Mô hình kinh tế Quy hoạch vùng sản xuất để nâng cao chất lượng khoai lang

Quy hoạch vùng sản xuất để nâng cao chất lượng khoai lang

Ngày đăng 04/05/2015

Quy hoạch vùng sản xuất để nâng cao chất lượng khoai lang

Sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng

Trước năm 2004, trên địa bàn tỉnh, người dân chủ yếu trồng các giống khoai lang địa phương, có thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp, hiệu quả không cao. Đến năm 2004, sau khi giống khoai lang Nhật Bản có năng suất, chất lượng cao được trồng thí điểm tại xã Đắk Búk So (Tuy Đức) thành công thì diện tích cây trồng này đã nhanh chóng được mở rộng trên toàn tỉnh. Từ năm 2010 đến nay, diện tích khoai lang toàn tỉnh trồng từ 7.000 – 8.000 ha/năm, tăng gấp 10 lần so với năm 2004.

Khoai lang đã chiếm một vị thế quan trọng cơ cấu nông nghiệp của tỉnh nhưng việc phát triển một cách tự phát, thiếu quy hoạch trong những năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế như đất đai bị bạc màu, rửa trôi, lấn chiếm đất rừng ảnh hưởng tới môi trường, cũng như sản xuất bền vững. Việc sản xuất ồ ạt cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề về giống, chất lượng và thị trường tiêu thụ.

Vì vậy, việc phát triển cây khoai lang bền vững và khai thác được lợi thế của từng vùng đòi hỏi phải thực hiện theo quy hoạch.  Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như trước đây thì nay sẽ được chuyển đổi. Các huyện Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Glong thực hiện sản xuất trong vùng quy hoạch theo cơ cấu diện tích từng mùa vụ.

Trong đó, giai đoạn  2015 - 2018, vụ hè thu trồng  2.550 ha, vụ thu đông trồng 1.670 ha và vụ đông xuân trồng 1.080 ha. Đến năm 2020, hè thu trồng 1.830, thu đông trồng 1.680 và đông xuân trồng 1.340. Giai đoạn 2016 - 2020, các huyện sẽ giảm một số diện tích trồng trên vùng đất đồi nhưng năng suất trung bình cả năm đạt khoảng 22,7 tấn/ha, trong đó vụ đông xuân đạt 24 tấn/ha, vụ hè thu đạt 23 tấn/ha và vụ thu đông đạt 21 tấn/ha.

Việc sản xuất được áp dụng theo quy trình sản xuất VietGap. UBND tỉnh cũng đã quy hoạch 14 ha tại huyện Tuy Đức và Đắk Song để sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng bán cho người dân trồng. Với biện pháp cơ cấu lại mùa vụ, đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ cân đối lại sản lượng khoai lang giữa các vụ trong năm.

Các địa phương thực hiện quy hoạch

Do nhu cầu tiêu thụ lớn và đang được sử dụng như những món ăn hàng ngày ở các nước phát triển nên thị trường đầu ra cho sản phẩm khoai lang rất tiềm năng. Chính vì thế, hiện nay các địa phương đã bắt tay thực hiện quy hoạch để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Đức Êm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp – Dịch vụ bon N’Ting ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) cho biết, ngay sau khi UBND tỉnh quy hoạch huyện Đắk Glong vào vùng sản xuất khoai lang đảm bảo an toàn thực phẩm thì trong vụ đông xuân này, HTX đã áp dụng sản xuất khoai lang Nhật Bản theo quy trình VietGap và liên kết với các công ty ở Sài Gòn và Hà Nội để xuất khẩu. Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh và của huyện, trong thời gian tới, HTX sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất để đảm bảo chất lượng và có thị trường tiêu thụ ổn định.

Bà Phạm Thị Phượng, Phó Phòng Nông nghiệp – PTNT Tuy Đức cho biết: Một trong những thuận lợi của huyện, đó là UBND tỉnh quy hoạch vùng trồng khoai lang của địa phương trùng với vùng đã trồng trước đây nên rất thuận lợi.

Hiện nay, người dân của huyện chủ yếu trồng giống khoai lang Nhật Bản bằng phương pháp nuôi cấy mô, chiếm tới gần 80% diện tích do năng suất cao, đạt từ 10 -14 tấn/ha, tỷ lệ củ đạt xuất khẩu khoảng 60- 80%. Với giá khoai xuất khẩu bán ra khoảng 4 -5 triệu đồng/tấn như những năm gần đây thì nông dân có lời tương đối cao.

Người dân đã chú trọng sản xuất khoai lang theo hướng hàng hóa và chủ yếu xuất khẩu nên trong quá trình trồng chú trọng đảm bảo chất lượng. Cũng theo bà Phượng thì trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp - PTNT của huyện sẽ thực hiện các giải pháp mà UBND huyện đưa ra như đưa vào trồng thí điểm các giống mới, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song thì hiện nay, huyện Đắk Song đã xây dựng kế hoạch sản xuất khoai lang theo quy hoạch các vùng cho các xã chứ không sản xuất manh mún như trước đây nữa. Huyện cũng đang chú trọng chọn các giống cây chất lượng tốt để đưa vào sản xuất và khảo sát thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trong những năm tới, huyện không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích mà chỉ sản xuất ổn định tầm 3.000 ha/năm, chú trọng sản xuất thâm canh, trên một diện tích chỉ nên trồng 1 vụ khoai còn những vụ mùa khác thì trồng các cây ngắn ngày khác. Là huyện có diện tích trồng khoai lang lớn nhất của tỉnh nên hiện nay, UBND tỉnh đã có chủ trương tạo điều kiện cho huyện xây dựng nhà máy chế biến khoai lang công suất 50.000 tấn nguyên liệu/năm tại Cụm công nghiệp Thuận Hạnh và địa phương đang kêu gọi thu hút đầu tư.


Áp dụng các giải pháp để bảo đảm kết quả sản xuất vụ đông xuân Áp dụng các giải pháp để bảo đảm… Phát triển nuôi cá rô phi cần gắn với tiêu thụ Phát triển nuôi cá rô phi cần gắn…