Quảng Nam: Thu hàng tỷ đồng từ tôm sạch
Trong điều kiện nuôi tôm nước lợ thất bát, đồng tôm hoang hóa ngày một nhiều thì thành công của mô hình nuôi tôm sạch của “vua tôm” Trần Công Thành (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành) là hướng đi hiệu quả.
Mô hình nuôi tôm thương phẩm sạch đang được nhân rộng ở Quảng Nam Ảnh: Thạch Hà
Hiệu quả nổi trội
Tháng 10/2016, lần đầu tiên ở Quảng Nam, ông Trần Công Thành đưa vào sử dụng khu nuôi tôm trong nhà kính có tổng diện tích 1.000 m2 với 4 ao nuôi ở thôn Hòa An, xã Tam Hòa. Để tạo điều kiện tốt nhất cho tôm giống phát triển, ông Thành đầu tư 1 tỷ đồng để xây hẳn 1 khu nuôi tôm trong nhà kính, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài.
Ông Thành bố trí ương tôm giống trong nhà kính, từ post 10 đến khi tôm lớn bằng chiếc đũa (khoảng sau 20 ngày) thì bố trí nuôi tôm thương phẩm ở 3 khu vực nuôi tôm. Ông Thành cho biết: “Khi tôm giống lớn bằng chiếc đũa thì đã định hình quá trình sinh trưởng rồi. Ưu điểm nổi bật của hệ thống ương nuôi tôm giống trong nhà kính là người nuôi chủ động trong mọi phương án nuôi; có thể tạo riêng một tiểu vùng khí hậu hoặc một tiểu vùng sinh học phù hợp nhất cho quá trình phát triển của tôm nuôi”.
Sau khi đảm bảo tôm giống sinh trưởng tốt nhất trong nhà kính, ở quá trình nuôi tôm thương phẩm, ông Thành bố trí hẳn 3 khu vực nuôi tôm, có 9 ao/khu; tại đây ông Thành dùng 1 ao để xử lý chất thải, 3 ao để chứa lắng, xử lý nguồn nước, 5 ao còn lại dùng để thâm canh nuôi tôm thương phẩm. Ông Thành xử lý nguồn nước qua 3 giai đoạn ở mỗi ao. Trước hết là dung hòa nước biển và nước ngầm, đảm bảo độ mặn cho vào ao rồi xử lý bước 1 bằng thuốc tím, sau đó xử lý bằng chất loãng và hữu cơ. Nghỉ vài ngày, ông cho nguồn nước đó vào ao thứ 2, xử lý bước 2 bằng Chlorine với liều lượng 10 - 20 ppm diệt tất cả các loài động vật địch hại tôm nuôi. Sau quá trình tạm nghỉ, nguồn nước này được đưa vào ao thứ 3 để xử lý cuối cùng bằng chế phẩm sinh học, men vi sinh. Sau khi xử lý nguồn nước sạch, ông Thành thả tôm nuôi thương phẩm với mật độ từ 200 con/m2. Nuôi tôm sạch giúp cho ông Thành nâng năng suất lên đến 40 tấn/ha.
Nhân rộng mô hình
Hiện tất cả các ao ông Thành áp dụng nuôi tôm sạch, sản phẩm làm ra đều được các doanh nghiệp lớn thu mua xuất khẩu. Ông Thành dự kiến sẽ nuôi tôm thương phẩm trong nhà kính với diện tích lên đến 10 ha.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm của mình, ông Thành cho biết, trong quá trình nuôi, thường xuyên sử dụng men vi sinh CP Zymetim, Supe VS để trộn vào thức ăn, kích thích quá trình tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng cho tôm nuôi. Trong xử lý nguồn nước, sử dụng men vi sinh CP Bio Plus, SupeVS để ổn định môi trường nước ao nuôi tôm. Men vi sinh BioWish 3PS và chế phẩm sinh học BioWish AquaFarm cũng được trộn vào thức ăn với liều lượng vừa đủ để thúc đẩy quá trình sinh trưởng của tôm nuôi.
Quá trình nuôi tôm sạch mới bước đầu triển khai tại Quảng Nam đã cho thấy tiện ích đáng ghi nhận. Chi phí thức ăn giảm, cụ thể hệ số thức ăn giảm dưới 1,1 trong khi nuôi tôm thông thường có hệ số thức ăn lên đến 1,5. Trong quá trình nuôi, chất hữu cơ trong nước và chất thải ở đáy ao nuôi được phân hủy tốt. Hệ vi sinh vật có lợi được bổ sung và tăng dinh dưỡng trong môi trường ao nuôi giúp tôm tăng khả năng kháng bệnh và tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Hiệu quả kinh tế cao và hạn chế nhiều rủi ro nên mô hình nuôi tôm sạch đã được nhân rộng tại vùng nuôi tôm các xã Tam Hòa, Tam Tiến của huyện Núi Thành và vùng Đông huyện Thăng Bình.
Nuôi tôm sạch là điều tất yếu bởi có thể khống chế dịch bệnh, không gây hại môi trường và thu được giá trị kinh tế cao. Điều đó càng cấp thiết hơn trong điều kiện chung là các đồng tôm đất Quảng, kể cả nuôi tôm bằng hình thức lót bạt trên cát vốn thuận lợi hơn hẳn ở vùng triều xơ xác, tiêu điều trong các năm qua.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ