Sản Xuất Cá Ngừ Theo Chuỗi Giá Trị
Để nghề sản xuất cá ngừ phát triển hiệu quả và bền vững, cần tạo sự thay đổi căn bản trong ngành sản xuất, từ “sản xuất định hướng” sang “thị trường định hướng” nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường đối với các loại sản phẩm có giá trị gia tăng.
Sáng 2/4, Bộ NNPTNT phối hợi với tỉnh Phú Yên tổ chức Diễn đàn “Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị”.
Giàu tiềm năng nhưng giá trị thấp
Tổng cục Thủy sản cho biết khai thác cá ngừ đại dương du nhập vào Việt Nam từ năm 1994. Loài cá được tập trung khai thác chính là cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn với trữ lượng lên tới 600.000 tấn, trong đó: nhóm cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to có trữ lượng trung bình hơn 45.000 tấn, khả năng khai thác cho phép trên dưới 20.000 tấn/năm; cá ngừ vằn chiếm trữ lượng lớn, khả năng khai thác cho phép tới 200.000 tấn/năm.
Tuy hình thành muộn, nhưng tốc độ phát triển nghề này khá nhanh cả về số tàu thuyền và trình độ công nghệ. Đến năm 2013, có khoảng 3.500 chiếc (chiếm 14% tàu cá xa bờ) với hơn 35.000 ngư dân khai thác cá ngừ đại dương trên vùng biển xa. Bên cạnh nghề câu vàng truyền thống, từ lúc nghề câu tay kết hợp ánh sáng phát triển, năng suất khai thác vượt trội. Năm 2013 sản lượng cá ngừ vây vàng, mắt to đạt gần 16.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 526 triệu USD, thị trường chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản…
Sản phẩm cá ngừ hiện đã trở thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu đứng thứ 3 của Việt Nam sau tôm và cá ba sa. Tuy nhiên hạn chế lớn của nghề khai thác cá ngừ ở chỗ ngư dân còn đánh bắt đơn lẻ, dịch vụ hậu nghề cá chưa phát triển, vốn vay cho tàu đánh bắt cá ngừ ít, việc tổ chức khai thác, thu mua, chế biến còn nhiều hạn chế, nhất là công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.
Ông Phan Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản cho rằng đây là những nguyên nhân khiến chất lượng sản phẩm cá ngừ hiện nay bị giảm; tổn thất sau thu hoạch còn cao; chỉ 5-6% cá ngừ câu tay và chỉ 30-40% cá ngừ câu vàng đạt tiêu chuẩn làm sản phẩm sashimi xuất khẩu bằng đường hàng không.
Bên cạnh đó, người khai thác cá ngừ cũng mới chỉ quan tâm đến năng suất và lợi nhuận mà chưa quan tâm đến nhu cầu của thị trường để tăng giá trị sản phẩm.
Mấu chốt là nâng chất lượng
Để nâng cao chất lượng cá ngừ, các nhà khoa học khuyến cáo ngư dân nên thành lập thêm các tổ đoàn kết, các mô hình thu mua, vận chuyển, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển nhằm giảm tối đa thời gian từ khi khai thác đến lúc đưa cá vào bờ bán. Các tàu câu cá ngừ có sử dụng đèn cao áp phải thu câu chậm nhằm hạn chế sự giẫy giụa của cá, sau đó sơ chế và ngâm hạ nhiệt độ nhanh, tiếp đến là ướp bằng đá xay và đưa vào hầm bảo quản.
Đại diện Công ty Yanmar, Nhật Bản, cho rằng chất lượng con cá là yếu tố mấu chốt tác động đến giá cả sản phẩm. Chất lượng tốt thì giá sẽ cao và quan trọng hơn là đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản cũng như các nước khác. Vì vậy, trong quá trình sản xuất cá ngừ cần chú trọng làm lạnh, cấp đông ngay sau khi kéo cá lên tàu và ngay cả khi đưa lên bờ nhằm giảm tối đa sự phân hủy, tăng chất lượng cá; chú trọng đầu tư hầm bảo quản tốt hơn, nguồn nước đá sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh.
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia và nhà khoa học thống nhất nên tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị của sản phẩm từ khai thác, thua mua, chế biến và tiêu thụ. Theo lãnh đạo Tổng tục Thủy sản, các ý kiến đóng góp tại diên đàn sẽ góp phần hoàn thiện Đề án “tổ chức khai thác, thua mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” đang được Tổng cục Thủy sản hoàn thiện để trình Chính phủ cho ý kiến.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ