Quy trình chăn nuôi thân thiện cho ra sản phẩm thịt lợn sạch
Hệ thống chăn nuôi khép kín, thân thiện môi trường kết hợp cùng quy trình chế biến nhanh, sạch góp phần tạo ra sản phẩm thịt lợn an toàn, chất lượng tại hợp tác xã Hoàng Long, Thanh Oai, Hà Nội.
Trong ảnh: Khu vực chăn nuôi lợn của hợp tác xã Hoàng Long. Ảnh: Bizmedia.
Những năm qua, hợp tác xã Hoàng Long đã nuôi được những đàn lợn khỏe mạnh, sạch bệnh, cho chất thịt thơm ngon, an toàn với người dùng. Đó là thành quả của việc áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, thân thiện với môi trường, giết mổ hợp vệ sinh, bảo quản nghiêm ngặt; từ khâu chọn con giống cho tới chế biến thành sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng.
Trước hết, thời điểm bắt đầu chăn nuôi (năm 2007), toàn bộ giống lợn siêu nạc tại trang trại đều là ngoại nhập. Qua 10 năm, cơ sở đã tiến hành tự nhân giống, đảm bảo chủ động và giữ được nguồn gen của dòng lợn ngoại.
Về thức ăn, xuất phát từ mục tiêu gây dựng chuỗi cung cấp thịt lợn sạch nên bên cạnh con giống khỏe, nguồn gốc rõ ràng, cơ sở còn tiến hành nuôi lợn bằng hỗn hợp thức ăn sinh học không chứa kháng sinh. Thức ăn gồm các loại gạo, cám, mì, ngô, đỗ tương được ủ lên men trong 24 giờ. So với lợn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, năng suất lợn thịt nuôi bằng thức ăn sinh học thấp hơn, thời gian chiếm chuồng dài hơn.
Cụ thể, để đạt trọng lượng khoảng 100kg và đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, nếu sử dụng cám công nghiệp, người nuôi mất khoảng 5 tháng; trong khi đó, nuôi bằng thức ăn sinh học thì 8 tháng lợn mới có thể đạt được trọng lượng trên. Tuy nhiên, ưu điểm của phương pháp này là cho chất thịt thơm ngon, an toàn hơn.
Ngoài thức ăn, nguồn nước uống cũng được kiểm soát chặt chẽ. Nước được bơm từ giếng khoan, trải qua 2 lần lọc rồi mới chuyển tới cho lợn. Khu chuồng nuôi cũng đảm bảo vệ sinh từ máng ăn đến chuồng trại. Bên cạnh đó, đàn lợn còn được cán bộ vệ sinh thú y thăm khám định kỳ để đảm bảo không nhiễm bệnh, có thể phát triển khỏe mạnh.
Khu vực chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học. Ảnh: Bizmedia.
Với nhiều cơ sở, chất thải trong chăn nuôi là vấn đề nan giải và thường gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó, tại hợp tác xã Hoàng Long, chất thải của lợn được thu gom tập trung để đưa xuống khu bể chứa. Tại đây, phần nước trong phân thải được tách chuyển đến ao xử lý, tiếp tục qua hệ thống bể lọc, rồi mới đưa ra môi trường. Phần bã được tái tạo thành phân bón cho cây trồng. Một phần chất thải chăn nuôi còn được chuyển xuống khu hầm biogas dạng lỏng. Quy trình xử lý chất thải chăn nuôi được thực hiện khép kín, thân thiện với môi trường.
Nhờ nuôi bằng thức ăn sinh học, uống nước sạch, ở khu chuồng trại thoáng mát và được vệ sinh phòng dịch định kỳ nên đàn lợn của hợp tác xã phát triển khỏe mạnh, đồng đều. Khi đạt trọng lượng tiêu chuẩn, lợn thịt được giết mổ và chế biến ngay tại trang trại.
Quy trình giết mổ thịt lợn được thực hiện tại khu vực riêng. Ảnh: Bizmedia.
Cụ thể, lợn được giết mổ trong nhà lạnh, sau đó đưa vào kho bảo quản ở nhiệt độ 0-5 độ C trong 8 giờ đồng hồ rồi mới đem ra lóc thịt. Một phần thịt nạc, thịt mông được xay và chế biến thành giò, chả, nem... tại chỗ. Phần còn lại cùng xương được đóng gói, hút chân không, đưa vào thùng lạnh rồi vận chuyển tới cửa hàng tiêu thụ.
Hiện nay, trang trại của hợp tác xã duy trì 500 con lợn nái sinh sản và gần 4.000 con lợn thịt. Lợn nái cung cấp giống trực tiếp cho trại nuôi, còn các lứa lợn thịt được nuôi gối để xuất chuồng.
Trung bình mỗi tháng, trang trại cung cấp cho thị trường khoảng 50 tấn thịt lợn sạch cùng giò lụa, chả lụa, chả quế, giò tai, giò xào, nem chua... Sản phẩm của hợp tác xã được bán tại 2 cửa hàng Hà Nội là chợ Khương Đình, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân và số 6, ngõ 6, đường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ