Tin nông nghiệp Quy trình chế biến heo sữa sạch tại Quảng Nam

Quy trình chế biến heo sữa sạch tại Quảng Nam

Tác giả Như Nguyệt, ngày đăng 19/05/2017

Quy trình chế biến heo sữa sạch tại Quảng Nam

Những con heo sữa (lợn sữa) được kiểm tra thú y lâm sàng, khi đạt tiêu chuẩn mới đem đến cơ sở chế biến làm sạch và kiểm dịch lần cuối trước khi đưa đến tay người dùng.

Heo sữa trong độ tuổi 6-8 tuần. Ảnh: Bizmedia.

Quảng Nam là một trong những địa phương có hoạt động mua bán và cung cấp heo sữa nổi tiếng tại miền Trung. Cách chợ heo Bà Ré nổi tiếng về phía Nam khoảng 20km theo quốc lộ 1A, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam là nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến heo sữa đông lạnh, phục vụ thị trường miền Nam và xuất khẩu với sản lượng khoảng 200.000 con mỗi năm.

Cụ thể, tại Thăng Bình, thương lái chủ yếu thu mua heo sữa của các trang trại chăn nuôi trên địa bàn và bán lại cho cơ sở chế biến. Đầu tiên, đàn heo được kiểm tra lâm sàng dưới sự giám sát của cán bộ thú y. Những con không đạt yêu cầu sẽ qua khu cách ly để theo dõi. Còn lại, heo khỏe mạnh được nhốt riêng và để nghỉ ngơi, phục hồi thể lực2 -5 giờ rồi mới đưa đến khu vực chế biến.

Anh Lương Thành Nga, cán bộ kiểm soát giết mổ tại trạm chăn nuôi và thú y Thăng Bình, Quảng Nam cho biết, dựa vào quan sát bên ngoài ở mắt, tai, mũi, hoặc vùng da mỏng mà các cán bộ nắm bắt sức khỏe của heo. Cụ thể, mắt heo sữa khỏe sẽ không sưng, không bị đỏ hay có nhiều ghèn mắt. Bên cạnh đó, mũi của chúng cũng khô, chân và da bình thường.

Heo được kiểm tra lâm sàng bằng cảm quan trước khi đưa đến cơ sở chế biến. Ảnh: Bizmedia.

Tại cơ sở giết mổ, heo được tắm rửa sạch, gây tê, rồi trải qua các quy trình như đưa vào máy đánh lông, mổ sạch, rửa nước muối. Tiếp đó, cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch, bọc sản phẩm và đưa vào kho cấp đông nhanh ở nhiệt độ âm 50 đến âm 40 độ C. Khi đã đạt tiêu chuẩn, heo sữa được đưa ra đóng gói và tiếp tục bảo quản ở nhiệt độ âm 22 đến âm 20 độ C.

Bên cạnh vệ sinh nhà xưởng, khu vực giết mổ, thiết bị vận chuyển hàng ngày, cơ sở chế biến heo đông lạnh tại Thăng Bình còn đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 100m3 mỗi ngày đêm theo 7 bước. Trong đó, điểm cuối cùng là dùng chlorine để khử trùng cho tới khi nước đạt tiêu chuẩn mới thải ra môi trường. Nguồn nước này có thể sử dụng để tưới cây.

Heo sữa đông lạnh sau cùng được vận chuyển tới các điểm tiêu thụ, nhà hàng, cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, TP HCM và xuất khẩu đi Trung Quốc. Hiện nay, công suất trung bình của một cơ sở là khoảng 1.000 con mỗi ngày. Vào lúc cao điểm như Tết Âm lịch, tiết Thanh Minh, rằm tháng 7… mỗi cơ sở xử lý trên 2.000 con heo sữa để phục vụ nhu cầu thị trường.


Hà Giang: Thu nhập cao từ chăn nuôi tổng hợp Hà Giang: Thu nhập cao từ chăn nuôi… Cải xoăn ngọt, giòn nhờ tưới bằng nước sạch Cải xoăn ngọt, giòn nhờ tưới bằng nước…