Quy trình sản xuất giống nhân tạo cá hô
Cá hô (Catlocarpio siamensis) là loài cá có kích thước lớn nhất trong họ cá chép (Cyprinidae), đây cũng là một trong những loài thủy sản có tên trong sách đỏ. Hiện nay, do bị đánh bắt quá mức không kiểm soát được, trong tự nhiên cá hô ngày càng ít gặp, nên rất cần được nhân giống bảo vệ và phát triển.
Cá bố mẹ
Chọn cá: Có nguồn gốc rõ ràng, cá thể khỏe mạnh, ngoại hình cân đối, màu sắc tươi sáng, không có dấu hiệu bệnh lý. Tuổi cá chọn nuôi vỗ ≥ 8 tuổi. Khối lượng ≥ 12 kg/con. Số lượng đàn cá tối thiểu phải đạt 40 con cho một cơ sở sản xuất giống. Tỷ lệ cá đực:cái là 1:1.
Chuẩn bị ao: Ao nuôi vỗ cá bố mẹ nên có diện tích từ 2.000 – 5.000 m2, hình chữ nhật để dễ kéo lưới bắt cá, độ sâu nước ao từ 1,5 – 2 m. Nguồn cung cấp nước cho ao chủ động, sạch, xa các điểm xả của nhà máy, đồng ruộng để tránh ô nhiễm. Hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, cống chắc chắn, máy bơm để có thể thay và cấp nước khi cần thiết. Trước khi nuôi vỗ, ao phải được diệt tạp và khử trùng để tiêu diệt các loại sinh vật gây hại và mầm bệnh cho cá bằng cách tháo cạn, vét bớt bùn, phát sạch cây cỏ xung quanh, tu sửa lại bờ, mương, cống cho chắc chắn, rải vôi bột (Ca(OH)2) đáy ao và bờ ao với lượng 7 kg/100 m2. Phơi đáy ao 1 – 2 ngày, sau đó lấy nước vào ao qua lưới lọc có mắt lưới từ 8 – 10 mm đến khi đạt độ sâu 1,2 – 1,5 m thì chuyển cá vào nuôi vỗ.
Chăm sóc và quản lý: Thức ăn cho nuôi vỗ cá bố mẹ phải có đủ chất dinh dưỡng, khoáng, vitamin. Sử dụng thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng protein 30 – 35%, lipit 8 – 10%. Bổ sung thêm 0,5% khoáng, vitamin. Ở giai đoạn nuôi vỗ tích cực (khoảng 3 tháng đầu) cho cá ăn bằng 3 – 4% khối lượng thân/ngày, sau đó kiểm tra buồng trứng cá cái, khi cá thành thục đến cuối giai đoạn III thì chuyển sang nuôi vỗ thành thục, thời gian này khẩu phần giảm xuống còn 1 – 2% khối lương thân/ngày. Hàng ngày cho cá ăn 2 lần, buổi sáng và chiều mát, thức ăn viên nổi được cho vào khung ở một vị trí cố định. Thường xuyên quan sát hoạt động và khả năng bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp tránh thừa gây ô nhiễm nước hoặc thiếu cá bị đói.
Quản lý nước ao nuôi: Đo các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao ngày hai lần (lúc 7h và 14h). Mỗi tuần kiểm tra NO2, NH3-N; kết hợp với quan sát hoạt động của cá để phát hiện những biểu hiện không bình thường và nhanh chóng xử lý kịp thời. Bổ sung và thay nước theo định kỳ hai lần trong tháng, giữ độ sâu ổn định để tạo không gian hoạt động và không làm biến động các yếu tố môi trường trong ao nuôi vỗ. Việc bổ sung và thay nước có thể lợi dụng con nước thủy triều hoặc dùng máy bơm.
Trong 3 tháng đầu là thời gian nuôi vỗ tích cực, mỗi tháng thay nước ít nhất 2 tuần một lần, mỗi lần thay từ 15 – 20% thể tích nước. Từ tháng thứ 4 trở đi là thời gian nuôi vỗ thành thục, mỗi tháng thay nước 2 lần, mỗi lần thay 20 – 30% lượng nước trong ao.
Kỹ thuật cho cá sinh sản
Trang thiết bị: Mùa vụ cá hô đẻ bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến cuối tháng 10 hàng năm, cá hô có thể phát dục và đẻ nhiều lần trong năm. Chuẩn bị bể xi măng hoặc composite có thành nhẵn, thể tích khảng 20 m3, sâu 1,2 m, có sục khí và ống cấp nước để thay đổi nước. Mật độ chứa cá 4 – 5 kg/m3.
Vệ sinh sạch sẽ bể cho cá đẻ, dùng Chlorine hoặc vôi (CaOH) sát trùng bể, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Kiểm tra nguồn nước, hệ thống cấp nước (máy bơm, bơm nước vào bể chứa, sục khí bổ sung). Chuẩn bị các dụng cụ cho cá đẻ như: băng ca, cân, bơm tiêm, nhiệt kế bách phân, cốc thủy tinh để pha chế thuốc, nước cất, nước muối sinh lý, các loại thuốc kích thích sinh sản, thau, lông gà…
Chọn cá cho sinh sản: Dùng que thăm trứng; dùng que lấy một ít trứng ra kiểm tra, thấy đa số các hạt trứng to đều, đường kính ≥ 1,1 mm, trứng căng tròn, hạt trứng tách rời ra, có màu trắng nhạt. Cho trứng vào dung dịch (Bau-kiant shing) quan sát thấy nhân trứng sáng và lệch hẳn về một cực, tỷ lệ trứng phân cực đạt trên 80%. Chọn những cá đực khỏe mạnh, vuốt nhẹ vùng lỗ sinh dục có sẹ đặc màu trắng đục như sữa chảy ra.
Kích thích sinh sản: Chất kích thích sinh sản cho cá hô đẻ có thể sử dụng riêng rẽ hoặc kết hợp giữa não thùy thể của họ cá chép, HCG và LH-RHa kết hợp với DOM. Dùng phương pháp tiêm 2 lần với cá cái và 1 lần với cá đực, lần tiêm cho cá đực cùng lúc với tiêm lần 2 cho cá cái. Thời gian giữa 2 lần tiêm cách nhau 46 giờ. Tiêm ở gốc vây ngực của cá, các lần tiêm khác nhau nên tiêm ở gốc vây khác nhau để giảm ảnh hưởng cho cá và hạn chế bị thất thoát thuốc do tiêm vào vị trí cũ. Ở nhiệt độ 28 – 300C, cá cái sẽ rụng trứng sau liều tiêm quyết định từ 4 – 6 giờ. Tuy nhiên cần lưu ý, có những cá thể nhạy cảm và hiệu ứng sớm hơn, có thể sau liều tiêm lần thứ nhất đã có biểu hiện rụng trứng. Vì vậy, sau khi tiêm 6 giờ phải theo dõi thường xuyên để phát hiện kịp thời cá cái rụng trứng.
Thụ tinh nhân tạo cho trứng: Áp dụng phương pháp gieo tinh bán khô trong thụ tinh nhân tạo cá hô. Tinh dịch cá hô đực được lấy trước khi vuốt trứng cá cái 10 – 15 phút, tinh dịch cá hô đực pha với nước muối sinh lý 9‰ rồi bảo quản trong nhiệt độ 3 – 40C và tránh ánh sáng. Sau khi tiêm liều quyết định 6 giờ thì định kỳ kiểm tra sự rụng trứng của cá cái sau mỗi 30 phút. Khi cá rụng trứng thì tiến hành vuốt trứng ra thau và dùng tinh dịch đã lấy trước đó để thụ tinh. Dùng lông gà khuấy nhẹ đều trứng và tinh dịch kết hợp với việc cho nước từ từ vào thau cho đến khi lượng nước chiếm 3/4 thể tích thau, tiếp tục đảo đều khoảng 1 – 2 phút. Sau đó rửa lại trứng bằng nước sạch và chuyển vào dụng cụ ấp trứng.
Ấp nở trứng
Dụng cụ ấp trứng là bình vây (Weis) hoặc bể composite có đảo nước và kèm theo sục khí để cung cấp ôxy trong quá trình ấp trứng. Nước dùng để ấp trứng phải trong, pH từ 7 – 7,5. Hàm lượng ôxy hòa tan > 4 mg/lít, nhiệt độ ổn định 28 – 290C. Trứng sau khi thụ tinh được ấp trong bể composite có thể tích 700 – 1.000 lít có sục khí và được thay đổi nước liên tục. Tổng số trứng cá đẻ được định lượng bằng cân khối lượng trứng thu được khi vuốt trứng, một kg trứng cá hô có thể đạt 700.000 – 800.000 trứng. Mật độ ấp khoảng 300 – 400 trứng/lít nước. Điều chỉnh lưu lượng nước qua bể ấp thích hợp để đảo đều và đẩy trứng lên không bị lắng đọng dưới đáy bể. Sau khi nở 3 ngày, noãn hoàng cá teo lại, cá vận động mạnh và bắt đầu bắt mồi, đến ngày thứ 4 cá đã bắt mồi mạnh. Nên đưa cá ra bể, ao ương khoảng 3 ngày sau khi cá nở.
Thu cá bột
Ngừng cấp nước và sục khí, dùng vợt vớt nhẹ nhàng rồi để róc nước trong vài giây, dùng cốc đong hoặc cân để định lượng rồi đưa vào túi và đóng ôxy. Khi mật độ cá trong bể đã thưa, tháo bớt nước ra và dùng vợt thu tiếp tục đến khi hết cá.
Để vận chuyển cá đi xa, đóng cá bột vào túi nylon có nước sạch. Mật độ khảng 2.000 – 3.000 con/lít nước (tùy thời gian giữ cá trong túi). Sau khi cho cá vào bao tiến hành bơm ôxy vào túi rồi buộc chặt, tỷ lệ nước/ôxy là 1/3. Thời gian vận chuyển không quá 10 tiếng ở nhiệt độ nước trong túi khảng 27 – 280C.
Có thể ương cá bột thành cá giống trong ao đất 60 ngày tuổi, hoặc ương từ cá bột lên cá hương trong bể 20 – 25 ngày tuổi, sau đó ương tiếp 40 ngày từ cá hương lên cá giống.
Ông Trần Quốc Nam, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết, cá hô nuôi đúng kỹ thuật, cho ăn thực phẩm tổng hợp (viên) trong 3 năm có thể đạt trọng lượng 5 – 6 kg/con, con lớn nhất lên đến 10 kg. Sau hơn 3 năm thả nuôi, đến nay trừ hao hụt, ao của ông còn trên 4 tấn cá thịt và thu về khoảng 1,4 tỷ đồng, trừ hết chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản Nam Bộ
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ