Quảng Ngã đẩy mạnh công tác lai tạo giống bò thịt chất lượng cao
Sau 5 năm thực hiện Đề tài, ngày 23/6/2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương tổ chức hội thảo “Khoa học và Công nghệ về nuôi bò thịt khu vực miền Trung” với hơn 170 người tham dự.
Đẩy mạnh công tác lai tạo giống
Trong 5 năm qua (2018-2022), Quảng Ngãi đã có nhiều chương trình, dự án, đề tài ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh. Các chương trình, dự án, đề tài khoa học đã tạo điều kiện đẩy mạnh công tác lai tạo các giống bò thịt, phát triển các giống cỏ trồng cho năng suất chất lượng cao, từng bước nâng cao trình độ chăn nuôi của người dân, từ đó góp phần tạo chuyển biến lớn trong ngành chăn nuôi bò thịt tại các địa bàn trên toàn tỉnh.
Theo thống kê, đàn bò lai nuôi trong nông hộ chủ yếu là con lai các giống bò có chất lượng cao như: lai BBB chiếm 47,8%, lai Brahman và lai Sind chiếm 34,7%, lai Charolais chiếm 7,8% và lai Droughtmaster chiếm 7,9% tổng đàn. Đàn bò thịt từ 12-18 tháng tuổi của nông hộ chủ yếu là lai BBB chiếm tỷ lệ 67,8% và lai Charolais chiếm 7,4%. Năm 2021, tổng số lượng trâu, bò trong cả nước đạt 8,66 triệu con, tổng sản lượng thịt trâu, bò xuất chuồng đạt 555,97 nghìn tấn, so với năm 2019 đã tăng 200 nghìn con và sản lượng thịt tăng 106,2 nghìn tấn, nhưng chỉ mới đáp ứng được 30-35% nhu cầu thịt.
Theo báo cáo tại hội thảo, tiến sĩ Phùng Thế Hải - PGĐ Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương, cho biết, bò Red Angus vùng ôn đới, nổi tiếng với chất lượng thịt cao, có vân mỡ xen kẽ; bò Droughtmaster sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu nóng vùng nhiệt đới, tận dụng tốt đồng cỏ nghèo nàn, chịu kham khổ, sinh sản tốt; bò Charolais với tầm vóc lớn, cơ bắp phát triển, tỷ lệ thịt xẻ, thịt tinh cao.
Các công thức lai giữa bò đực Red Angus, Droughtmaster và Charolais với bò cái lai Brahman và bò thuần Brahman có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện chăn nuôi và khí hậu tại cả 3 miền.
Công thức bò lai giữa bò đực giống Charolais với bò cái lai Brahman và bò thuần Brahman có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong các công thức lai từ sinh trưởng phát triển, tăng khối lượng khi vỗ béo và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Con cái lai giữa Red Angus và Droughtmaster với bò cái lai Brahman có khả năng sinh sản tốt, chính vì vậy, con cái của cặp lai này được sinh ra có thể được giữ lại làm cái nền phục vụ tái đàn.
Hiệu quả kinh tế
Theo kết quả các dự án, đề tài triển khai tại các địa phương trên toàn tỉnh cho thấy, khối lượng bê sơ sinh và bò đực lúc 18 tháng tuổi của các tổ hợp lai giữa bò cái lai Brahman với bò đực giống BBB, Charolais, Red Angus và Droughtmaster lần lượt là 29,8kg và 425kg, 28,6kg và 410kg, 27,5kg và 382kg, 27,2kg và 356kg. Bò đực lai các giống chuyên thịt nuôi vỗ béo từ 18-21 tháng tuổi đạt tăng trọng bình quân từ 1.200-1.300 gam/con/ngày. Tốc độ tăng trọng của con lai phụ thuộc rất lớn vào chất lượng con giống và chế độ nuôi dưỡng của từng hộ nuôi. Sau khi trừ các khoản chi phí về thức ăn, khấu hao chuồng trại và công lao động hộ chăn nuôi cũng thu lãi từ 500-600.000 đồng/tháng/con.
Riêng Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu, đánh giá năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của một số con lai giữa bò đực Red Angus, Droughtmaster, Charolais với bò cái lai Brahman và bò thuần Brahman (2018-2022) triển khai tại xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, đã sinh sản và chọn lọc được 78 con bê lai, trong đó 26 con bê Red Angus; 26 con bê Droughtmaster; 26 con bê Charolai, đàn bê sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%. Hiện nay số bê lai các hộ chăn nuôi đã bán được giá cao trên 50 triệu đồng/con.
Đại diện Viện Chăn nuôi tham quan trang trại chăn nuôi bò thịt tại xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa
Giải pháp nâng cao hiệu quả
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, để ngành chăn nuôi bò thịt trong tỉnh phát triển một cách bền vững, cần có những giải pháp lâu dài, sự đồng bộ và tăng cường mối liên kết giữa 4 nhà “Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà chăn nuôi”.
Cần phát triển phương thức chăn nuôi tập trung, nâng cao năng suất, tăng chất lượng, tạo sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Chủ động đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm công, nông nghiệp, phát triển cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi để giảm nhập khẩu, giảm giá thành thức ăn chăn nuôi.
Nên khuyến khích người chăn nuôi sử dụng các giống mới năng suất cao, thường xuyên cập nhật những tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi mới, sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm tạo sản phẩm an toàn, giảm ô nhiễm môi trường.
Chú trọng hơn nữa công tác phòng bệnh cho vật nuôi, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ trong chăn nuôi; đặc biệt phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, bệnh thường xảy ra để giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Tăng cường tiếp cận thị trường và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Từ kết quả các chương trình dự án, đề tài khoa học đã tạo ra đàn bò thịt chất lượng cao được nuôi trong nông hộ, giúp cho người nông dân thay đổi quan điểm, kỹ thuật chăn nuôi, dần dần chuyển đổi theo hướng tiếp cận thị trường mục tiêu và xem chăn nuôi bò là hoạt động sinh kế quan trọng của gia đình.
Hiện nay có nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang áp dụng các hoạt động dự án và đã xuất hiện các gia trại, trang trại chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh ngành chăn nuôi bò thịt chất lượng cao theo chuỗi giá trị, nâng cao tỉ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đây là giải pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ