Tin nông nghiệp Quảng Nam huy động mọi nguồn lực khắc phục hạn, mặn

Quảng Nam huy động mọi nguồn lực khắc phục hạn, mặn

Tác giả Lê Khánh, ngày đăng 30/07/2019

Quảng Nam huy động mọi nguồn lực khắc phục hạn, mặn

Nắng nóng, nước mặn xâm nhập sâu vào các sông ở Quảng Nam khiến cho hàng ngàn ha lúa không có đủ nước tưới. Nhiều cánh đồng nứt nẻ, khô khốc có nguy cơ mất trắng.

Hầu như năm nào, cứ đến vụ HT thì người dân ở xã Duy Vinh lại nơm nớp nỗi lo hạn mặn xâm nhập ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa. Năm nay, nắng nóng liên tục kéo dài cùng với mặn xâm nhập với nồng độ cao kỷ lục khiến cho nhiều diện tích trên cánh đồng lúa 19/5 khô cháy, thiệt hại nặng nhất trong suốt mấy chục năm qua.

Ra thăm cánh đồng lúa đã hơn 1 tháng qua không có một giọt nước nào, bà Đỗ Thị Mười (trú thôn Trà Nam, xã Duy Vinh) than thở: “Nhà tôi vụ này trồng 7 sào ruộng nhưng vì không có nước nên lúa đã khô gần hết. Lúa đang trong thời gian làm đòng mà gặp phải tình hình này thì coi như bỏ. Mọi năm vụ HT mỗi sào cũng thu được vài ba bao lúa chứ năm nay chắc không thu được chút gì. Gần 30 năm trồng lúa ở đây thì tôi thấy chưa năm nào hạn mặn nặng như năm nay”.

Theo ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Duy Vinh, do xã Duy Vinh nằm ở cuối kênh tưới của trạm bơm nên mặn xâm nhập khiến cho trạm bơm không có đủ nước để cung cấp cho 62 ha lúa của địa phương. Đa số lúa của bà con nông dân trên cánh đồng 19/5 đã gieo sạ được 2 tháng nhưng chưa có thời điểm nào có nước. Với tình trạng này thì năng suất lúa của xã Duy Vinh vụ HT năm nay sẽ giảm 70% thậm chí mất trắng nếu không có biện pháp xử lý.

Các kênh thủy lợi khô cạn nước suốt hơn 1 tháng qua.

Để kịp thời cứu lúa, vừa qua HTX Duy Vinh đã trích kinh phí để khoan 10 giếng và mua máy bơm về bơm nước cung cấp cho cánh đồng. Ông Hùng cho biết mỗi giếng khoan như vậy tổng chi phí cả tiền công khoan và tiền máy bơm hết 12 triệu đồng. Hàng ngày, các máy bơm thường hoạt động liên tục trong vòng 20 tiếng nhưng lượng nước cũng chỉ đủ để làm ẩm đất cho một phần diện tích.

“Các máy bơm hoạt động liên tục suốt 10 ngày liền nhưng cũng chỉ tưới được cho khoảng 15 trên tổng số 62 ha lúa của địa phương. Một số diện tích đã khô cháy hết nên bây giờ cứ cứu được chừng nào hay chừng đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã làm tờ trình lên UBND huyện để xin được hỗ trợ. Nhưng vì để có được nguồn kinh phí phải mất nhiều thời gian nên trước mắt HTX phải tự lực”, ông Hùng nói.

Người dân phải khoan giếng và mua máy bơm về bơm nước cứu lúa.

Theo UBND huyện Duy Xuyên, vụ hè thu 2019, huyện này canh tác hơn 3.550 ha lúa thì 773 ha bị thiếu nước. Trong đó, có 380 ha rơi vào tình trạng khẩn cấp, nguy cơ mất trắng. Từ ngày 8/6 tới nay, nắng hạn liên tục chỉ thỉnh thoảng có mưa nhưng không đáng kể, nhiều trạm bơm trên địa bàn không hoạt động được do độ mặn quá cao (từ 18 – 22 phần nghìn), ảnh hưởng đến 4 cánh đồng lúa ở xã Duy Phước và Duy Vinh.

Ông Nguyễn Bốn, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, để cứu lúa, huyện đã phối hợp với Xí nghiệp thủy lợi tỉnh Quảng Nam để đắp đập bổi tại gò Nổi để đảm bảo nước cho trạm bơm Xuyên Đông. Thứ hai là nạo vét lạch Điện Bình để bổ sung nước cho cánh Bắc huyện. Đồng thời huyện cũng là việc với xí nghiệp thủy lợi tỉnh bổ sung thêm nguồn nước từ hồ Phú Ninh đổ xuống sông Bà Rén để phục vụ cho các trạm bơm trên địa bàn.

“Ngoài các giải pháp trên, huyện cũng đã vận người dân đóng giếng để lấy nước. Hiện xã Duy Vinh đã đóng được 30 cái, Duy Phước có 8 giếng và xã Duy Sơn 19 giếng. Tuy nhiên giếng cũng hoạt động bơm nước để giữ độ ẩm chứ chắc chắn năng suất sẽ giảm. Về vấn đề hỗ trợ thì vừa qua huyện cũng đã thống nhất giao cho UBND các xã tổng hợp để hỗ trợ về tiền điện, tiền dầu cho người dân”, ông Bốn nói.


Tập huấn ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa Tập huấn ứng dụng công nghệ cao sản… Thủy lợi Bình Định dốc toàn lực chống hạn Thủy lợi Bình Định dốc toàn lực chống…