Sẵn Sàng Vào Vụ Ép Mía
Nhằm giúp người trồng mía có những thông tin về công tác chuẩn bị, tình hình giá cả, chính sách thu mua, cũng như những kế hoạch sản xuất trong vụ mía 2014-2015, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Ngoan (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), xung quanh những vấn đề mà bà con nông dân quan tâm hiện nay.
Thưa ông, hiện công tác chuẩn bị cho vụ ép mía năm nay được Casuco thực hiện ra sao ?
- Đến thời điểm này, Casuco đã ký kết hoàn tất hợp đồng bao tiêu tiêu thụ mía với người nông dân. Tổng sản lượng ký kết trên 1,2 triệu tấn mía, đạt 101% kế hoạch ban đầu đề ra. Diện tích bao tiêu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bao gồm huyện Phụng Hiệp (454.840 tấn), TX.Ngã Bảy (52.000 tấn), TP.Vị Thanh (171.400 tấn), huyện Long Mỹ (3.240 tấn). Ngoài Hậu Giang, Casuco còn triển khai ký kết ở một số địa phương khác như: huyện Gò Quao (Kiên Giang) 74.120 tấn, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) 416.430 tấn, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) 39.710 tấn. Giá sàn bao tiêu mía 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng nhà máy/xí nghiệp của công ty là 830 đồng/kg.
Bên cạnh công tác ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân, thời gian qua, Casuco cũng tiến hành sửa chữa các trang thiết bị máy móc. Hiện tại, công việc này đã thực hiện xong, sẵn sàng cho ngày vào vụ ép mía. Theo đó, thời gian vào vụ ép mía của 2 nhà máy đường thuộc Casuco là: Nhà máy đường Phụng Hiệp bắt đầu hoạt động từ ngày 17-9, riêng Xí nghiệp đường Vị Thanh sẽ vào vụ trễ hơn từ 1-3 ngày. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì năm nay Casuco vào vụ sớm hơn 3-5 ngày.
Xin ông cho biết cụ thể về giá thu mua mía và các chính sách mà Casuco sẽ áp dụng trong vụ mía 2014-2015 ?
- Mặc dù Casuco đã đưa ra giá sàn bao tiêu, tuy nhiên, nhằm chia sẻ những khó khăn với người trồng mía và để bà con có được lợi nhuận, sau khi tính toán chi phí đầu tư mà nông dân đã bỏ ra, đồng thời căn cứ vào giá đường trên thị trường, Casuco đã quyết định mức giá thu mua cụ thể trong vụ mía này như sau: giá mía 10 CCS tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp là 880 đồng/kg và tại Xí nghiệp đường Vị Thanh là 905 đồng/kg. Như vậy, nếu so với giá bao tiêu thì Casuco đã mua cao hơn từ 50-75 đồng/kg.
Trường hợp mía trên 10 CCS thì mỗi 1 CCS tăng, Casuco sẽ cộng thêm 10 đồng/kg; ngược lại, đối với mía dưới 10 CCS thì mỗi 1 CCS giảm sẽ trừ 7 đồng/kg. Casuco không thu mua mía dưới 7 CCS, trường hợp đã qua cân thì thanh toán với giá 600 đồng/kg; mía dưới 6 CCS thì thanh toán 500 đồng/kg. Ngoài ra, những hộ có phiếu hợp đồng bao tiêu thì công ty sẽ mua cao hơn 5 đồng/kg so với những hộ không có hợp đồng.
Theo ông, trong vụ sản xuất 2014-2015, ngành mía đường sẽ gặp những khó khăn gì ?
- Vụ mía đường 2014-2015, được dự báo là ngành mía đường phải đối diện với nhiều thách thức, đó là: giá đường trên thị trường liên tục sụt giảm, nếu đầu vụ 2013-2014, giá bán sỉ ở mức 14.500-15.000 đồng/kg thì hiện tại chỉ còn 12.000-12.500 đồng/kg.
Giá bán thấp cộng với việc tiêu thụ khó khăn nên lượng đường tồn kho tại các nhà máy rất lớn. Hiện cả nước còn tồn kho khoảng 356.000 tấn, với số lượng này phải mất 3 tháng mới tiêu thụ hết, đây là một áp lực không nhỏ cho ngành mía đường khi một vụ ép mía tiếp theo chuẩn bị đi vào hoạt động. Chính việc giá đường ở mức thấp đã kéo theo giá thu mua mía của nông dân trong vụ mía vừa qua không cao, từ đó bà con không quan tâm chăm sóc cho cây mía nhiều như trước nên năng suất mía vụ này được dự đoán sẽ không cao.
Bên cạnh đó, việc tổ chức vận động người dân trồng mía trong vùng đê bao liên kết để bơm chống lũ vẫn chưa nhận được sự đồng tình nhiều, từ đó, tình trạng bán mía non chạy lũ sẽ tiếp tục diễn ra. Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại của mặt hàng đường vẫn chưa được kiềm chế nên khả năng giá đường sẽ khó tăng trong thời gian tới;…
Nhằm tháo gỡ khó khăn để hoàn thành kế hoạch sản xuất của vụ mía 2014-2015, hiện Casuco có những giải pháp và kiến nghị gì, thưa ông ?
- Để vụ mía 2014-2015 hoàn thành theo dự kiến, hạn chế rủi ro, tăng thu nhập cho người dân, Casuco đang phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch khoanh vùng thu hoạch mía, đồng thời vận động người dân ưu tiên thu hoạch các giống mía chín sớm trước như: ROC 16 hay QĐ93-159, sau đó hãy đến các giống chín trung bình và chín muộn.
Để mía đạt năng suất và chữ đường tốt nhất khi thu hoạch, Casuco đề nghị chính quyền các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân chủ động bơm nước tại các khu vực đã có đê bao nhằm kéo dài thời gian sinh trưởng và có thể lưu gốc vụ sau, giảm giá thành sản xuất.
Xây dựng cho người dân ý thức việc trồng và thu hoạch mía trong điều kiện ngập lũ, tránh quan điểm thu hoạch mía chạy lũ nên phải bán mía non. Khuyến khích người dân bán mía trực tiếp cho nhà máy để giảm bớt khâu trung gian, tăng lợi nhuận; đốn mía theo tiến độ thu mua của nhà máy để bán được mía tươi, chữ đường không bị giảm trong quá trình chờ bến.
Trong tình hình giá đường xuống thấp, việc sản xuất mía của người dân sẽ có lợi nhuận không cao, do đó, đề nghị UBND tỉnh có kiến nghị lên Chính phủ, bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng mía. Đồng thời, có giải pháp mạnh hơn trong việc ngăn chặn đường nhập lậu, gian lận thương mại để tạo điều kiện nâng giá đường trong nước và nâng giá thu mua mía cho người dân…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ