Tin nông nghiệp Quảng Ngãi xuống giống đồng loạt để tiết kiệm nước

Quảng Ngãi xuống giống đồng loạt để tiết kiệm nước

Author Ái Kiều, publish date Wednesday. June 1st, 2016

Quảng Ngãi xuống giống đồng loạt để tiết kiệm nước

Nước đến đâu gieo sạ đến đó

Trên các cánh đồng, những ngày này rộn ràng tiếng máy cày nổ lạch phạch. Bà con nông dân đang hối hả thồ phân ra đồng, vệ sinh đồng ruộng, làm đất, xuống giống vụ hè thu.

Mới hơn 7 giờ sáng, thửa ruộng hơn 2 sào của ông Nguyễn Trung Tin, ở thôn Long Bình, xã Bình Long (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã được bừa xong, chờ trang bằng xuống giống.

Vừa mở trâu ra khỏi bừa, ông Tin cho biết: “Nhà tôi có 4 sào ruộng mùa trước bị đào ôn, rầy phủ hư gần hết nên ngay sau khi gặt xong tôi thuê máy cày cày ải liền để diệt mầm bệnh, nay nước vừa xuống tui đánh trâu ra bừa để xuống giống ngay”.

Những ngày cuối tháng 5, cái nắng hè như thiêu như đốt, nông dân chọn giải pháp ra đồng vào sáng sớm và chiều tối. Thế nhưng, không khí trên đồng ruộng không kém phần hỏi hả, nhộn nhịp.

Hì hục thồ phân chuồng ra ruộng, bà Phan Thị Thêm, ở thôn Thọ Bắc, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) chia sẻ: “Mình nghe thông báo vụ này tình hình nước tưới khan hiếm nên vừa có nước vào ruộng là tranh thủ dọn ruộng, xuống giống. Nhà tui có tới 10 sào nên cả tuần nay, cả nhà phải thức dậy sớm thồ phân ra đồng, nước đến đâu ngâm ủ giống sạ đến đó”.

Không riêng gì ở Bình Sơn, Sơn Tịnh mà ngay sau khi thu hoạch vụ đông xuân, nhiều nông dân ở nhiều địa phương khác cũng xuống đồng phát dọn cỏ bờ, nạo vét kênh mương. Rút kinh nghiệm từ vụ đông xuân, bà con nông dân đã chú trọng đến khâu cày phơi ải giúp cho đất tơi xốp, diệt mầm mống sâu bệnh và tránh ngộ độc hữu cơ gây hại cho lúa.

Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh dự kiến sẽ xuống giống hơn 35.300ha lúa. Trong đó, cơ cấu giống lúa khuyến cáo là các giống lúa chủ lực: OM6976, ĐV108, PC6, VN121, KD28. Giống bổ sung: HT1, DT45, OM4900, Thiên ưu 8, MT10 và giống triển vọng gồm: OM7347, OM8017, SV181, VTNA2, TB-R225, ĐH815-6, ĐH99-81.

Theo ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN&PTNT: Đây là những giống lúa có năng suất và chất lượng khá, cứng cây chống đỗ ngã, chống chịu khô hạn tốt, có thời gian sinh trưởng trung đến ngắn ngày để kịp thu hoạch trước khi có mưa lũ xuống.

Trong cơ cấu giống khuyến cáo, tùy theo điều kiện mỗi vùng, mỗi địa phương mà chọn 2 - 3 giống chủ lực và 2 - 3 giống bổ sung và 1 - 2 giống triển vọng gieo sạ phù hợp. Thời gian xuống giống tập trung từ ngày 25.5 - 5.6, chân ruộng trũng có nguy cơ ngập vào đầu vụ do mưa Tiểu mãn, phải sạ xong trước 10.6.

Chủ động chống hạn

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, vụ hè thu 2016 khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Những ngày qua, dòng chảy được bổ sung và nâng cao hơn một ít do ảnh hưởng của mưa tiểu mãn, tuy nhiên từ tháng 7 - 8, dòng chảy trên các sông suối tiếp tục giảm dần, tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ có khả năng diễn ra trên diện rộng và xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào cửa sông, cửa biển.


Bà con nông dân cần xuống giống đồng loạt để tiết kiệm nước tưới.

Bình Sơn là địa bàn có phần lớn diện tích phụ thuộc vào các hồ đập nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước, nhất là các xã khu đông của huyện. Hiện Bình Sơn đã có 5/58 hồ chứa cạn nước.

Ông Phan Diệp - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết, huyện đã xây dựng phương án chuyển đổi giống cây trồng cho cả năm 2016 với 770ha, vụ đông xuân đã chuyển được 274ha diện tích lúa sang cây trồng cạn, diện tích còn lại kiên quyết chuyển đổi trong vụ này.

Với diện tích xuống giống lúa vụ hè thu, huyện khuyến cáo bà con nông dân chủ động phòng chống hạn, sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, nhằm đảm bảo nước tưới phục vụ cho cả vụ mùa.

Tại 18 hồ chứa lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi quản lý, hiện lượng nước tích tại hồ chứa cũng chỉ đạt từ 50 - 70%. Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến lượng nước tại các hồ chứa bốc hơi rất lớn so với năm ngoái, đơn cử như tại các hồ Hóc Dọc (Bình Sơn), Hố Quýt (Sơn Tịnh), Đá Bàn (Mộ Đức) và Cây Sanh (Đức Phổ).

Ông Nguyễn Lập - Phó Giám đốc Công ty cho biết, trong vụ hè thu, phương án phòng chống hạn, tiết kiệm nước tưới được đặt lên hàng đầu. Để tiết kiệm nguồn nước, bà con cần tập trung làm đất, gieo sạ đồng loạt, tránh thả nước nhiều lần gây thất thoát nguồn nước.

Ở các địa phương cần thành lập các đội thủy nông để điều tiết, dẫn nước vào ruộng, tưới xen kẽ ướt - ráo, không để nông dân mạnh ai nấy làm, tự đào mương thả nước, gây thất thoát. Trong điều kiện nguồn nước khan hiếm như hiện nay thì mọi người dân phải có trách nhiệm trong công tác phòng chống hạn.


Làm VietGAP để vực dậy ngành chè Làm VietGAP để vực dậy ngành chè Trái cây Việt sẽ phá kỷ lục 1,8 tỷ USD Trái cây Việt sẽ phá kỷ lục 1,8…