Rau An Toàn Câu Chuyện Về Chất Lượng Và Thị Trường
Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước có quy hoạch phát triển rau an toàn (RAT) với quy mô hàng ngàn ha. Nhưng đến nay, nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn, vậy chất lượng của RAT có thực sự bảo đảm như tên gọi.
Sản xuất RAT tại Đông Anh, Hà Nội
Rau an toàn… thực sự an toàn
Rau an toàn ở Hà Nội là an toàn, bằng chứng là chưa có vụ ngộ độc nào xảy ra liên quan đến loại rau này”, ông Nguyễn Duy Hồng - Chi Cục trưởng Chi Cục Bảo vệ thực vật Hà Nội - khẳng định về chất lượng RAT Hà Nội.
Đáp ứng 35% nhu cầu
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, tiến sĩ Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội - cho biết, nếu như các địa phương khác chủ yếu xây dựng các mô hình lẻ tẻ, thì Hà Nội là địa phương làm RAT quyết liệt nhất. Từ năm 2009, Hà Nội đã ban hành “Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT TP.Hà Nội giai đoạn 2009-2015”. Đến năm 2010, phê duyệt tiếp “Định hướng quy hoạch mạng lưới sản xuất RAT trên địa bàn thành phố đến năm 2020”.
Tính đến tháng 7/2014, toàn địa bàn Hà Nội đã có 5.000 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT, tăng 500 ha so với năm 2013. RAT được phân bố chủ yếu ở 116 xã trọng điểm, tập trung nhiều ở Văn Đức (Gia Lâm), Duyên Hà (Thanh Trì), Thanh Đa (Phúc Thọ), Vân Cồn (Hoài Đức), Vân Nội (Đông Anh)…
Theo ông Hồng, hiện nay, Hà Nội có khoảng 12.000 ha sản xuất được khoảng 600.000 tấn rau, nhưng nhu cầu của Hà Nội khoảng 1 triệu tấn. Với 5.000 ha sản xuất RAT, ước tính đã sản xuất được khoảng 350.000 tấn rau, chiếm 58% sản lượng sản xuất và đáp ứng 35% nhu cầu tiêu thụ rau xanh của Hà Nội.
Không “tắm” hóa chất
Về cơ bản, công nghệ sản xuất RAT phải đáp ứng các tiêu chí: Rau phải được trồng trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc BVTV, không sử dụng chất tổng hợp kích thích sinh trưởng, không sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm và không sử dụng thành phần biến đổi gen.
Ông Hồng cho biết, để giúp người dân nắm rõ các kỹ thuật trồng mới, bảo đảm an toàn, Chi cục BVTV Hà Nội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế RAT như sử dụng bả Protein để phòng trừ ruồi, chế phẩm Metavina phòng trừ bọ nhảy, bẫy bả chua ngọt phòng trừ sâu khoang… Nhờ đó, việc sử dụng thuốc hóa học độc hại trên rau được ngăn chặn từ gốc rễ.
Bên cạnh đó, chi cục đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn nông dân sản xuất được làm chặt chẽ. Hiện nay, theo ước tính của Chi cục BVTV cứ 2 ha RAT sẽ có 1 người giám sát.
Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho RAT, chi cục thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT; lấy mẫu rau phân tích để kiểm tra chất lượng. “Kết quả kiểm định chất lượng năm nay cho thấy, trong hơn 1.600 mẫu kiểm tra, chỉ có 0,8% mẫu rau tại vùng sản xuất có dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn tối đa cho phép” - ông Hồng nhấn mạnh.
Mặc dù RAT đang chiếm tỷ lệ lớn về diện tích và sản lượng trong sản xuất rau xanh tại Hà Nội, chất lượng được khẳng định, nhưng lại đang loay hoay với bài toán đầu ra. Người nông dân thì chưa được hưởng lợi cao từ sản xuất, còn doanh nghiệp đầu tư cũng chật vật thu hồi vốn. Vấn đề này sẽ được lý giải ở bài viết sau.
Theo Chi Cục BVTV Hà Nội: Qua kiểm tra thực tế việc sử dụng thuốc BVTV tại Văn Đức, Gia Lâm (Hà Nội) cho thấy, trong 20 loại thuốc nông dân sử dụng đều là thuốc trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, trong đó 80% là các loại thuốc có nguồn gốc sinh học (tự nhiên).
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ