Mô hình kinh tế Quy hoạch để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến

Quy hoạch để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến

Ngày đăng 16/05/2015

Quy hoạch để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến

Tiềm năng

Theo điều tra của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Yến sào Khánh Hòa), đối với chim yến đảo, toàn quốc có 237 hang yến lớn nhỏ. Vùng Nam Trung bộ có 219 hang, trong đó riêng Khánh Hòa có 169 hang. Đối với chim yến nhà, toàn quốc có 2.614 nhà yến, tập trung chủ yếu ở 3 vùng: Nam Trung bộ chiếm 27,9%, Đông Nam bộ 32,7%, Tây Nam bộ 36,8%...

Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, điều kiện tự nhiên, môi trường ở các tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên có lợi thế, tiềm năng to lớn để phát triển nghề nuôi chim yến đảo thiên nhiên. Đồng thời, khu vực này hội đủ các yếu tố cho chim yến trong nhà phát triển với năng suất cao. Nơi đây tập trung phần lớn các hang yến đảo cũng như chiếm xấp xỉ 1/3 nhà yến toàn quốc. Việc phát triển quần thể chim yến tại các tỉnh, thành phố vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên có ý nghĩa to lớn về kinh tế, tạo công ăn việc làm, sản phẩm có giá trị xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, nghề nuôi chim yến đang phát triển một cách tự phát, không có định hướng, chưa có quy hoạch vùng nuôi chim yến. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển chung và lợi ích của từng thành viên. Vì thế, làm tốt công tác quy hoạch là giải pháp hiệu quả để phát triển nghề nuôi chim yến bền vững.

Theo Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, công tác khảo sát quy hoạch vùng cấp cơ sở cần thực hiện đồng bộ, khẩn trương hoàn thành trong năm 2015 để xây dựng chiến lược phát triển nghề nuôi chim yến giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Các tỉnh, thành cần tiến hành quy hoạch chi tiết những tiểu vùng địa phương thuộc các xã, phường (quận, huyện, thành phố, thị xã) có điều kiện phát triển nghề nuôi chim yến. Công tác khảo sát quy hoạch ngành nghề nuôi chim yến tại các địa phương phải do UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện đồng bộ, vì lợi ích chung của địa phương và cộng đồng xã hội.

Cần nhiều giải pháp để phát triển nghề nuôi chim yến

Đến nay, mới có Khánh Hòa cùng với Phú Yên, Ninh Thuận, Trà Vinh tiên phong thực hiện công tác quy hoạch phát triển tài nguyên yến đảo thiên nhiên và quy hoạch vùng nuôi chim yến trong nhà. Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh đã ban hành đề án quy hoạch phát triển và quản lý các hang, đảo yến trên vùng biển tỉnh đến năm 2020. Hiện nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đang quản lý, khai thác 32 đảo yến với 169 hang yến. Theo đề án, Công ty quy hoạch phát triển thêm 63 đảo và hang yến mới có tiềm năng trên địa bàn tỉnh.

Về định hướng quy hoạch phát triển nuôi chim yến đảo, sẽ tiếp tục phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả số lượng quần thể và sản lượng ở các địa phương đã phát triển yến đảo thiên nhiên gồm: Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận. Theo kết quả khảo sát, tiềm năng phát triển chim yến đảo thiên nhiên tại Đà Nẵng, Bình Thuận, Quảng Ngãi rất lớn. Vì vậy, cần quy hoạch hang đảo vùng ven biển các tỉnh này để phát triển nghề nuôi chim yến đảo trong tương lai; đồng thời đề xuất các vùng tiềm năng để quy hoạch ưu tiên phát triển nuôi chim yến nhà.

Bên cạnh giải pháp về quy hoạch, Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng đã đề xuất hàng loạt giải pháp để phát triển nghề nuôi chim yến. Đó là các giải pháp về chính sách; khoa học và công nghệ; nguồn thức ăn, môi trường sinh thái nghề yến; bảo vệ quần đàn chim yến; tuyên truyền, giáo dục, vận động trong dân; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực (đào tạo chuyên gia kỹ thuật, lao động chuyên môn hóa trong lĩnh vực ngành nghề nuôi chim yến, tiến tới thành lập Học viện Yến sào Việt Nam - trường học kỹ thuật chính thống và chuyên sâu về ngành nghề yến sào); xây dựng, quản trị nhà yến tối ưu; hợp tác liên kết phát triển giữa 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học; thành lập Hiệp hội Yến sào Nam Trung bộ và Tây Nguyên; hợp tác vùng; chế biến nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch (nghiên cứu sản xuất thực phẩm chức năng từ yến, nâng cao giá trị gia tăng của yến sào); xây dựng thương hiệu phát triển bền vững; thị trường và xúc tiến thương mại; phối hợp quản lý ngành nghề các địa phương.

Các vùng tiềm năng ưu tiên phát triển nuôi chim yến ở khu vực Nam Trung bộ gồm: Khu vực huyện Hòa Vang (Đà Nẵng); Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên (Quảng Nam); Tư Nghĩa, Đức Phổ (Quảng Ngãi); An Nhơn, Tuy Phước (Bình Định); ngoại ô TP. Tuy Hòa và huyện Đông Hòa, Phú Hòa (Phú Yên); Nam và Bắc sông Dinh, ngoại ô TP. Phan Rang, huyện Ninh Phước, Ninh Hải (Ninh Thuận); Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, ngoại ô TP. Phan Thiết (Bình Thuận). Riêng Khánh Hòa: ngoại ô TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh, các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm và thị xã Ninh Hòa. Khu vực Tây Nguyên, quy hoạch các vùng có độ cao 550m trở xuống.


Trồng rong sụn mô hình kinh tế mới tại Quảng Ninh Trồng rong sụn mô hình kinh tế mới… Thịt trong nước lao đao trước thịt ngoại Thịt trong nước lao đao trước thịt ngoại