Mô hình kinh tế Rau an toàn vẫn bí đầu ra

Rau an toàn vẫn bí đầu ra

Ngày đăng 16/09/2015

Rau an toàn vẫn bí đầu ra

Nhưng có một nghịch lý mà theo người nông dân Hà Nội cho biết thì rau an toàn do chính họ làm ra mới chỉ tiêu thụ được 30% tại hệ thống siêu thị, cửa hàng, trường học..., còn lại nông dân vẫn phải tự tiêu thụ trên thị trường.

Nông dân xã Yên Mỹ thu hoạch rau để mang đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối.

Từ xây dựng vùng chuyên canh

Nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn trong đó có rau sạch của người tiêu dùng là hoàn toàn chính đáng. Nhất là trong thời điểm hiện tại khi những chế tài xử phạt những vi phạm trong vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp còn bị xem nhẹ, dẫn đến những vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn đã và đang xảy ra thường xuyên hơn trên phạm vi cả nước.

Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hết quý I-2014, TP Hà Nội đã mở rộng vùng chuyên canh rau an toàn đạt 4.500 ha (được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn); 150 ha sản xuất rau an toàn theo VietGAP và 12 ha sản xuất rau hữu cơ, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu rau xanh của người dân hằng ngày, còn lại 40% phải nhập từ các địa phương khác.

Tuy nhiên, sau một năm, diện tích trồng rau an toàn của Hà Nội đã đạt con số hơn năm nghìn ha, sản lượng rau an toàn có thể đáp ứng gần như 100% nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.

Nhưng có một nghịch lý mà theo người nông dân Hà Nội cho biết thì rau an toàn do chính họ làm ra mới chỉ tiêu thụ được 30% tại hệ thống các kênh phân phối như Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Hà Nội, cửa hàng rau an toàn Tâm Đạt, một số khách hàng tại chợ đầu mối Phương Viên, các bếp ăn tập thể ở Hà Đông, còn lại nông dân vẫn phải tự tiêu thụ thông qua các thương lái.

Theo ghi nhận của phóng viên tại xã chuyên canh An Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội), thu nhập của người dân địa phương năm 2014 đã đạt xấp xỉ ngưỡng 30 triệu đồng/người/năm. Theo Chủ tịch UBND xã An Mỹ Trần Quang Khánh thì thu nhập từ rau an toàn mới chỉ chiếm 30% trong tổng thu của người dân địa phương, do đầu ra của rau an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn và người dân vẫn tự tiêu thụ là chính.

Khi được hỏi về quy trình sản xuất rau an toàn và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, ông Nguyễn Văn Hội ở xã Yên Mỹ cho biết:

Gia đình ông có ba sào ruộng trồng rau an toàn theo đúng quy trình từ bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật do hợp tác xã dịch vụ Yên Mỹ cung cấp, nhưng khi tiêu thụ, sản phẩm rau an toàn vẫn “bí” đầu ra, nên mỗi năm trừ chi phí gia đình ông chỉ có thể thu được 30 triệu đồng, trong khi nếu có đầu ra ổn định thu nhập sẽ lớn hơn gấp nhiều lần.

Không chỉ có nông dân xã Yên Mỹ gặp khó khăn trong tiêu thụ rau an toàn, mà cái khó còn đến với người dân xã Vân Nội, huyện Đông Anh và xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Tại các vùng chuyên canh rau an toàn tiềm năng và sản lượng rau rất lớn đủ sức cung cấp 100% rau sạch trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận.

Thế nhưng đã và đang có sự mất kiểm soát giữa rau an toàn và rau từ nơi khác chuyển đến, dẫn đến dù ở giữa vùng chuyên canh rau an toàn nhưng người dân Hà Nội vẫn phải đối diện nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm do không xác định được nguồn gốc.

Đến việc mở rộng thị trường

Để rau an toàn phát triển bền vững, ổn định đầu ra và thu nhập cho người nông dân, trong thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng được 300 điểm phân phối rau an toàn, 15 doanh nghiệp và 25 hợp tác xã tham gia sản xuất và kinh doanh rau an toàn. Thế nhưng, những nỗ lực này vẫn chưa đủ để rau an toàn có thể đến tận tay người tiêu dùng.

Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Đại Lan Đặng Bá Thắng, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì cho biết: “Rau an toàn tại hợp tác xã Đại Lan đã được gắn tem nhận diện, tuy nhiên việc tiêu thụ ổn định qua siêu thị và các doanh nghiệp là rất ít. Chưa kể, giá bán vẫn còn cao do chịu nhiều chi phí trung gian, chưa hấp dẫn người mua”.

Có một thực tế đang diễn ra tại hầu hết các điểm, xã hay nói đúng hơn là các vùng chuyên canh rau màu là người trồng rau an toàn vẫn phải tự bươn chải để tìm đầu ra cho sản phẩm, do đây là lĩnh vực kinh doanh chịu nhiều rủi ro vì hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch vẫn chưa được chú trọng nên không thu hút được doanh nghiệp đầu tư nếu như không muốn nói số doanh nghiệp đầu tư chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện vùng rau an toàn xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội) mới có Công ty Hương Cảng đầu tư hơn bảy tỷ đồng xây dựng khu sơ chế, bảo quản rau an toàn.

Song, đến thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa thể hoạt động hết công suất do lượng rau an toàn thu mua được còn thấp, chưa kể tâm lý của người tiêu dùng vẫn chưa tin lắm vào tem dán trên các sản phẩm rau an toàn do tình trạng hàng giả, hàng nhái gây nên.

Theo lý giải của các chuyên gia nông nghiệp thì một trong những nguyên nhân khiến rau an toàn vẫn “bí” đầu ra là do chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn trong suốt thời gian qua chỉ chú trọng đến việc lập dự án mới, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật sản xuất nhưng lại bỏ qua công đoạn quan trọng nhất là tuyên truyền, vận động, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người tiêu dùng biết và tìm đến sản phẩm rau an toàn của các hợp tác xã trên địa bàn thành phố.

Chính vì chưa có đầu ra ổn định, nên rau an toàn vẫn chỉ được xem là nguồn thu phụ trong bài toán kinh tế hộ gia đình của người nông dân ngoại thành Hà Nội.

Trong khi, nếu biết xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng thì chắc chắn người nông dân đã có thể làm giàu từ trồng rau an toàn.

Đã đến lúc cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương thông qua những chính sách ưu đãi về đất đai, về nguồn vốn để doanh nghiệp có thể đầu tư nhà xưởng, xây dựng bến bãi và đầu tư giống cây trồng giúp người nông dân yên tâm sản xuất từ đó tìm hướng đi cho rau an toàn hiệu quả.


Xuất khẩu điều lội ngược dòng Xuất khẩu điều lội ngược dòng Thị trường thanh long bị thao túng Thị trường thanh long bị thao túng