Tin nông nghiệp Sản xuất chè an toàn VietGAP

Sản xuất chè an toàn VietGAP

Tác giả Ánh Ngọc, ngày đăng 01/06/2016

Sản xuất chè an toàn VietGAP

Đầu tư cho sản xuất an toàn

Hà Nội hiện có 3.200ha chè, tập trung chủ yếu ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ… Tuy nhiên, phần lớn chè này đều có dấu hiệu già cỗi, năng suất thấp, chất lượng kém. Trong khi đó, hệ thống, thiết bị bảo quản, chế biến, đóng gói đều thiếu đồng bộ và lạc hậu. Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến sản phẩm chè của Hà Nội kém sức cạnh tranh, giá trị xuất khẩu thấp. Trước hiện trạng đó, để vực dậy ngành chè Hà Nội, Trung tâm bắt tay vào triển khai Đề án sản xuất và tiêu thụ chè an toàn bằng nhiều giải pháp cụ thể.

Theo đó, Trung tâm đã tập trung vào giải pháp thay thế bằng các giống chè mới, năng suất, chất lượng cao và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ông Lê Đình Long – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Long Phú (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai), cho biết, toàn bộ chè của xã là giống chè PH1 được trồng từ những năm 1990, nên việc ứng dụng công nghệ tưới đồng bộ đã cải thiện đáng kể chất lượng chè sau chế biến. Còn tại vùng chè Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), đến nay, Trung tâm đã thay thế được 104ha bằng các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao như: Phúc Vân Tiên, LDP. Sau hơn 3 năm, loại chè này đã cho thu hoạch sản phẩm với chất lượng tốt. Tiếp đến, Trung tâm đầu tư nâng cao trình độ cho lực lượng cán bộ quản lý và nông dân. Thông qua các lớp tập huấn, trang bị cho nông dân những kiến thức cơ bản để tăng năng suất, chất lượng chè, tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh ATTP.

Cần cơ chế hỗ trợ

Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP bền vững là cơ hội mang lại lợi nhuận cao, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Do đó, Trung tâm đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình sản xuất, tiêu thụ chè an toàn với hệ thống, quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Với quy trình này, bắt buộc nông dân phải có sổ ghi chép theo dõi quá trình sản xuất: Đốn tỉa, bón phân, phun thuốc BVTV, tưới nước, thu hái, chế biến, tiêu thụ, và hạch toán... Để đảm bảo chất lượng giống, Trung tâm đã lựa chọn Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc là đơn vị cung ứng giống chè cho nông dân. Bên cạnh đó, Trung tâm liên hệ với các DN uy tín cung ứng phân bón, thuốc BVTV cho nông dân đảm bảo đúng thời gian, tiến độ và thời vụ sản xuất.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, mô hình thâm canh chè VietGAP cho năng suất chè khô tăng từ 300 - 400 kg/ha/năm, giá trị tăng 20 - 30% so với sản xuất chè đại trà. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chè của Hà Nội mới đạt bình quân chưa đến 200 triệu đồng/ha/năm đang thấp so với các vùng chè khác trên cả nước. Trong khi đó, sản phẩm chè an toàn dù đã đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định nhưng việc sản xuất, tiêu thụ vẫn chưa thành hệ thống đồng bộ và giá sản phẩm cũng không ổn định. Đáng nói, khâu tiêu thụ sản phẩm chè an toàn giữa các hộ nông dân, HTX với DN đã được kết nối, song kết quả chưa đạt như mục tiêu đề ra.

Bà Hoàng Thị Hòa – Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội kiến nghị, TP cần xây dựng cơ chế ưu đãi khuyến khích các DN tham gia đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè an toàn Thủ đô. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối cung - cầu, từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm chè an toàn. Đặc biệt, TP có chính sách đầu tư xây dựng trạm cấp nước tập trung, hỗ trợ thiết bị bơm, tưới nước cho nông dân tại các địa phương trồng chè đang gặp khó khăn về nguồn nước.

"Bước đầu các mô hình sản xuất chè an toàn trên địa bàn đã đạt được 4 mục tiêu cơ bản: Diện tích, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để Sở NN&PTNT tiếp tục đề xuất TP đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè an toàn trong những năm tiếp theo. (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc)


Làm VietGAP để vực dậy ngành chè Làm VietGAP để vực dậy ngành chè Trái cây Việt sẽ phá kỷ lục 1,8 tỷ USD Trái cây Việt sẽ phá kỷ lục 1,8…