Mô hình kinh tế Sản Xuất Lúa Nhật Hàng Hóa Cần Sự Vào Cuộc Từ Nhiều Phía

Sản Xuất Lúa Nhật Hàng Hóa Cần Sự Vào Cuộc Từ Nhiều Phía

Ngày đăng 17/02/2014

Sản Xuất Lúa Nhật Hàng Hóa Cần Sự Vào Cuộc Từ Nhiều Phía

Gần đây, Công ty TNHH An Ðình đã đưa giống lúa Nhật vào tỉnh Thái Bình cho nông dân sản xuất, đồng thời thu mua lại ngay sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, sự vào cuộc của một vài doanh nghiệp không thể đủ mạnh để xây dựng được các vùng sản xuất lúa Nhật hàng hóa một cách bền vững, do đó cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cấp, ngành chức năng và bà con nông dân.

Trong những năm gần đây, năng suất lúa toàn tỉnh gần như đã kịch trần về năng suất cả ở vụ xuân và vụ mùa, do đó việc chuyển đổi cơ cấu giống là một trong những giải pháp để giúp bà con nông dân nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Gần đây, Công ty TNHH An Ðình đã đưa giống lúa Nhật vào tỉnh cho nông dân sản xuất, đồng thời thu mua lại ngay sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, sự vào cuộc của một vài doanh nghiệp không thể đủ mạnh để xây dựng được các vùng sản xuất lúa Nhật hàng hóa một cách bền vững, do đó cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cấp, ngành chức năng và bà con nông dân.

Tiềm năng giống lúa Nhật

Năm 2005, các giống lúa Nhật đã được Công ty TNHH An Ðình đưa vào tỉnh sản xuất và thu mua lại sản phẩm thóc tươi ngay sau khi nông dân thu hoạch. Ngoài Công ty An Ðình, hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số công ty đưa nhiều giống lúa Nhật vào các địa phương sản xuất, như giống Hana Akita Komach, J01, J02...

Thực tế cho thấy, giống lúa Nhật được sản xuất trong tỉnh khoảng 10 năm trở lại đây, trước năm 2011 diện tích chưa nhiều, khoảng 200 - 300 ha/năm, tập trung ở một số xã của Kiến Xương.

Tuy nhiên từ năm 2011 đến nay diện tích lúa Nhật đã tăng lên khá cao, năm 2011 toàn tỉnh gieo cấy 855 ha, năm 2012 là 770 ha, nhất là năm 2013 đã đạt 1.286 ha, tăng gấp 4 lần so với năm 2010.

Nếu so với một số giống lúa nằm trong cơ cấu của tỉnh thì giống lúa Nhật thấp cây đến trung bình, chịu thâm canh, chịu lạnh tốt và có khả năng chống chịu được nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn. Ðiển hình như giống Koshihirari cực ngắn ngày, thời gian sinh trưởng ở vụ xuân dưới 115 ngày, vụ mùa dưới 90 ngày.

Chính vì vậy, giống lúa Nhật có thể gieo cấy sớm ở vụ xuân và muộn ở vụ mùa nhưng vẫn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Gạo giống lúa Nhật tròn dẻo như gạo nếp và có hàm lượng dinh dưỡng cao, rất tốt khi dùng để nấu cháo cho trẻ, phụ nữ mới sinh. Vì vậy, trước đây sản phẩm lúa Nhật được thu mua để xuất khẩu.

Ngoài những ưu điểm trên, giống lúa Nhật còn được sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ ngay từ đầu vụ. Trước đây chỉ có Công ty TNHH An Ðình thu mua, đến nay đã có thêm 2 doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho bà con nông dân, như Công ty cổ phần Lương thực Thái Ðan, Công ty TNHH Hưng Cúc. Năm 2010, sản lượng thu mua qua hợp đồng mới đạt gần 900 tấn, năm 2011 và 2012 đã đạt hơn 2.000 tấn và năm 2013 đạt trên 3.000 tấn.

Sản xuất lúa Nhật chưa bền vững

Mặc dù diện tích và sản lượng lúa Nhật được gieo cấy, thu mua năm sau tăng hơn năm trước, nhưng xét về lâu dài và sự bền vững của giống lúa hàng hóa này thì vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Trước hết, diện tích gieo cấy ở mỗi hộ ít, trình độ thâm canh không đồng đều nên khả năng đầu tư và tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, nông dân dựa vào kinh nghiệm là chính chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn.

Ðể tiết kiệm chi phí đầu vào, nhiều HTX và nông dân đã tự ý nhân giống sử dụng, do đó đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng gạo ở vụ sau.

Ở một số HTX khi chỉ đạo không kiểm soát được quy trình sản xuất của nông dân; đồng thời chưa nắm được liều lượng, chủng loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khi nông dân sử dụng nên khó tạo sự đồng đều về chất lượng gạo Nhật. Ngoài ra, nhiều lúc doanh nghiệp còn phó mặc cho HTX về chỉ đạo thực hiện quy trình kỹ thuật nên có những vụ bị phá vỡ vùng sản xuất.

Chính vì vậy, nhiều nơi đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp từ việc cung ứng giống, tập huấn quy trình sản xuất, đến bao tiêu sản phẩm, nhưng đến khi thu hoạch thì nông dân và doanh nghiệp vẫn còn những vướng mắc không thỏa thuận được, dẫn đến mạnh ai người ấy làm.

Mặc dù giống lúa Nhật cơ bản được các doanh nghiệp phối hợp với các HTX và nông dân tổ chức sản xuất, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế. Thực tế cho thấy mức bán theo hợp đồng trung bình trong 4 năm gần đây chưa đạt được 50% so với sản lượng thu hoạch, chỉ có 2 vụ trong năm 2010 và 2013 là đạt trên 50%. Nguyên nhân do gạo không bảo đảm chất lượng hoặc gạo đạt chất lượng ngon, nông dân đã giữ lại ăn, làm quà biếu…

Theo khảo sát và đánh giá của ngành Nông nghiệp, lúa Nhật cần tiếp tục được mở rộng và đưa vào trong bộ giống chủ lực để tạo thương hiệu gạo Thái Bình. Tuy nhiên để làm được việc này, trước hết các cấp, ngành chức năng cần xác định rõ mục tiêu sản xuất lúa gạo hàng hóa, trong đó có giống lúa Nhật. Theo đó cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể…

Ðồng thời tạo được thị trường ổn định, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, do đó cần kêu gọi, hỗ trợ, tạo điều kiện về thị trường, tài chính, nhà kho, bến bãi… để các doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa Nhật với nông dân. Ðặc biệt là vùng nguyên liệu phải ổn định, không để xảy ra tình trạng lúc thừa sản phẩm, lúc thiếu, có như vậy doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư sản xuất.

Ngoài ra cần phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ xã, HTX và nông dân về sản xuất hàng hóa, thị trường, kỹ thuật sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cần rà soát, quy hoạch diện tích sản xuất giống lúa Nhật để có biện pháp tuyên truyền, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển giống lúa này trên đồng ruộng Thái Bình. Vụ xuân năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 1.382 ha lúa Nhật, trong đó Hưng Hà 130 ha, Quỳnh Phụ 104 ha, Ðông Hưng 248 ha, Tiền Hải 296 ha…


Đồng Bằng Sông Cửu Long Trồng Thêm 10.000 Ha Cây Ăn Quả Chất Lượng Cao Đồng Bằng Sông Cửu Long Trồng Thêm 10.000… Gần 90% Người Trồng Khoai Phải Mua Dây Giống Gần 90% Người Trồng Khoai Phải Mua Dây…