Rau Diếp Cá Lên Ngôi
Những ngày này, những người dân chuyên trồng rau diếp cá dưới chân ruộng ở xã Nhị Bình, huyện Châu Thành (Tiền Giang)rất phấn khởi, bởi loại rau này đang có giá rất cao. Sản phẩm làm ra không đủ cung cấpcho nhu cầu thị trường ở các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM.
Có thể thu 300 triệu đồng trên hecta
Từ một xã nghèo do chỉ trồng độc canh cây lúa, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay người dân xã Nhị Bình, huyện Châu Thành đã bắt đầu ăn nên làm ra. Nhiều người trước đây thiếu ăn 1-2 tháng trong năm thì nay đã trở nên khá, giàu. Điều gì đã tạo nên sự thay da đổi thịt đó? Tất cả là nhờ vào cây diếp cá - ông Trần Văn Giàu Chủ tịch Hội nông dân xã Nhị Bình cho biết như vậy!.
Ông Trần Văn Giàu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Bình, cho biết thêm: Cây rau diếp cá rất thích nghi với thổ nhưỡng của vùng đất này và cho năng suất khá cao. Toàn xã có 5 ấp, thì có đến 3 ấp trồng rau diếp cá với diện tích trên dưới 100ha để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh với số lượng lớn. Riêng ấp Đông B có đến 100% số hộ trồng rau diếp cáááá.
Trồng rau diếp cá đã trở thành nghề và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân ở đây. Hộ trồng ít khoảng 3-4 công, cá biệt có hộ trồng hơn 1 ha. Hiện nay, giá rau diếp cá lên đến 5.000- 5.300 đồng/kg, mức giá khá cao so với những năm gần đây. Theo nhiều hộ nông dân, tùy vào từng thời điểm và yếu tố cung cầu của thị trường mà rau diếp cá có giá cao hay thấp, nhưng nhìn chung giá rau luôn ổn định ở mức cao. Điểm thuận lợi của rau diếp cá so với nhiều loại rau màu khác là cho thu hoạch nhiều lần (4-5 lần) trong năm. Trung bình, trồng rau diếp cá lúc mới cấy sẽ cho thu hoạch sau 3-3,5 tháng và 2 tháng thu hoạch một lần đối với rau lưu gốc, tùy mức độ chăm sóc. Năng suất rau đạt hơn 2 tấn/công (1 công = 1.000m2); cá biệt có thể đạt đến 3 tấn/công, nếu trồng và chăm sóc đúng qui trình kỹ thuật. Tính ra, với mức giá 5.000- 5.300 đồng/kg như hiện nay, người trồng rau diếp cá thu nhập hơn 80 triệu đồng/ ha/ lần thu hoạch, cao gấp 5 lần so với trồng lúa và gấp đôi so với làm vườn ở vùng này. Như vậy, nếu trồng 1 ha rau diếp cá và thu hoạch 4 - 5 lần/năm, nông dân có thể thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm.
Anh Nguyễn Văn Út , ở ấp Đông B, một trong những hộ trồng rau có kinh nghiệm ở đây, cho biết: Tôi trồng 3.500m2, thu hoạch 7 tấn rau bán với giá 5.000 đồng/ kg, trừ chi phí còn lãi ròng hơn 30 triệu đồng. Tính ra tổng thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Để tránh cảnh dội hàng, ế chợ
Tuy vậy, theo người dân Nhị Bình, cũng có thời điểm giá cả rau diếp cá khá bấp bênh, nhiều lúc đến thu hoạch, giá rau xuống thấp, nông dân phải chất đống ở bờ ruộng, không tiêu thụ được. Nhưng phong trào chỉ thật sự nở rộ trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, bởi giá cả và thị trường tiêu thụ rau diếp cá dần ổn định theo hướng bền vững. Cây rau được cung cấp cho trong và ngoài tỉnh, nhất là TP Hồ Chí Minh để phân phối cho các nơi khác. Theo UBND xã Nhị Bình, suốt từ đầu năm tới nay, giá rau luôn đứng ở mức 5.000- 6.000 đồng/kg, nên người dân rất phấn khởi. Hiện nay diện tích trồng rau diếp cá đang tăng lên từng ngày. Thậm chí, một số hộ dân đã thay đất vườn kém hiệu quả để trồng loại rau này tại địa phương.
Ông Trần Văn Giàu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Bình cho biết thêm, xã đang triển khai xây dựng mô hình trồng rau diếp cá trên diện tích 20 ha, thu hút 70 hộ nông dân tham gia. Thông qua mô hình này, xã sẽ phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn và tập huấn cho bà con nông dân kỹ thuật trồng rau diếp cá, hướng tới việc hình thành tổ hợp tác trồng rau diếp cá chất lượng, an toàn phục vụ cho nhu cầu thị trường. Đồng thời, trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế, địa phương có kế hoạch nâng diện tích trồng rau diếp cá lên khoảng 200 ha trong toàn xã vào năm 2010. Trong khi phân nửa diện tích rau đang phát triển, thì nửa diện tích còn lại có vai trò dự bị. Chờ diện tích rau cỗi sẽ thay thế. Lợi ích trước mắt là rau trồng trên nền đất lúa sẽ phát triển tốt và ít thiệt hại hơn trên đất chỉ luôn trồng rau.
Theo bà con ở Nhị Bình, cây rau thường có giá vào mùa khô, thất giá vào mùa mưa và rớt giá vào những tháng mưa dầm, nên phải có cách bố trí thích hợp. Chẳng hạn, vào những tháng mưa dầm, thuận tiện cho sự phát triển của rau, bà con nên bắt đầu trồng. Đến khi lũ rút, giá rau lên cao cũng là lúc thu hoạch. Kế đó, rau sẽ cho thu hoạch vào mùa nắng gặp giá cao như hiện nay, càng thuận lợi hơn. Đến khi mùa mưa bắt đầu, bà con nên chọn diện tích rau phát triển, không bị cỗi, giữ lại bán cầm chừng cùng một ít làm giống. Đây là bí quyết của nhiều hộ nông dân để đề phòng giá rau diếp cá xuống thấp, đỡ gây thiệt cho người trồng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay phong trào trồng rau diếp cá của bà con Nhị Bình chủ yếu vẫn là tự phát, dựa vào kinh nghiệm tích lũy được, chưa được hỗ trợ kỹ thuật canh tác từ ngành nông nghiệp. Do đó, điều mong mỏi hiện nay của người dân là chính quyền địa phương cần nghiên cứu thành lập tổ hợp tác để liên kết những người trồng rau và tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rau diếp cá năng suất cao cho bà con. Có như thế mới góp phần giúp nghề trồng rau diếp cá ngày càng phát huy thế mạnh, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ