Tin nông nghiệp Rau sạch trên phố núi

Rau sạch trên phố núi

Tác giả Trần Đăng Lâm - Lam Giang, ngày đăng 30/09/2017

Rau sạch trên phố núi

Khi đời sống kinh tế không còn quá khó khăn, khi các loại thực phẩm bị "tắm" bởi hóa chất thì người tiêu dùng đã nghĩ đến việc dùng thực phẩm sạch, trong đó có rau - món ăn không thể thiếu trong cơ cấu bữa cơm của từng gia đình.

Chăm sóc thủ công tại vườn rau sạch của Cty Quế Lâm Tây Nguyên

Trước tiên là giống sạch

Rất nhiều bà nội trợ tìm mua sản phẩm rau sạch thông qua các kênh như mua từ người quen, mua từ các cửa hàng uy tín, thậm chí là... tự trồng. Tuy nhiên liệu những sản phẩm được cho là "sạch" ấy có đảm bảo an toàn ngay từ những bước đầu tiên? Theo đó, tiêu chí đầu tiên của các nhà vườn làm rau sạch ở Tây Nguyên là phải chọn giống sạch.

Cty TNHH Quế Lâm Tây Nguyên trước đây chỉ kinh doanh sản phẩm phân bón mang thương hiệu Quế Lâm. Tuy nhiên mới đây, đơn vị này đã đưa vào sản xuất rau sạch với diện tích 2ha, ngay tại khuôn viên Cty.

"Bên cạnh việc mở rộng kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động thì việc làm rau sạch là đi theo nhu cầu tất yếu của thị trường. Mình làm ra sản phẩm phân hữu cơ vi sinh, vậy tại sao không làm ra sản phẩm rau hữu cơ để cung cấp cho thị trường?", Giám đốc Cty, ông Võ Việt Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng thì việc trước tiên trong việc trồng rau sạch là phải chọn giống. Giống ở đây phải là giống sạch, được nhập về từ những đơn vị sản xuất, cung ứng giống có chứng nhận trên cả nước. Vườn rau 2ha với khoảng gần 20 chủng loại rau củ quả các loại, tất cả đều được nhập giống từ những trung tâm giống cây trồng có uy tín trong nước.

Nông dân Nguyễn Ngọc Hoàng, người sở hữu trên 3ha rau sạch, được trồng bằng công nghệ cao (ở xã An Phú, TP Pleiku, Gia Lai) thì cho rằng, chất lượng giống là cực kỳ quan trọng. Nông dân ta có thói quen là khi thu hoạch, chọn những cây nào to khỏe thì lấy giống, phơi và cất kỹ, để dành cho mùa gieo hạt tới.

"Là trước kia rau sạch thật, bởi không có thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước chưa bị ô nhiễm. Cũng là do trước kia chưa có những trung tâm nghiên cứu và chuyển giao giống rau đảm bảo chất lượng. Còn bây giờ, thói quen tự chọn giống theo kinh nghiệm nên bỏ, nếu muốn làm rau sạch", anh Hoàng nêu quan điểm như trên bởi theo anh, hiện có không ít nhà vườn vì muốn chạy theo lợi nhuận, đã không tiếc tiền vào việc "tắm" thuốc bảo vệ thực vật cho rau.

Rau sạch trưng bày ở cửa hàng thực phẩm sạch tại Pleiku

Theo đó, lượng hóa chất độc hại tồn dư trong hạt là rất lớn, nếu lấy những hạt ấy làm giống thì sẽ đầu độc vườn rau vụ sau. "Rau như vậy không thể gọi là sạch, mặc dù quá trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đúng quy trình", anh Hoàng khẳng định.  

Chăm sóc thủ công

Khái niệm "công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp", xem ra không được tiếp nhận nồng nhiệt ở những vườn, những trang trại trồng rau sạch ở Gia Lai- ít nhất là đến thời điểm này. Chỉ với 2ha, nhưng vườn sau sạch của Cty TNHH Quế Lâm Tây Nguyên phải thuê hẳn kỹ sư Nông nghiệp chuyên ngành, tuyển mộ cả những nông dân có kinh nghiệm nhiều năm trong việc trồng rau.

Theo ông Hùng, Giám đốc Cty thì việc chăm sóc vườn rau ở đây thực hiện nghiêm quy định "5 không": Không dùng thuốc cỏ, không dùng chất kích thích, không dùng thuốc bảo quản sau thu hoạch... Đến thăm vườn rau, tận mắt thấy công nhân (là những nông dân chuyên trồng rau) nhổ cỏ bằng tay, bắt sâu bằng tay, nếu nhiều sâu thì dùng chế phẩm sinh học. Phân bón thì dùng phân hữu cơ vi sinh do chính đơn vị sản xuất... Rau ở đây không mơn mởn như những vườn rau thông thường, nhưng là rau sạch.

Đến thăm vườn rau sạch của anh Nguyễn Mộng Hoàng, không khỏi ngỡ ngàng bởi sự hiện đại đến... choáng ngợp, đến lộng lẫy: Trên 3ha được khép kín bởi hệ thống nhà lồng hiện đại, gần chục chiếc quạt gió to như... màn ảnh chiếu bóng thời bao cấp quay vù vù lấy ô-xy, rồi hệ thống tưới béc phun, giàn treo... Trên 3ha được sắp đặt hết sức khoa học theo từng khu vực trồng rau - củ - quả.

Vườn rau sạch gia đình anh Nguyễn Ngọc Hoàng

Anh Hoàng nêu quan điểm: "Nói làm rau sạch thì không nên áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cứ làm thủ công như ông cha ta vẫn làm là nói... liều, là phản khoa học. Chính những tiến bộ của khoa học kỹ thuật này đã giúp rất nhiều cho vườn rau của gia đình tôi. Tuy nhiên vẫn phải nói rằng: Ở một số công đoạn, tốt nhất vẫn nên chăm sóc theo phương thức thủ công truyền thống".

Với suy nghĩ trên nên chỉ với trên 3ha rau, gia đình anh Hoàng phải thuê tới 17 người lao động, thường xuyên làm việc trong vườn. Ở những vườn rau thông thường, những công đoạn như nhổ cỏ, bón phân, thu hoạch... tất cả đều được làm bằng máy, tiết kiệm được thời gian và nhân công. Còn ở vườn rau nhà anh Hoàng, từ khâu bắt sâu, nhổ cỏ đến bón phân, thu hoạch... tất tần tật đều dựa vào những đôi tay cần mẫn của những người có thâm niên trồng rau ở vựa rau An Phú này. "Tuy chi phí bị đẩy lên cao, nhưng làm rau sạch là phải vậy!", anh Hoàng nói.

Do giá thành cao nên sản phẩm rau sạch trồng ở Gia Lai lại tiêu thụ rất ít trên chính mảnh đất trồng ra nó. Ông Hùng cho biết, sản phẩm rau sạch của Cty chủ yếu tiêu thụ ở Hà Nội, TP.HCM... 2ha hiện có chỉ là bước thử nghiệm, nếu thành công, Công ty sẽ triển khai với quy mô lớn ở huyện Mang Yang. Tuy nhiên với tình hình tiêu thụ khó khăn, việc mở rộng quy mô trồng rau sạch của Cty vẫn còn ở phía trước.

Xem ra, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, để sản phẩm thực phẩm sạch không còn xa lạ với mỗi căn bếp, mỗi mâm cơm của mỗi gia đình.


Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu Phát triển ngành điều bền vững gắn với… Có thu nhập cao nhờ sớm chuyển từ lợn sang nuôi bò BBB Có thu nhập cao nhờ sớm chuyển từ…