Nuôi lợn (Heo) Quy định nuôi lợn bằng nước gạo ở Đài Loan

Quy định nuôi lợn bằng nước gạo ở Đài Loan

Tác giả Hồng Hạnh, ngày đăng 13/04/2019

Quy định nuôi lợn bằng nước gạo ở Đài Loan

Hai phần ba thức ăn thừa, hay còn gọi là nước gạo ở Đài Loan được dùng để nuôi 5,5 triệu con lợn, mặt hàng thực phẩm chủ lực ở vùng lãnh thổ này.

Đài Loan là một trong số ít vùng lãnh thổ thể chế hóa việc sử dụng thực phẩm thừa làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Ảnh: AP

Theo Guardian, đêm nào cũng vậy, khi nghe tiếng nhạc cổ điển êm tai phát ra từ xe chở rác, người dân Đài Bắc lại xách thùng hoặc túi đựng thức ăn thừa đem tới đổ vào bể chứa trên xe tải. Từ đây, đồ ăn thừa sẽ đi tới các nông trại, đảm bảo nguồn cung ứng đầy dinh dưỡng cho hàng triệu con lợn.

Nhiều thế kỷ nay, nông dân khắp thế giới đã sử dụng đồ ăn thừa để chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, Đài Loan là một trong số ít vùng lãnh thổ thể chế hóa quy định này. Khoảng 2/3 chất thải thực phẩm ở đây, ước tính 610.000 tấn vào năm ngoái, được dùng để nuôi sống 5,5 triệu con lợn - cung cấp thịt cho 23,5 triệu người.

Việc này giúp giảm lượng rác thải phải xử lý, đồng thời giúp nông dân giảm chi phí chăn nuôi. 

"Chúng tôi nhận ra có nhiều chất thải thực phẩm không thể đốt được vì nó ướt", Chiang Tsu-nong, phó tổng thanh tra cục kiểm tra môi trường Đài Loan cho biết.

"Đất đai ở Đài Loan có hạn, nên người dân chắc chắn phản đối xây thêm bãi rác hoặc lò đốt".

Nhiều quốc gia đang quan sát phương pháp của Đài Loan đối với việc sử dụng thực phẩm thừa để chăn nuôi gia súc, vấn đề nan giải trong việc quản lý và bảo vệ môi trường. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 1/3 số thực phẩm toàn cầu bị vứt bỏ mỗi năm, trong bối cảnh 795 triệu người đói ăn trên thế giới.

Cám là thức ăn cho gia súc phổ biến nhất hiện nay, với hơn 80% sản lượng đậu nành trên thế giới được sử dụng làm thức ăn gia súc. Nước gạo có chi phí rẻ hơn, ít tốn kém hơn và lượng carbon thải ra thấp hơn, theo các nhà khoa học.

Trong một nghiên cứu công bố hồi tháng một của trường đại học Cambridge, Anh, sử dụng nước gạo làm thức ăn cho lợn giúp tiết kiệm 1,8 triệu hecta đất nông nghiệp trên thế giới, tận dụng được khoảng 102,5 tấn thức ăn thừa trong Liên minh châu Âu mỗi năm.

Lợi ích

Nuôi lợn bằng cám gạo rất phổ biến ở các quốc gia châu Á, như Việt Nam, Nhật Bản. Ví dụ, 35% thức ăn thừa ở Nhật Bản được đưa tới các trang trại nuôi lợn, bảo quản bằng cách nấu lại ở nhiệt độ cao và cho thêm lactobacillus, một loại vi khuẩn dùng để sản xuất sữa chua.

Sau đó, họ nuôi lợn bằng nguồn thức ăn này, đưa ra thị trường và quảng cáo đó là thịt lợn sạch - thân thiện với môi trường, và bán với giá cao hơn.

Các nước phương Tây đang đau đầu xử lý chất thải thực phẩm. Tại Mỹ, chính phủ đặt mục tiêu quốc gia giảm bớt thực phẩm lãng phí từ tháng 9 năm ngoái, hy vọng cắt giảm được 50% số thực phẩm lãng phí cho đến năm 2030.

Tuy nhiên, tái chế thức ăn thừa không phổ biến trong ngành chăn nuôi gia súc ở phương Tây. Tại Anh, chính quyền cấm sử dụng nội tạng động vật làm thức ăn chăn nuôi từ năm 1996, sau khi xuất hiện dịch bò điên vì người nông dân lấy thịt gia súc bị bệnh làm thức ăn cho gia súc khỏe mạnh.

Tương tự, sau khi dịch lở mồm long móng ở lợn bùng phát, Liên minh châu Âu ra lệnh cấm sử dụng tất cả chất thải thực phẩm, trừ các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất lương thực như bã nấu bia, bã sữa. Mỹ không có luật liên bang về sử dụng thức ăn thừa cho lợn, nhưng 22 tiểu bang có ban hành quy định cấm.

Trong 4 năm đầu, chương trình tái chế thực phẩm của Đài Loan gặp khó khăn do người dân không tuân thủ hay việc thực thi bị trì hoãn. Thỉnh thoảng, các xe tải thu gom nước gạo bị trì hoãn, người dân bỏ thực phẩm thừa hôi thối trên đường. Một số hộ gia đình từ chối phân loại rác thực phẩm.

Sau năm 2005, việc thi hành bị giám sát chặt chẽ. Các công nhân trên xe chở rác sẽ không vận chuyển những thùng rác chưa được phân loại, và thanh tra sẽ xử phạt chủ hộ nếu không phân loại rác chính xác. Từ đó đến nay, người dân bắt đầu quen với việc phân loại rác và có thói quen đem đổ nước gạo vào xe thu gom hàng đêm, lấy đó làm niềm vui giao tiếp mỗi ngày với hàng xóm.

Eva Tsai, 51 tuổi, gom đồ ăn thừa trong tủ lạnh hai ngày để tránh mùi hôi thối, sau đó đem đổ vào xe thu rác lúc 20h30 hàng ngày. Bà duy trì thói quen này 15 năm nay.

"Việc này không chỉ tốt cho môi trường, mà còn giúp người nuôi lợn ở Đài Loan", Tsai nói. "Tôi cho rằng việc này không có gì phiền phức cả. Bạn có dịp quen biết và truyện trò với hàng xóm láng giềng, đồng thời tập thể dục luôn".

Để được phép sử dụng nước gạo, nông dân phải đặt hàng chính phủ, trả tiền và nấu nước gạo ở nhiệt độ cao trong một giờ, giết chết mọi virus.

Trong số 7.983 hộ chăn nuôi lợn trên đảo, nhiều hộ bổ sung thêm protein hoặc những chất dinh dưỡng khác vào nước gạo trước khi cho lợn ăn, Trương Sinh Kim, chủ tịch hiệp hội chăn nuôi lợn Đài Loan cho biết. Theo ông Trương, với cách làm này, người chăn nuôi tiết kiệm được 30% chi phí mua thức ăn công nghiệp.

Phó tổng thanh tra Chiang đánh giá, đây là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, thân thiện với môi trường, có ích cho việc quản lý rác thải đô thị. Cho đi nước gạo, người dân Đài Loan nhận lại thịt lợn sạch, đôi bên có lợi. 

Khó khăn

Ngành công nghiệp chăn nuôi lợn ở Đài Loan trị giá 17 tỷ USD, chiếm 16% tổng sản lượng nông nghiệp ở vùng lãnh thổ này, ông Chiang cho biết. Tuy nhiên, bất chấp nhu cầu sử dụng thịt lợn chiếm tới 50% nhu cầu về các loại thịt ở đây, sản lượng thịt lợn Đài Loan đã giảm nhẹ năm ngoái vì áp lực thịt lợn nhập khẩu. 

Chương trình tái chế thực phẩm ở Đài Loan cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề. Việc phân loại và xử lý rác thải tốn nhiều thời gian của người dân, còn lượng nước gạo tái chế vẫn giữ nguyên kể từ năm 2008, ông Chiang nói.

Những công ty được chính phủ thuê để xử lý rác từ các tòa chung cư đã không phân loại chính xác rác thải thực phẩm, lực lượng thanh tra cũng chưa siêng năng trong việc kiểm tra.

"Hướng dẫn phân loại trên các thùng rác đặt trên phố không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ hiểu", Chang Yu-an, 40 tuổi, một công dân Đài Bắc cho biết. Ông và gia đình đã duy trì thói quen đi đổ nước gạo trong 10 năm. 

"Nếu không biết phải đổ vào đâu, người ta chỉ việc tống tất cả vào một chỗ cho xong chuyện".


Kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học Kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh… Những lưu ý trong chăm sóc heo Những lưu ý trong chăm sóc heo