Quy trình thực hành chăn nuôi lợn theo VietGAHP
1. Địa điểm:
Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ và chợ buôn bán tối thiểu 1km.
Có đủ nguồn nước sạch phục vụ chăn nuôi (CN) và xử lý môi trường.
2. Bố trí khu chăn nuôi
Trại CN phải có sơ đồ thiết kế, bảo đảm thông thoáng, phòng, chống cháy, nổ, dễ dàng vệ sinh, bảo đảm an toàn sinh học (ATSH), bố trí riêng biệt các khu chuồng, kho thức ăn, thuốc thú y, vật tư, công trình cấp nước và khu xử lý chất thải.
Trại CN phải có tường hoặc hàng rào bao quanh để kiểm soát được người, động vật và phương tiện ra, vào trại.
Tại cổng ra, vào và các khu chuồng nuôi phải bố trí hố hoặc khu vực khử trùng.
3. Chuồng nuôi và thiết bị chăn nuôi
Chuồng nuôi lợn phải được thiết kế phù hợp với từng lứa tuổi của lợn và mục đích sản xuất.
Máng ăn, uống dùng cho chăn nuôi lợn phải bảo đảm không gây độc và dễ vệ sinh, tẩy rửa.
Các thiết bị, dụng cụ sử dụng trong quá trình CN lợn phải bảo đảm an toàn và dễ vệ sinh, tẩy rửa.
4. Giống và quản lý chăn nuôi
- Giống phải có nguồn gốc rõ ràng.
-Lợn giống đưa từ bên ngoài vào trại phải bảo đảm khỏe mạnh và được nuôi cách ly theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
- Phải có quy trình CN cho từng giống lợn theo mục đích sử dụng và thực hiện đúng quy trình CN.
- Áp dụng phương thức quản lý “cùng vào – cùng ra” theo thứ tự ưu tiên là: Cả khu → từng dãy → từng chuồng → từng ô.
5. Vệ sinh chăn nuôi
- Trại phải có đầy đủ trang thiết bị và quy trình vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, bảo đảm ATSH.
- Tất cả mọi người khi vào trại phải mặc quần áo, giày dép bảo hộ phù hợp; thực hiện đầy đủ các biện pháp khử trùng trong trại; khi di chuyển trong trại theo thứ tự: Khu lợn cai sữa, nái, vỗ béo.
- Các phương tiện ra, vào trại đều phải thực hiện các biện pháp khử trùng.
- Có lịch và thực hiện định kỳ phun thuốc khử trùng: Trong chuồng nuôi phun 1 lần/tuần, ngoài chuồng nuôi phun 2 tuần 1 lần.
- Có lịch và thực hiện phát quang bụi rậm xung quanh khu chuồng nuôi; định kỳ vệ sinh hệ thống cống rãnh 1 lần/tháng.
- Sau mỗi đợt nuôi hoặc sau khi chuyển đàn phải rửa sạch và khử trùng chuồng, thiết bị trong chuồng và để trống chuồng ít nhất 7 ngày.
- Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong CN phải được tiêu độc, khử trùng thường xuyên.
6. Quản lý thức ăn và ước uống trong chăn nuôi
6.1. Quản lý thức ăn
- Sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm sạch, an toàn.
- Không sử dụng thức ăn có hoặc cho vào thức ăn CN các hóa chất, kháng sinh trong Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn CN gia súc, gia cầm tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.
- Thức ăn dự trữ phải được bảo quản trong kho bảo đảm khô ráo, thoáng, chống được động vật và côn trùng gây hại; không để quá hạn sử dụng.
- Có ghi chép đầy đủ và lưu giữ các thông tin về xuất, nhập và sử dụng thức ăn, các thông tin khi sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn.
- Thường xuyên kiểm tra và vệ sinh khu vực sản xuất thức ăn, kho chứa thức ăn và nguyên liệu thức ăn để tránh gây ô nhiễm.
6.2. Quản lý nước trong chăn nuôi lợn
- Nguồn nước cho CN lợn phải bảo đảm an toàn, định kỳ kiểm tra E.coli và Coliform.
- Có lịch và thực hiện kiểm tra thường xuyên hệ thống lọc, cấp nước cho trang trại CN lợn.
7. Quản lý vận chuyển
- Vận chuyển lợn giữa các trại hoặc xuất bán phải có phương tiện vận chuyển phù hợp.
-Trước và sau khi vận chuyển lợn, phương tiện vận chuyển phải được khử trùng.
8. Quản lý dịch bệnh
- Lập kế hoạch phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn. Có quy trình phòng bệnh, tẩy giun sán phù hợp cho các đối tượng lợn và thực hiện đúng quy trình.
- Có hồ sơ theo dõi đàn lợn về dịch bệnh, nguyên nhân phát sinh, các loại thuốc phòng và điều trị.
- Chỉ sử dụng các loại thuốc thú y có trong Danh mục quy định được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành.
- Khi có lợn ốm phải nhốt ra nuôi cách ly; khi phát hiện có dịch bệnh phải báo cho cán bộ thú y để có biện pháp xử lý, phải ngừng xuất giống, sản phẩm và vật tư sử dụng trong CN lợn ra ngoài trại.
9. Quản lý chất thải và bảo vệ môi trường
- Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày, chuyển đến nơi tập trung và xử lý theo quy định hiện hành, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
- Vị trí tập trung chất thải để xử lý phải để cuối trại, xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước, tránh tràn. Phải có quy trình xử lý chất thải trong trại CN.
- Chất thải lỏng phải được thu theo đường riêng vào khu xử lý chất thải và xử lý theo quy định của Nhà nước bảo đảm an toàn trước khi thải ra môi trường.
10. Kiểm soát động vật và côn trùng gây hại
Trại phải có kế hoạch kiểm soát động vật, loài gặm nhấm và côn trùng gây hại.
11. Quản lý nhân sự
- Trại cần có sơ đồ tổ chức, có quy trình xử lý khẩn cấp khi có sự cố và tai nạn xảy ra.
- Chủ trang trại phải thực hiện theo Luật Lao động đối với người lao động trong trại.
- Người lao động phải đủ sức khỏe, được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ và được khám sức khỏe định kỳ.
- Người lao động phải được tập huấn về quy trình chăn nuôi – thú y, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
12. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm
Trang trại CN lợn phải lập sổ, ghi chép, theo dõi và lưu trữ các thông tin trong quá trình CN. Cụ thể như sau:
- Thông tin chung của trại CN: Tên trại CN/chủ trại; địa chỉ; diện tích chuồng trại CN; sơ đồ chuồng nuôi.
- Ghi chép nhận nguyên liệu hoặc thức ăn: Ngày, tháng, năm nhập; loại thức ăn; số lượng; nguồn gốc; ngày và lô sản xuất; hạn sử dụng.
- Ghi chép xuất nguyên liệu, thức ăn: Ngày, tháng, năm xuất; loại thức ăn; số lượng; nguồn gốc; ngày sản xuất; hạn sử dụng.
-Ghi chép trộn thức ăn: Ngày, tháng, năm trộn; loại khẩu phần; dùng thuốc/chất bổ sung và liều lượng; khu trại, dãy chuồng hoặc ô chuồng sử dụng.
- Ghi chép mua/chuyển lợn: Ngày, tháng, năm mua/chuyển lợn; số lượng; nguồn gốc; giống lợn; lứa tuổi; tình trạng sức khỏe.
- Ghi chép kế hoạch phòng bệnh: Quy trình phòng bệnh của trại; ngày, tháng, năm sử dụng vắc xin; tên vắc xin; nguồn gốc vắc xin; ngày và lô sản xuất; liều lượng dùng cho các loại lợn; cách dùng.
-Ghi chép điều trị bệnh cho lợn: Ngày, tháng, năm lợn mắc bệnh; số lợn/hoặc số ô chuồng nuôi mắc bệnh; triệu chứng; bệnh tích (nếu có); ngày, tháng, năm điều trị; tên thuốc sử dụng; liều lượng, cách dùng; người điều trị; thời gian ngưng thuốc; kết quả điều trị.
- Ghi chép xuất, bán lợn: Ngày, tháng, năm xuất bán; loại lợn; số lượng bán ra (con); khối lượng; lý do; ngày tiêm phòng/trị bệnh lần cuối; loại vắc xin/thuốc thú y đã sử dụng lần cuối.
Tất cả các sổ ghi chép trên được theo dõi thường xuyên và được lưu trữ tại trại ít nhất 12 tháng.
13. Tự kiểm tra (Kiểm tra nội bộ)
- Chủ trang trại phải tổ chức tiến hành kiểm tra nội bộ ít nhất mỗi năm một lần.
- Việc kiểm tra phải được thực hiện bằng bảng kiểm tra đánh giá; sau khi kiểm tra xong, tổ chức, cá nhân CN hoặc kiểm tra viên có nhiệm vụ ky vào bảng kiểm tra đánh giá. Bảng tự kiểm tra đánh giá, bảng kiểm tra (đột xuất, định kỳ) của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải được lưu trong hồ sơ.
- Chủ trang trại CN phải tổng kết và báo cáo kết quả tự kiểm tra cho cơ quan quản lý chất lượng khi có yêu cầu.
14. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
- Tổ chức, cá nhân CN lợn phải có mẫu đơn khiếu nại khi khách hàng yêu cầu.
- Trong trường hợp có khiếu nại, tổ chức, cá nhân CN phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật và lưu đơn thư khiếu nại cũng như kết quả giải quyết vào trong hồ sơ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ