Tin nông nghiệp Quy trình thâm canh cây cà phê: Góp phần tăng năng suất

Quy trình thâm canh cây cà phê: Góp phần tăng năng suất

Tác giả C.Đan, ngày đăng 21/05/2018

Quy trình thâm canh cây cà phê: Góp phần tăng năng suất

Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài khoa học Ứng dụng quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm phù hợp với điều kiện canh tác huyện Khánh Sơn. Đề tài mở ra phương thức sản xuất vừa tiết kiệm vừa giúp nông dân tăng năng suất cà phê.

Theo kỹ sư Lê Đặng Công Toại - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh, chủ nhiệm đề tài, điều kiện tự nhiên đặc thù tại Khánh Sơn có thế mạnh lớn để phát triển nhiều loại cây trồng, trong đó có cà phê. Tuy nhiên, nông dân hiện nay chủ yếu canh tác theo kinh nghiệm, chưa theo một quy trình hay cơ sở khoa học nào. Chính vì vậy, năng suất tương đối thấp, trung bình 1,75 tấn/ha. Do đó, để giúp nông dân tại Khánh Sơn nâng cao năng suất, chất lượng cà phê đạt hiệu quả kinh tế theo hướng bền vững, trung tâm triển khai đề tài “Ứng dụng quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm phù hợp với điều kiện canh tác huyện Khánh Sơn”.

 

Qua gần 3 năm triển khai, các thành viên của đề tài đã tiến hành khảo sát hiện trạng vùng trồng cà phê tại Khánh Sơn, xác định những tồn tại trong quy trình kỹ thuật canh tác của người dân. Trên cơ sở đó, đề tài đã xây dựng mô hình thâm canh cây cà phê (1ha/mô hình) kết hợp với hệ thống tưới nước tiết kiệm phù hợp với điều kiện canh tác ở huyện; đồng thời tổ chức tập huấn cho 50 học viên nắm vững kỹ thuật thâm canh của mô hình. Kết quả qua 3 năm, mô hình cho năng suất trung bình đạt hơn 2,5 tấn/ha/vụ (vượt gần 25% so với vườn đối chứng), lãi ròng 68,3 triệu đồng, chênh lệch lợi nhuận so với vườn đối chứng hơn 20,5 triệu đồng/ha; hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp với bón phân qua nước cho cây cà phê giúp tiết kiệm được 30 - 40 lượng nước tưới, 20% phân bón...

Ông Mấu Thêm (xã Sơn Lâm) - hộ tham gia mô hình đề tài chia sẻ, trước đây, gia đình ông thường thực hiện thâm canh và tưới nước cho cây cà phê theo kinh nghiệm. Bình quân, sử dụng hơn 2 tấn phân bón hóa học hỗn hợp cho 1ha cà phê (cao hơn nhiều so với khuyến cáo), bón 2 lần/năm, hình thức bón rãi trên mặt đất. Nhược điểm của phương pháp này là phân dễ bị rửa trôi nên gây nhiều lãng phí. Ngoài ra, khi thấy đất khô là ông tưới nên tốn rất nhiều nước, bình quân 600 - 700 lít/lần/gốc. Sau khi tham gia đề tài, ông sử dụng máy đo độ ẩm, khi độ ẩm đất dao động từ 28 đến 29% thì mới tưới. Phương pháp tưới theo hình thức phun mưa cục bộ tại gốc, ở lần tưới đầu tiên khoảng 270 lít/gốc, qua 20 ngày tưới lại lần thứ 2 với mức 180 lít/gốc và sau đó chu kỳ 10 ngày tưới lại nên giảm được rất nhiều lượng nước thất thoát. Về kỹ thuật thâm canh, ông được hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ, trong đó có tận dụng phế phụ phẩm từ vỏ cà phê. Đối với việc sử dụng phân hóa học thì phối trộn phân đơn đối với ure, kali, phân dạng nước thì bón theo dạng hòa tan qua hệ thống châm phân tích hợp (bộ này lắp đặt khoảng hơn 1 triệu đồng). Nhờ thế, giảm được nhiều chi phí, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Ông Phạm Cao Cường - Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh cho biết, đóng góp mới của đề tài là đánh giá được thực trạng canh tác cà phê của nông dân huyện Khánh Sơn; cải tiến một số kỹ thuật trong công nghệ tưới tiết kiệm, đưa ra quy trình canh tác phù hợp giúp người dân tăng thu nhập và hướng tới sản xuất bền vững. Ngoài ra, kỹ thuật bón phân qua nước của đề tài so với kỹ thuật bón rãi mặt đất của người dân giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.  

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên của hội đồng kiến nghị cần chuyển giao quy trình của đề tài cho cơ quan khuyến nông các cấp ở huyện Khánh Sơn để nhân rộng mô hình.


Thương lái săn mua nếp Quýt trồng trên cao nguyên Lâm Đồng Thương lái săn mua nếp Quýt trồng trên… Lựa chọn cây trồng thích hợp vùng Bảy Núi Lựa chọn cây trồng thích hợp vùng Bảy…