Sản xuất lúa tôm nông dân đang gặp khó
Tuy nhiên, do năm nay thời tiết diễn biến bất thường, mưa ít, nắng hạn kéo dài làm cho bà con gặp khó trong khâu rửa mặn, dẫn đến thiệt hại đáng kể trong vụ lúa đợt này.
Năm nay, nắng nóng kéo dài, dẫn đến vụ lúa trên đất nuôi tôm không đạt hiệu quả.
Ông Dương Quốc Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): “Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino, đến cuối tháng 10 mưa có thể kết thúc.
Ngay từ đầu vụ lúa - tôm, nông dân đã gặp khó trong khâu rửa mặn do lượng mưa ít, độ mặn vẫn còn, đến khi cấy lại tiếp tục gặp nắng nên nhiều trà lúa trên đất nuôi tôm chết dần, gây thiệt hại đáng kể cho bà con”.
Theo chỉ tiêu đề ra, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, toàn tỉnh sẽ gieo cấy khoảng 43.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Thới Bình, U Minh và một phần diện tích của huyện Trần Văn Thời, Cái Nước và TP.
Cà Mau.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới chỉ gieo cấy được hơn 12.000ha, đạt 26,7% kế hoạch.
Ghi nhận tại các địa phương, năm nay thời tiết bất thường, mưa ít, người dân không chủ động được nguồn nước để rửa mặn; thêm vào đó mạ cấy xuống đất vuông tôm gặp lúc nắng kéo dài, dẫn đến lúa chết hàng loạt.
Trà lúa - tôm của anh Bùi Văn Xiêm đang chết dần.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình, vụ lúa tôm năm nay, huyện lên kế hoạch thực hiện 25.000ha.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn huyện chỉ mới xuống giống được khoảng 10.000ha; nguyên nhân do thời tiết năm nay không thuận lợi, dự báo huyện sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đến ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình vào thời điểm này, hỏi thăm về tình hình vụ lúa - tôm năm nay, đa phần bà con đều lắc đầu và cho rằng, trên 10 năm kể từ khi thực hiện vụ lúa trên đất nuôi tôm thì chưa có năm nào thiệt hại nặng nề như năm nay.
Dưới cái nắng oi bức, anh Bùi Văn Xiêm vừa đi thăm đồng về, trên khuôn mặt lộ rõ vẻ buồn bã.
Anh Xiêm cho biết: “Hơn 1ha lúa trên đất nuôi tôm của gia đình năm nay mất trắng, tôi vừa bơm nước vào vuông để tôm lên ăn phần lúa còn sót.
Đây cũng là tình hình chung của người dân trong ấp, đa phần thiệt hại khoảng trên 80%”.
Hơn 3 năm nay gia đình anh Lê Văn Vũ (ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) thực hiện trồng lúa trên đất nuôi tôm, tuy nhiên đều không đạt hiệu quả, vì thế gia đình anh cũng sinh ra nản chí.
Ông Nguyễn Đình Chiểu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Phú: “Chỉ tiêu năm nay, toàn xã triển khai 750ha lúa - tôm, tuy nhiên đến nay chỉ được 150ha.
Qua thống kê, đã có 10ha thiệt hại trắng, còn lại thì thiệt hại từ 60 - 70%.
Thực tế, những năm đầu mới chuyển dịch, người dân trồng lúa và nuôi tôm đều đạt hiệu quả cao, khoảng 3 năm gần đây thì việc thực hiện vụ lúa trên đất nuôi tôm rất khó khăn.
Nguyên nhân có thể là do bà con chưa thực hiện tốt khâu rửa mặn, chưa chủ động được nguồn nước ngọt để rửa mặn mà phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.
Năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, nắng kéo dài, dẫn đến vụ lúa trên đất nuôi tôm không đạt hiệu quả”.
Không chỉ riêng anh Xiêm mà đa phần vụ lúa - tôm của bà con ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, đều thiệt hại từ 60 - 70%, có hộ thiệt hại trắng.
Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Đây là năm Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng El Nino.
Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, những địa phương xuống giống trễ và rơi vào thời điểm nắng nóng kéo dài thì thiệt hại khá nặng nề.
Do đó, ở các địa phương có hệ thống thủy lợi khép kín, đủ điều kiện về ngăn mặn giữ ngọt, chủ động rửa được phèn thì sản xuất có hiệu quả.
Lưu ý bà con cần chọn giống theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, chọn giống lúa chịu phèn, mặn cao để đưa vào sản xuất đạt hiệu quả.
Cán bộ khuyến nông - khuyến ngư cơ sở cần tăng cường hỗ trợ bà con trong khâu kỹ thuật, giúp bà con hạn chế thiệt hại trong sản xuất”.
Thực tế đã qua, nhiều năm chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, đời sống người dân vùng chuyển dịch được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, người dân đang chịu nhiều thiệt hại trong sản xuất.
Mong rằng, các cơ quan chuyên môn sớm vào cuộc “cứu” nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ