Mô hình kinh tế Quảng Trị: Người tiên phong nuôi thỏ ở Hải Chánh

Quảng Trị: Người tiên phong nuôi thỏ ở Hải Chánh

Tác giả Thục Quyên, ngày đăng 13/02/2017

Quảng Trị: Người tiên phong nuôi thỏ ở Hải Chánh

Với đức tính cần cù, chịu khó và quyết tâm dám nghĩ dám làm, đến nay anh Lê Văn Minh ở tại thôn Vực Kè, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng đã gây dựng cho mình một trang trại nuôi thỏ có quy mô gần 500 con. Đây là mô hình kinh tế khá mới mẻ và hứa hẹn mở ra một hướng làm kinh tế mới cho người dân trong vùng.

Trong ảnh: Anh Minh chăm sóc đàn thỏ của gia đình

Chúng tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi thỏ của anh Minh, đó là trại thỏ quy mô với 3 khu vực riêng biệt: khu nuôi thỏ bố mẹ, khu nuôi thỏ giống và khu nuôi thỏ thương phẩm. Anh Minh cho biết, năm 2015 khi vào chơi nhà bạn ở tỉnh Quảng Nam, anh được tiếp cận mô hình nuôi thỏ của bạn mình.

Nhận thấy đây là một loại con nuôi mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, trở về anh đã tìm tòi học hỏi và vay vốn đầu tư mô hình nuôi thỏ.

Ban đầu anh chỉ nuôi thử 10 cặp thỏ New Zealand, nhận thấy thỏ thích ứng khá tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lại sinh trưởng và phát triển nhanh nên bước sang năm 2016 anh đã đầu tư mở rộng chuồng trại và nuôi với số lượng lớn. Đến nay sau gần 2 năm nuôi, đàn thỏ đã đem lại cho anh Minh nguồn thu nhập đáng kể.

Theo anh Minh, thỏ là loài vật dễ nuôi, thức ăn của chúng là các loại cỏ, lá cây rất có sẵn trong tự nhiên, ngoài ra có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rau, thân cây chuối, củ sắn… Vốn đầu tư ban đầu thấp, 1 cặp thỏ giống chỉ khoảng 200.000 đồng. Chuồng trại nuôi thỏ cũng đơn giản, người chăn nuôi có thể tận dụng tre, nứa, gỗ để làm chuồng cho chúng. “Mình ở quê nên đất vườn khá rộng nhờ đó mà không sợ thiếu thức ăn. Ngoài việc đi bứt cỏ tự nhiên thì trồng thêm rau khoai, rau muống, cỏ voi… làm nguồn thức ăn. Điều cần thiết là chuồng trại phải được giữ sạch sẽ, dọn dẹp hàng ngày, che chắn sao cho không để gió lùa tránh gây bệnh cho thỏ”, anh Minh chia sẻ. Hiện tại trong chuồng nuôi của anh Minh có đến 50 cặp thỏ bố mẹ và hơn 400 thỏ thịt thương phẩm. Trung bình mỗi năm, thỏ mẹ có thể đẻ từ 6 - 7 lứa, mỗi lứa từ 8 - 10 con. Thỏ con được 1 tháng tuổi thì có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng 3 tháng nuôi thỏ đạt trọng lượng từ 2 - 2,5 kg là có thể xuất bán.

Theo kinh nghiệm của anh Minh, để thuận tiện trong việc chăm sóc anh cho thỏ mẹ sinh sản theo nguyên tắc quay vòng, mỗi lứa có từ 4 - 5 thỏ mẹ đẻ cách nhau 2 - 3 ngày. Làm như vậy giúp cho việc tách thỏ con được luôn đàn và xuất bán có số lượng nhiều một lúc. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn thỏ của anh Minh nhanh chóng tăng trưởng và đạt trọng lượng cao. Hiện tại mỗi tháng anh xuất bán từ 100 - 150 con thỏ thương phẩm với giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, hàng tháng trại thỏ này mang lại cho anh lợi nhuận từ 8 - 12 triệu đồng. Không chỉ nuôi thỏ thịt, anh Minh còn cung cấp thỏ giống cho nhiều hộ nuôi có nhu cầu trong vùng. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi thỏ, anh Minh cho biết nuôi thỏ đơn giản song khâu chăm sóc phải tỉ mỉ, đặc biệt là phải chú ý quan sát quá trình sinh trưởng của thỏ để tiêm vắc xin phòng các bệnh nấm, ghẻ, tụ cầu trùng…

Ngoài ra, khâu vệ sinh chuồng trại cũng rất quan trọng, chuồng trại cần phải được vệ sinh sạch sẽ, định kỳ từ 5 - 7 ngày phải phun thuốc diệt khuẩn toàn bộ chuồng trại, mùa đông phải được che chắn giữ ấm, không được để gió lùa. Bên cạnh đó, thỏ con sau sinh 30 ngày sẽ được tách mẹ, đây là thời điểm thỏ con dễ mắc bệnh đường ruột nên người chăn nuôi phải chú ý đảm bảo thức ăn thật sạch sẽ và liều lượng phải vừa đủ. Thức ăn cho thỏ phải được để ráo nước, không cho thỏ ăn khi đang ướt sương hay ướt nước mưa. Tốt nhất là nên để héo ở chỗ mát sau đó cho thỏ ăn trực tiếp hoặc trộn cùng thức ăn tổng hợp. Mỗi ngày cho thỏ ăn hai lần theo giờ cố định. Để đảm bảo nguồn nước uống sạch sẽ, anh lắp đặt hệ thống đường ống nước có các van uống tự động tiết kiệm thời gian chăm sóc, tránh được hiện tượng thỏ bị ướt lông khi dùng bát, khay uống.

Theo chị Tống Thị Lệ Uyên, cán bộ khuyến nông xã Hải Chánh thì đây là mô hình nuôi thỏ đầu tiên trong xã nên ban đầu ai cũng nghi ngại cho anh Minh, nhưng không ngờ thỏ lại tỏ ra phù hợp với vùng đất này, phát triển rất tốt. Thỏ không chỉ dễ nuôi mà còn rất thuận lợi trong vấn đề đầu ra, luôn có người đến tận nhà để thu mua.

Nhận thấy mô hình nuôi thỏ của anh Minh hiệu quả, nhiều người trong vùng đã đến tìm hiểu và mua thỏ giống về nuôi. Đặc biệt không chỉ bán thỏ giống, anh Minh còn tư vấn, hướng dẫn kỹ càng về kỹ thuật nuôi. Nói về những kế hoạch phát triển trong tương lai, anh Minh hào hứng cho biết, thời gian tới anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để nuôi thêm thỏ. Bên cạnh nuôi thỏ thịt anh còn hỗ trợ thỏ giống cho các hộ nuôi trong vùng và bao tiêu đầu ra sản phẩm cho họ vì theo anh nhu cầu của thị trường vẫn còn rất lớn. Có thể nói, với niềm đam mê, sự quyết tâm của mình, chàng thanh niên trẻ Lê Văn Minh không những làm giàu cho mình mà còn mở ra một hướng làm kinh tế khá mới mẻ cho người dân trong và ngoài xã làm theo.


Nữ tỷ phú nuôi chim, gà quý hiếm Nữ tỷ phú nuôi chim, gà quý hiếm Hà Nội: Thu hàng trăm triệu từ việc ghép “cây ngũ quả” Hà Nội: Thu hàng trăm triệu từ việc…