Tin thủy sản Quảng Nam: Nuôi cá rô đầu vuông kết hợp cá trê vàng

Quảng Nam: Nuôi cá rô đầu vuông kết hợp cá trê vàng

Tác giả Nguyễn Trang, ngày đăng 06/05/2017

Quảng Nam: Nuôi cá rô đầu vuông kết hợp cá trê vàng

Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm thị xã Điện Bàn đã triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông kết hợp cá trê vàng trong ao tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn với 2 hộ thí điểm, thu hơn 50 triệu đồng/hộ/vụ nuôi.

Thu hoạch cá rô đầu vuông kết hợp cá trê vàng     Ảnh: N.T 

Nuôi cá rô đầu vuông kết hợp cá trê vàng là mô hình mới, hiện nay trên địa bàn thị xã chưa có hộ nào thử nghiệm. Với những đặc tính riêng biệt, cá rô đầu vuông chủ yếu ăn thức ăn tầng mặt, cá trê vàng có tập tính ăn đáy nên Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm đã thực hiện nuôi ghép hai đối tượng, tận dụng thức ăn và hạn chế ô nhiễm.

Ông Phan Văn Ánh (thôn La Trung, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) thí điểm thả nuôi 7.000 con cá rô đầu vuông, 2.700 cá trê vàng với diện tích 600 m2; ông Nguyễn Văn Hoàng (thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ) thả nuôi 13.000 con cá rô đầu vuông, 5.300 cá trê vàng với diện tích 1.200 m2. Ngoài đối tượng cá rô đầu vuông và cá trê vàng, các ao nuôi còn thả ghép cá mè khoảng 1 con/5 m2 để làm sạch môi trường nước, hạn chế sinh sôi tảo trong ao.

Quá trình triển khai, với đặc tính cá rô đầu vuông là loài ăn tạp thức ăn gồm sinh vật phù du, tôm, tép… Để nuôi thâm canh, có thể sử dụng thức ăn công nghiệp, cá rô đầu vuông có tốc độ sinh trưởng nhanh gấp 3 - 4 lần so cá rô đồng, kích cỡ thương phẩm lớn, tỷ lệ sống cao. Trong khi, cá trê vàng sống ở tầng đáy, thích hợp đáy ao ít bùn, sinh trưởng chậm, kích cỡ thương phẩm 2 - 2,5 g/con sau 5 tháng nuôi. Về chăm sóc ao nuôi, định kỳ thay nước 2 tuần/lần, dùng vôi bột hòa nước té đều khắp ao và xung quanh bờ ao, bổ sung Vitamin C, khoáng, chế phẩm sinh học cho ao nuôi. Với những hướng dẫn kỹ thuật, tỷ lệ sống cá rô đầu vuông nuôi ghép cá trê vàng cao đến 70%, trọng lượng trung bình sau nuôi gần 4 tháng đạt 80 - 120 g/con cá rô đầu vuông, 100 - 170 g/con cá trê vàng.

Sản lượng thu hoạch của hộ ông Ánh đạt 600 kg cá rô đầu vuông và 350 kg cá trê vàng trên diện tích 600 m2, doanh thu đạt 37 triệu đồng. Còn hộ ông Hoàng đạt 1.000 kg cá rô đầu vuông, 500 kg cá trê vàng trên diện tích 1.200 m2, doanh thu đạt 57 triệu đồng/vụ nuôi.

Theo Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm thị xã Điện Bàn, các hộ nuôi cần chú ý nếu cá xuất hiện bệnh đốm đỏ, bệnh này do vi khuẩn, có thể khiến lượng cá chết tăng lên trong vài ngày. Trạm đã tiến hành xử lý bằng cách diệt khuẩn trong môi trường nước, trộn kháng sinh Doxycylin vào thức ăn trong 10 ngày. Chỉ sau 5 ngày ban đầu, cá có thể tiếp tục phát triển bình thường, tỷ lệ hao hụt bệnh giảm.

Ông Phạm Thành Chung, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm thị xã Điện Bàn cho biết, hai loài cá trên chịu được điều kiện môi trường khắc nghiệt như ao nước cạn, độ trong, hàm lượng ôxy hòa tan thấp nên phù hợp nuôi tại các địa phương, chu kỳ nuôi ngắn đối với các khu vực cao lụt có thể nuôi 2 vụ/năm. Hướng đến năm 2017, Trạm sẽ tiến hành nhân rộng quy mô 13.000 con tại các vùng trọng điểm nuôi cá nước ngọt của thị xã.


Những lưu ý nuôi lươn thâm canh không bùn Những lưu ý nuôi lươn thâm canh không… Đưa tạp chất vào tôm: Sẽ xử lý hình sự Đưa tạp chất vào tôm: Sẽ xử lý…