả kinh tế không vượt trội so với nuôi tôm, nhưng nuôi cá bống bớp bền vững hơn, thị trường cũng ổn định do đây là loại đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện tại, anh Long vẫn tiếp tục nuôi đối tượng thủy sản này trên diện tích ao hồ của mình, đồng thời hướng dẫn về kỹ thuật cho các hộ nuôi có nhu cầu.

Mặc dù là các đối tượng nuôi mới, nhưng các mô hình chuyển đổi từ ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá bống bớp, cá chim vây vàng... đang được người nuôi đánh giá cao. Việc chuyển đổi sang các đối tượng nuôi mới này không chỉ góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, giúp bà con phát triển kinh tế, mà còn hướng đến mục tiêu phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.


Mô Hình Chăn Nuôi Mới Mô Hình Chăn Nuôi Mới Cá Chình Đang Hấp Dẫn Người Nuôi Cá Chình Đang Hấp Dẫn Người Nuôi