Sạ thưa, lãi dầy
Để khắc phục tình trạng trên, vụ HT 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ và Sở NN-PTNT Phú Yên thực hiện mô hình nhân giống cấp xác nhận 1.
Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng và phát triển mô hình liên kết SX, tiêu thụ hạt giống xác nhận 1 của một số giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao tại các tỉnh miền Trung”, được thực hiện tại 2 xã An Thạch và An Định (huyện Tuy An).
Ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ cho biết: “Nông dân Phú Yên vẫn còn gieo sạ với mật độ cao, từ 180 - 200 kg/ha và dùng giống kém chất lượng, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trong SX đại trà chỉ chiếm từ 30 - 40%.
Mục tiêu của dự án nhằm làm giảm mật độ sạ xuống không quá 100 kg giống/ha và sử dụng các giống lúa xác nhận, nguyên chủng để nâng cao hiệu quả SX”. Mô hình SX giống lúa xác nhận 1, giống ĐV108 được thực hiện tại HTXNN An Thạch với diện tích 25 ha.
Mật độ gieo sạ áp dụng trong mô hình 6 kg/sào (500 m2), tương đương 120 kg/ha, ruộng ngoài mô hình làm đối chứng sạ 160 kg/ha. Ngoài ra, dự án còn trình diễn mô hình sạ lượng giống còn ít hơn, chỉ từ 80 -100 kg/ha (4 - 5 kg/sào 500 m2), áp dụng phương pháp sạ hàng.
Nông dân Nguyễn Ngọc Châu, người trực tiếp tham gia mô hình, bộc bạch: “Lần đầu tiên sạ lượng giống ít như thế tui vừa làm vừa run, cứ sợ lúa sẽ không kín ruộng. Đến khi thấy cây lúa phát triển kín mít mới tin”. Theo nông dân tham gia mô hình, giống ĐV108 có TGST chỉ 95 ngày, ngắn hơn 5 ngày so với giống đối chứng.
Đây cũng là giống lúa đang SX đại trà tại địa phương. Mặc dù mật độ sạ thấp, nhưng tỷ lệ nảy mầm của giống lúa trong mô hình cao hơn đối chứng. Thạc sỹ Nguyễn Đức Thọ, GĐ Trung tâm Tư vấn và chuyển giao công nghệ nông nghiệp (Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ) nhận định, nguyên nhân làm tăng tỷ lệ nảy mầm là do chất lượng giống nguyên chủng tốt.
Chiều dài bông lúa của ruộng áp dụng mật độ gieo sạ thưa dài hơn so với bông lúa của ruộng đối chứng (mật độ 160 kg/ha). Trong đó, mật độ gieo sạ 80 kg/ha có chiều dài bông cao nhất đạt 26 cm, trong khi đó bông lúa trong ruộng đối chứng chỉ dài 22 cm.
“Nhờ đó, năng suất bình quân của ruộng trong mô hình đạt 73,40 tạ/ha, ruộng đối chứng dù sạ dày hơn nhưng chỉ đạt 69,02 tạ/ha. Không chỉ vậy, lúa trong mô hình ít nhiễm sâu bệnh hơn so với ruộng đối chứng.
Lợi nhuận ruộng trong mô hình tăng so với ruộng đối chứng khoảng 7 - 8 triệu đồng/ha”, ông Thọ cho biết thêm. HTXNN An Định Đông, xã An Định cũng thực hiện mô hình SX giống lúa xác nhận 1 giống ML 48 với diện tích 25 ha.
Tương tự mô hình SX giống ĐV108 ở xã An Thạch, mô hình SX giống ML 48 cũng được sạ chỉ 6 kg/sào (500 m2), tương đương 120 kg/ha. Bên cạnh đó, dự án còn trình diễn 2 điểm SX với lượng giống gieo sạ thấp hơn, chỉ 4 - 5 kg/sào với phương thứ sạ hàng. Ruộng đối chứng sạ giống ML 202 với mật độ 160 kg/ha. “
Đối với diện tích trong mô hình, số hạt chắc/bông thể hiện rõ ảnh hưởng của mật độ gieo sạ. Mật độ sạ 80 kg/ha cho số hạt chắc trên bông cao nhất, đạt 80 hạt/bông, vượt trội so với ruộng đối chứng chỉ đạt 72 hạt/bông.
Năng suất ở ruộng mô hình đạt khoảng 64,35 tạ/ha, cao hơn so với ruộng đối chứng từ 4,8 - 6,5 tạ/ha”, ông Thọ cho hay.
Nông dân Lưu Thanh Toàn trực tiếp tham gia mô hình SX giống lúa ML 48, cho biết: “Những diện tích trong mô hình càng sạ ít giống càng có lãi nhiều hơn, nhờ giảm chi phí giống, vừa ít tốn tiền mua thuốc BVTV vừa thuận lợi chăm sóc lúa. Mô hình cho thấy hiệu quả rõ rệt về "3 giảm 3 tăng".
Khoản lãi tăng thêm nhờ năng suất ruộng trong mô hình cao hơn ruộng đối chứng; thêm vào đó, giá lúa xác nhận 1 bán được 6.300 đ/kg, lúa thương phẩm chỉ có giá 5.500 đ/kg nên nông dân tham gia mô hình được tăng thêm lãi”.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ