Rau má Quy trình sản xuất rau má VietGAP

Quy trình sản xuất rau má VietGAP

Tác giả Phòng Nông Nghiệp - PTNT QUẢNG ĐIỀN, ngày đăng 18/04/2018

Quy trình sản xuất rau má VietGAP

VietGAP là gì?

VietGAP (Vietnam Good Agricultural Practices) là Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Viet Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành; VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Mục tiêu của VietGAP

Ngăn ngừa có tính hệ thống đối với việc mất an toàn thực phẩm trong suốt quá trình từ sản xuất đến thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch nhằm giảm thiểu các mối nguy trong thực hành nông nghiệp tốt VietGAP bao gồm an toàn thực phẩm, giữ gìn môi trường, sức khỏe an toàn và phúc lợi xã hội cho người lao động.

Vì sao phải tiến hành VietGAP?

1. Rau, quả mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây ngộ độc cho người tiêu dùng, cản trở xuất khẩu.

2. Yêu cầu của thị trường thế giới, là chìa khóa để hội nhập WTO.

3. Chứng chỉ GAP là lợi thế so sánh về sản xuất rau quả của Việt Nam.

Nội dung quy trình sản xuất cây rau má theo hướng VietGAP

1. Đất đai:

- Đất trồng rau má tốt nhất là đất phù sa giàu mùn, tơi xốp, giữ nước giữ phân tốt, hoặc đất cát pha.

- Đất không bị ô nhiễm, đảm bảo tiêu chuẩn quy định chung khi sản xuất rau an toàn.

2. Nguồn nước:

- Nước không ô nhiễm kim loại nặng và các sinh vật gây bệnh.

- Sử dụng nước tưới là nước sạch: Giếng khơi, giếng khoan.

- Nguồn nước tưới phải được giám sát hàng năm (đảm bảo theo yêu cầu tiêu chuẩn Việt Nam-TCVN 6733: 2000).

3. Giống:

- Sử dụng giống rau má bản địa, có 2 loại: rau má xanh có thân lá màu xanh và rau má tía (thân lá tía). Rau má tía ăn thơm ngon, đắng hơn rau má xanh. Chọn 3 tốt (ruộng tốt, đám tốt, cây tốt), không bị sâu bệnh.

- Cây đã bò trên luống hoặc mọc thành bụi, có nhiều dây là tốt nhất. Lượng giống 20-25 kg/sào.

4. Thời vụ:

- Vụ chính: Trồng tháng 9-4 để lợi dụng độ ẩm và nền nhiệt thấp, mát mẻ trong mùa mưa.

- Vụ trái: Tháng 4-8 nhưng phải che chắn, giữ ẩm (bán được giá hơn vì rau má có thể chịu được mưa, lạnh và nhiệt độ cao trong mùa nắng nóng 30-35oC)

5. Làm đất:

- Đất được cày bừa kỹ, bằng phẳng, sạch cỏ, phân thành những luống hoặc băng rộng 3-4 m, cao 5-10 cm để thoát nước. Nếu ruộng cao thoát nước tốt, không cần lên luống vì để như thế rau má bò dày đều trên ruộng, tác dụng giữ ẩm và chống cỏ dại tốt hơn.

6. Kỹ thuật trồng:

- Cây giống đem trồng là những đoạn thân có từ 2-3 mắt đốt trở lên hoặc cả cây (thân, lá, rễ).

- Phân bón trộn đều trong đất trên luống, lấp một lớp đất rồi trồng với khoảng cách 10cm x 10cm hoặc rạch các rãnh ngang trên luống, rãnh cách rãnh 10cm, lấp một lớp đất mỏng.

- Trồng cây trên rãnh, cây cách cây 10cm, lấp đất, ấn chặt gốc, tưới nước giữ ẩm, phủ luống bằng rơm để giữ ẩm và chống mưa to, cỏ dại.

7. Bón phân và chăm sóc:

Yêu cầu về phân bón:

- Toàn bộ phân chuồng phải ủ hoai mục và phân hữu cơ sinh học được dùng để bón lót, tuyệt đối không được sử dụng phân tươi, phân chưa hoai mục.

- Chế độ bón phân cho rau má là cây rau cần rễ phát triển nhiều, bò nhanh nên phải bón thêm lân và tro bếp để cây sinh trưởng nhanh và tăng chất lượng cho rau.

Lượng phân bón:

Phân bón/500m2 (đối với ruộng trồng mới)

Loại phân Tổng lượng bón kg/500m2 Lượng bón lót (%) Lượng bón thúc (%)
Đợt 1 Đợt 2
Phân chuồng hoai mục 500 100 0 0
U rê 6 20 40 40
Lân supe 15 100 0 0
Kali sulphat 4 30 30 40
Vôi bột 100 100 0 0

Chăm sóc và bón phân ruộng rau trồng mới:

- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, lân hoặc phân hữu cơ vi sinh, 20% đạm, 30% kali, toàn bộ vôi bón lúc làm đất.

- Bón thúc lần 1: Sau trồng 10 ngày khi rau má ra lá mới rộ: Phân U rê 3% (30 gam/bình 10 lít) hoặc bón vào đất 3 kg/sào (500m2), bón thúc phân kết hợp với xới đất, làm cỏ vun gốc.

- Bón thúc lần 2: Sau khi thúc lần 1 từ 15-20 ngày, bón thúc phân kết hợp với xới đất, làm cỏ vun gốc.

+ Có thể bón NPK thay thế phân đơn, lân hữu cơ vi sinh thay lân super (20 kg/sào).

+ Phủ luống giữ ẩm và phòng cỏ dại.

Chăm sóc và bón phân ruộng rau đã thu hoạch:

- Sau mỗi đợt thu hoạch bón thúc phân đạm U rê (3 kg/sào) và Kali (1,6 kg/sào), phân chuồng hoai mục, phân sinh học để cây sinh trưởng khỏe, mọc dày, nhiều lá. Tưới nước và xới xáo, làm cỏ.

- Phun thêm phân bón lá Vườn sinh thái, Atonnic hay Humat cho rau 10 ngày 1 lần có thể tăng năng suất lên 30-50% mà vẫn đảm bảo chất lượng.

- Bón thêm tro bếp khoảng 0,5-1 tạ/sào để rau má có lá dày, ít sâu bệnh (nếu thiếu phân chuồng nên bón thêm mùn rơm rạ mục 3-5 tạ/sào, phân bón sinh học).

- Kết thúc bón đạm trước khi thu hoạch ít nhất 10 ngày để tránh thừa lượng nitrat trong rau.

- Sử dụng các sản phẩm sinh học và có nguồn gốc sinh học như Trichomix, Biogro, men vi sinh EM2 để cải tạo đất và tăng khả năng chống chịu của cây trồng.

8. Phòng trừ sâu bệnh hại:

- Sâu xanh ăn lá:

+ Cày ải phơi đất để diệt sâu non và nhộng.

+ Vệ sinh đồng ruộng.

+ Luân canh cây trồng (ngô, lúa).

+ Sử dụng thuốc theo hướng dẫn khi mật độ sâu cao.

- Sâu ăn đọt:

+ Phát hiện sâu sớm.

+ Diệt sâu.

+ Phun thuốc sớm.

- Bệnh đốm lá:

+ Vệ sinh đồng ruộng thông thoáng.

+ Sử dụng thuốc trừ bệnh.

* Nguyên tắc phòng trừ sâu bệnh:

- Khi có sâu bệnh cần trao đổi với cán bộ kỹ thuật bảo vệ thực vật để xử lý đúng phương pháp và hiệu quả.

- Các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây rau má phải nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Các loại thuốc sử dụng khi phun phải tuân thủ đúng chỉ dẫn ghi trên bao bì về liều lượng và thời gian cách ly.

9. Thu hoạch:

Thời điểm thu hoạch:

- Thời gian từ trồng đến thu lứa chính đầu tiên từ 3-5 tháng (trước đó có thể thu tỉa để cho rau phát triển đều trên luống). Các lứa sau tùy theo tình hình, khoảng một tháng một lần.

Yêu cầu chất lượng:

- Thu rau đúng độ chín (đảm bảo năng suất, chất lượng), loại bỏ lá già, héo, bị sâu bệnh. Cắt rau má vào buổi chiều mát, rửa kỹ bằng nước sạch, để ráo nước rồi cho vào bao, túi sạch trước khi đưa đi tiêu thụ.

10. Ghi chép dữ liệu:

- Người sản xuất phải ghi chép dữ liệu về từng công đoạn sản xuất và thời tiết khí hậu để dễ dàng kiểm tra và giải quyết khi có yêu cầu. Các nội dung cần ghi chép:

+ Phân bón: mua ở đâu, nhà sản xuất, loại phân bón, lượng phân bón, thời gian bón, người bón, thời gian cách ly của phân.

+ Thuốc BVTV: mua ở đâu, nhà sản xuất, loại thuốc, đối tượng sâu bệnh, lượng thuốc sử dụng, thời gian phun, người phun, thời gian cách ly của thuốc.

+ Thu hoạch: thời gian, lô thửa, phân loại rau, thị trường.


Kỹ thuật trồng rau má Nhật thủy sinh xanh mướt cho không gian trong lành Kỹ thuật trồng rau má Nhật thủy sinh…