Tin nông nghiệp Rau sạch - đam mê và nản lòng

Rau sạch - đam mê và nản lòng

Tác giả Hùng Phiên, ngày đăng 07/09/2016

Rau sạch - đam mê và nản lòng

Rau thì phải… rẻ

Gần một năm qua, bà Ngô Thị Nhạn (ở thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, Phú Yên) quanh quẩn với mảnh vườn rau trái.

Chồng mất, các con đều lớn và đỡ đần hết việc làm ruộng, bà chỉ “trồng rau sạch cho tụi nó ăn”.

Bà Nhạn cho hay: “Tui bón lót bằng phân chuồng ủ kỹ.

Cũng “điểm điểm” chút phân urê, sau một tuần mới cắt ăn.

Tuyệt đối không dùng thuốc độc trừ sâu.

Sâu bọ ăn còn bao nhiêu thì… mình ăn.

Già rồi, đau bệnh đủ thứ, ăn cái gì cũng sợ.

Trước, tui cũng chẳng để ý chuyện rau cỏ, cứ mua đại về ăn nhưng bây giờ biết… sợ chết rồi!”.

Theo bà Nhạn, quanh vùng, người trồng rau trái để bán, thường dành riêng một luống để...gia đình ăn.

Đây là luống không phun thuốc độc, rau thường cằn cỗi hơn.

Bởi theo họ, “sâu bọ tràn lan, không phun thuốc độc để diệt thì làm lấy gì ăn?!”.

Mà dân vùng quê này cũng chả để ý gì chuyện “dư lượng thuốc độc”, cứ có ăn là được rồi, thấy rau đẹp thì càng thích…

Anh Trần Công Pháp - con bà Nhạn, buôn bán tạp hóa ở phường 1, TP.Tuy Hòa, Phú Yên, kể: “Trồng được thứ gì, má tôi đóng bao gửi cho gia đình mấy đứa con.

Ăn chưa kịp hết rau, bà đã gửi tiếp; tôi phải cho lại người quen và bán.

Thực tế ở địa phương này, chuyện tự trồng rau như nhà tôi bây giờ rất hiếm.

Nhiều người cũng biết, ăn rau chợ theo kiểu trồng lâu nay là có hại, thế nhưng cuộc sống vất vả, rồi cũng cứ ăn đại, cho đủ no qua bữa”.

Trong khi đó, tại vùng chuyên canh rau Bình Ngọc (Tuy Hòa), nhiều chương trình tập huấn trồng rau sạch đã được triển khai trong những năm qua và hầu hết nông dân ở đây đã nắm bắt, ứng dụng thành thạo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Ngọc, 13.000m2 rau VietGAP tại đây mỗi năm cho ra khoảng 110 tấn rau các loại, với việc người trồng rau chỉ sử dụng các chế phẩm vi sinh, luôn ghi chép nhật ký ngày giờ bón phân, phun thuốc...

Ngoài ra, làm rau VietGAP còn phải chịu chi phí kiểm nghiệm thường xuyên, rau phải tưới và rửa bằng nước sạch, có nhãn mác nguồn gốc hẳn hoi.

Tính ra, chi phí 1kg rau VietGAP cao hơn rau bình thường ngoài chợ từ 500 - 1.000 đồng.

“Nhọc công như vậy nhưng vì giá cao nên các quầy rau VietGAP Bình Ngọc đều bị...ngó lơ.

Hợp tác xã cho người đến từng các bếp ăn tập thể ở bệnh viện, trường học, các nhà hàng...

để mời chào cũng đều bị lắc đầu vì giá cao.

Hiện tại, nông dân Bình Ngọc đang nhập bán cho Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa khoảng 120kg/ngày; còn lại hơn 3 tấn/ngày phải tự tìm đầu ra tại các chợ truyền thống, “ngang vai” với các loại rau đại trà.

Không trụ được với rau VietGAP, nhiều nông dân Bình Ngọc đang trở lại sản xuất rau an toàn” - ông Anh buồn bã.

Bà Trần Thị Hạnh- một người làm rau ở Bình Ngọc, than: “Làm rau theo tiêu chuẩn VietGAP mà phải bán “cào bằng” với rau bình thường, ai mà không đau! Vì lỗ công nên nhiều người đã nản trồng rau sạch.

Người tiêu dùng bảo là rau thì phải rẻ, chứ đâu như cá thịt mà mà mắc dữ!”.

Những người “bám trụ”

Đã có nhiều dự án trồng rau sạch được triển khai nhưng rồi “đầu voi, đuôi chuột”.

Bởi các khâu kiểm nghiệm gắt gao, chi phí đầu vào cao nhưng chỗ đứng cho rau sạch vẫn chưa tương xứng.

Ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục kiên trì với các chương trình phổ biến phương pháp trồng, ủng hộ các mô hình rau sạch...”.

Ông Nguyễn Văn Hân - Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản

Giữa năm 2016, giới “thạo rau” ở Tuy Hòa thấy xuất hiện 2 điểm treo biển bán rau củ sạch.

Nhưng rồi nhìn qua nhìn lại, một điểm đã đóng cửa, chỉ còn lại cửa hàng rau sạch Mộc Đức (ở khu phố Lương Văn Chánh, phường 5, Tuy Hòa).

Khi phóng viên đến Mộc Đức, thấy bà chủ Nguyễn Thị Thanh Nga đang lủi thủi một mình: “Ế lắm anh ạ, dù giá chẳng cao hơn ở chợ là bao.

Cũng giới thiệu quảng cáo đủ kiểu nhưng người mua rất thưa thớt.

Cả nhà ai cũng nản nhưng đứa cháu ở Đà Lạt rất quyết tâm, động viên bám trụ.

Nó tìm đến các đầu mối rau sạch lấy hàng, và sẵn nhà có xe tải nên cũng đỡ chi phí vận chuyển.

Thôi thì cũng không dám nhập hàng nhiều, vì rau sạch phải bảo quản rất tốn kém.

Cố trụ được ngày nào hay ngày đó”.

Tại một ngọn đồi 2ha ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, ông Huỳnh Ngọc Trúc (58 tuổi) đang ngày ngày mò mẫm trồng rau sạch.

Nhưng sản phẩm làm ra chỉ đóng gói bán tận Sài Gòn.

“Bán ở trỏng mới có người mua, mới có lãi.

Chứ dân quanh vùng này, nghe giá rau của tôi đều lè lưỡi!”.

Kề đó, tại xã An Chấn (Tuy An), anh Phạm Minh Mẫn (39 tuổi) đang đầu tư hàng tỷ đồng làm 1ha nhà kính để trồng, chế biến các loại rau sạch.

Anh còn đầu tư Trạm dừng chân Hoa Vàng, với mục đích giới thiệu các công đoạn trồng rau sạch, chế biến phục vụ khách.

“Tôi làm đủ nghề rồi, có chút vốn thì tâm nguyện đổ vào rau sạch.

Rất nhiều vốn liếng đã bỏ ra nhưng tôi không tiếc, vì thấy mục tiêu của mình có ý nghĩa” - anh Mẫn bộc bạch.


Hội NDVN - JICA - Chia sẻ định hướng hỗ trợ nông nghiệp, nông dân Hội NDVN - JICA - Chia sẻ định… Cảnh giác với sắc hoa vàng quyến rũ của cây tử thần Cảnh giác với sắc hoa vàng quyến rũ…