Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh mía đường công nghiệp (Phần 2)
III/- CÁCH TRỒNG
1. Thời vụ
Vùng | Vụ trồng chính | Vụ trồng phụ |
Trung du miền núi phía Bắc | 1/1 – 30/4 | 1/9 – 30/11 |
Bắc Trung bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) | 1/1 – 30/4 | 1/10 – 15/12 |
Duyên hải miền Trung (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận) | 1/1 – 1/3 | 1/6 – 30/8 |
Tây Nguyên | 1/10 – 30/11 | 1/5 – 30/6 |
Đông Nam bộ | 15/10 – 30/12 | 15/4 – 15/6 |
Tây Nam bộ | 1/4 – 30/6 | 15/11 – 30/1 |
2. Mật độ và cách trồng
- Mật độ: Tuỳ điều kiện đất đai và loại giống mía để bố trí mật độ, lượng hom giống cần từ 35.000 - 40.000 hom/ha (mỗi hom có 3 mắt), tương đương 8 - 10 tấn giống/ha.
- Khoảng cách hàng: Tùy việc canh tác thủ công hoặc bằng máy để bố trí khoảng cách hàng đơn từ 0,8 – 1,2 m (canh tác thủ công), hoặc hàng kép từ 1,2 – 1,8m x 0,6 – 0,4m (canh tác bằng máy).
- Cách trồng: Đặt hom theo rãnh hàng đơn (cách nhau 1 m) hoặc hàng kép (1,4m), phủ kín đất 3 - 5 cm (vụ trồng phụ) hoặc 7 - 10 cm (vụ trồng chính). Đất khô cần nén chặt cho hom tiếp xúc với đất. Trong vụ trồng chính nếu có điều kiện nên tưới ẩm sau khi trồng và sử dụng màng phủ nông nghiệp giữ ẩm và hạn chế cỏ dại cho mía.
IV/- CHĂM SÓC
1. Đối với mía tơ:
1.1. Trồng dặm
- Khoảng 15 - 25 ngày sau trồng, khi cây mía có 1 - 2 lá thật hoặc thu hoạch vụ trước, nếu thấy mất khoảng > 0,8 m thì phải trồng dặm. Nên dặm vào buổi chiều hoặc lúc trời mát. Có thể lấy bớt các hom đã nảy mầm ở chỗ mọc dày để dặm những chỗ thiếu. Nhưng tốt nhất là dùng các hom đã nảy mầm đặt thêm ở các đầu hàng hoặc hom đã được ươm trong bầu đất chuẩn bị trước đó.
- Kỹ thuật dặm: Đào rãnh sâu ngang với đáy rãnh lúc trồng, đặt cây dặm và lấp kín gốc. Khi dặm đất phải đủ ẩm, cây đem dặm phải cắt bớt lá để hạn chế thoát hơi nước, nén chặt đất vào gốc cây dặm. Nếu có điều kiện cần tưới ngay sau khi dặm.
1.2. Bón phân
a) Lượng phân bón cho 1 ha mía:
- Vôi: Đất trồng mía có pH dưới 5, cần bón lót vôi bột (CaO) trước lần cày bừa cuối cùng, với lượng từ 800 - 1.000 kg/ha.
- Phân hữu cơ: 10 - 20 tấn (phân chuồng, phân rác, bã bùn, tro,…) hoặc thay thế bằng 1 - 3 tấn phân hữu cơ vi sinh.
- Phân hoá học: Tùy theo loại đất, vụ mía và điều kiện canh tác ở mỗi vùng mà điều chỉnh lượng phân bón sao cho phù hợp, trung bình cho vụ mía tơ như sau:
Loại đất trồng mía | Mức độ thâm canh | Lượng bón (kg/ha) | ||
Đạm (N) | Lân (P2O5) | Kali (K2O) | ||
Đất xám cát và xám bạc màu | Cao | 200 - 250 | 90 - 100 | 180 - 200 |
Trung bình | 160 - 200 | 60 - 90 | 150 - 180 | |
Đất cát pha | Cao | 180 - 220 | 80 - 100 | 160 - 180 |
Trung bình | 140 - 180 | 50 - 80 | 140 - 160 | |
Đất đồi (đỏ vàng) | Cao | 200 - 230 | 80 - 100 | 150 - 180 |
Trung bình | 150 - 200 | 60 - 80 | 120 - 150 | |
Đất phèn | Cao | 200 - 250 | 100 - 120 | 180 - 220 |
Trung bình | 160 - 200 | 80 - 100 | 150 - 180 | |
Đất phù sa cổ | Cao | 180 - 220 | 70 - 90 | 160 - 180 |
Trung bình | 140 - 180 | 50 - 70 | 120 - 160 |
- Lượng phân bón cho mía gốc tăng hơn mía tơ từ 10 - 20%.
- Khi bón phân đơn hoặc phân NPK hỗn hợp, cần quy đổi hàm lượng N, P2O5, K2O tương đương với tỷ lệ nêu trên. Tuỳ theo mức độ thâm canh để đạt được năng suất mía khác nhau mà bón với lượng khác nhau. Ở những vùng có lượng mưa lớn, xói mòn mạnh nên bón bổ sung các phân có chứa trung và vi lượng như sắt, man-gan và ma-nhê.
b) Cách bón:
- Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali. Trường hợp cần phải xử lý mối và bọ hung thì bón thêm thuốc trừ sâu được phép sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ngay sau khi bón lót, nên lấp 1 lớp đất mỏng 1 - 3 cm rồi mới đặt hom.
- Bón thúc lần 1 (thúc đẻ): Khi mía 4 - 5 lá, bón 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali.
- Bón thúc lần 2 (thúc lóng): Khi mía 9 - 10 lá (khi mía có 1 - 2 lóng), bón 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali. Nếu đất khô hạn hoặc nhiễm phèn mặn thì nên bón bổ sung thêm 1 lần qua lá.
Lưu ý: Trước khi bón thúc, ruộng phải dọn sạch cỏ dại, đất phải đủ độ ẩm. Phân được rải đều dọc theo hàng mía. Sau khi bón phân phải xới xáo vùi lấp phân để hạn chế bốc hơi, rửa trôi.
1.3. Tưới tiêu nước
a) Tưới nước:
- Chỉ tiến hành tưới nước bổ sung cho mía vào các giai đoạn khô hạn kéo dài, đặc biệt là giai đoạn mọc mầm, đẻ nhánh và bắt đầu vươn lóng. Dừng tưới cho cây mía trước khi thu hoạch 1 tháng.
- Phương pháp tưới: Tùy theo điều kiện, có thể áp dụng các phương pháp tưới nước cho mía phổ biến như tưới thấm, tưới nhỏ giọt, tưới phun và tưới tràn theo rãnh mía.
- Lượng tưới: 40-50 mm/lần tưới, tương ứng với 400 - 500 m3/ha/lần tưới. Tưới 1 - 2 lần/tháng.
b) Tiêu nước: Mía cần nhiều nước nhưng chịu úng rất kém, đặc biệt là thời kỳ cây con và thời kỳ vươn lóng. Để tránh bị úng, ruộng trồng mía phải bằng phẳng, thiết kế hệ thống tiêu nước ngay sau khi trồng, xung quanh ruộng cần có rãnh, mương đấu nối với hệ thống thoát nước để tránh bị đọng nước sau khi mưa to. Không nên để mía bị ngập úng quá 1 tuần.
1.4. Chăm sóc mía thủ công hoặc bằng cơ giới
- Những nơi có diện tích lớn, tập trung, ruộng bằng phẳng, có điều kiện cơ giới có thể dùng máy kéo liên hợp với máy xới như: máy xới răng nhọn, máy xới cánh én, máy xới kiểu đĩa,... để diệt cỏ giữa 2 hàng mía, đảm bảo cho đất tơi, xốp, thoáng khí, giúp mía sinh trưởng tốt.
- Xới vun cho mía: Thực hiện 2 lần:
+ Lần 1: Khi mía kết thúc mọc mầm (sau trồng hoặc sau thu hoạch vụ trước 30-40 ngày).
+ Lần 2: Khi mía kết thúc đẻ nhánh (sau trồng hoặc sau thu hoạch vụ trước 60-80 ngày).
- Chỉ dùng máy xới khi đất đủ ẩm, xới giữa 2 hàng mía cách gốc mía khoảng 20 cm.
Lưu ý: Nếu trồng hàng kép cần tăng cường làm cỏ giữa 2 hàng kép.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ