Mô hình kinh tế Rùa bò trên đất lúa chuyển đổi

Rùa bò trên đất lúa chuyển đổi

Ngày đăng 18/07/2015

Rùa bò trên đất lúa chuyển đổi

Chuyển đổi nhưng chưa rõ thị trường

Tháng 4.2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 580 về việc hỗ trợ tiền chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các cây màu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là khu vực trọng tâm với 112.000ha cần chuyển đổi trong vòng 2 năm (2014-2015), song trên thực tế, diện tích chuyển đổi toàn khu vực còn rất thấp. Ông Cao Văn Hóa- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Hiện chúng tôi chủ yếu mới chuyển đổi theo mô hình luân canh lúa- màu (chủ yếu là rau, dưa giống), ngô để ăn với diện tích khoảng 2.000ha, còn ngô để làm thức ăn chăn nuôi hiện hầu như không chuyển đổi được”.

Theo ông Hóa, sở dĩ việc chuyển đổi diện tích ngô chuyên dùng làm thức ăn chăn nuôi (TACN) chưa đạt hiệu quả là do vấn đề cơ giới hóa còn khó khăn, các doanh nghiệp tham gia thu mua còn ít, giá cả còn bấp bênh, nên người dân chưa mấy mặn mà và nếu trồng ngô thì không thể luân canh được, mà phải có đất chuyên trồng ngô.

Một vấn đề nữa, theo ông Hóa là chuyển đổi nhưng chúng ta cũng phải tính tới vấn đề thị trường, chứ như hiện nay tỉnh nào cũng chuyển đổi, toàn sang trồng rau, màu rồi khi thu hoạch sẽ biết bán ở đâu. Bởi lúa còn trữ được, nhưng rau màu thì không thể để được lâu.

Là tỉnh có diện tích trồng lúa hàng năm lên tới 500.000ha, nên sản lượng lúa dư thừa hàng năm của Đồng Tháp rất lớn. Tuy vậy, cho đến nay toàn tỉnh mới chuyển sang trồng được có 4.000ha ngô, trong đó chỉ có khoảng 2.000ha ngô làm TACN, còn lại là ngô nếp dùng để ăn. Ông Nguyễn Văn Công- Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp cho biết: “Ngoài ngô, chúng tôi cũng chuyển được 6.000ha trồng mè, còn đậu tương thì giảm mạnh chỉ còn 700ha. Về cơ bản trồng ngô và mè đều có hiệu quả cao hơn trồng lúa từ 1,5-2,5 lần”.

Kéo dài Quyết định 580 đến năm 2020

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), tình hình chuyển đổi đất lúa sang trồng các cây trồng (hàng năm) khác đang được thực hiện mạnh ở cả 3 miền. Tại miền Bắc, năm 2014 đã chuyển đổi được 17.150ha. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, thu nhập gấp 5-10 lần so với trồng lúa, một số mô hình đạt 400-500 triệu đồng/ha, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.

Còn khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã chuyển được 10.276ha, chủ yếu là các diện tích khô hạn, đem lại lợi nhuận từ 1,5 đến 3 lần so với trồng lúa, doanh thu hàng năm bình quân 100 triệu đồng/ha, hơn hẳn so với trồng lúa.

Đặc biệt, tại ĐBSCL, đến nay toàn vùng đã chuyển đổi được 78.000ha từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đậu tương, vừng, khoai lang, dưa, rau các loại được hưởng hỗ trợ tiền mua giống theo Quyết định 580, trong đó chủ yếu là chuyển đổi sang cây rau màu (trên 18.000ha), mè (vừng) gần 12.000ha, riêng ngô chỉ chuyển đổi được trên 6.000ha. Các tỉnh có diện tích chuyển đổi lớn là Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, An Giang, Cần Thơ… Kế hoạch năm 2015 các tỉnh thành phố vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục chuyển đổi khoảng 80.000ha gieo trồng lúa sang trồng cây màu.

Tuy nhiên, cho đến nay các địa phương đang gặp khó khăn do chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Quyết định 580. Trước thực tế này, ông Cao Văn Hóa cho rằng: “Nhà nước nên sớm bố trí kinh phí hỗ trợ chuyển đổi theo Quyết định 580, đồng thời nên kéo dài chính sách này để khuyến khích bà con nông dân thực hiện chuyển đổi”.

Theo ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt: “Mục tiêu của Bộ NNPTNT là, đến năm 2020 sẽ thực hiện chuyển đổi 700.000-800.000ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ NNPTNT đang hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi chi tiết, xác định rõ vùng, vụ chuyển đổi tập trung; cải tạo hệ thống thủy lợi cho phù hợp chuyển đổi sang trồng cây màu”.

Cũng theo ông Trung, Bộ NNPTNT đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tiền giống theo Quyết định 580 để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, ngoài khu vực ĐBSCL, mở rộng thêm các vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. 

Cụ thể, đối tượng áp dụng là hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân. Phạm vi áp dụng, từ vụ hè thu 2015 đến hết năm 2020. Cây trồng chuyển đổi được hỗ trợ các cây trồng hàng năm. Mức hỗ trợ sẽ bao gồm: Hỗ trợ chi phí về giống để chuyển đổi, với giống ngô không vượt quá 3 triệu đồng/ha, giống cây trồng hàng năm khác không vượt quá 2 triệu đồng/ha. Trên cùng diện tích chuyển đổi chỉ được hỗ trợ một lần.  


Trồng tiêu ở đất Bình Quế Trồng tiêu ở đất Bình Quế Sâu đục thân mình trắng tàn phá vườn cà phê Sâu đục thân mình trắng tàn phá vườn…