Sản xuất lúa vụ hè thu cần tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn
Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 7.552 ha lúa, với tổng sản lượng ước đạt trên 46.500 tấn. Để đảm bảo đạt kế hoạch đề ra, Sở Nông nghiệp - PTNT khuyến cáo các địa phương không gieo cấy lúa trên những diện tích bị ngập nước ở địa bàn các huyện như Krông Nô, Chư Jút, Đắk R’lấp…
Các địa phương cần căn cứ vào lịch nông vụ và kinh nghiệm sản xuất từ các năm trước để bố trí lịch thời vụ gieo cấy hợp lý, tránh ngập úng giữa vụ và hạn cuối vụ. Đồng thời, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, chuyển đổi những diện tích trồng lúa không phù hợp sang cây trồng khác có hiệu quả hơn như ngô, khoai lang, đậu, rau xanh…
Trên cơ sở bố trí lịch thời vụ và tập quán gieo cấy ở mỗi địa phương, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nên gieo sạ tập trung trong 15 ngày (từ ngày 15/5 đến ngày 31/5) nhằm đảm bảo kết thúc thu hoạch trước ngày 5/9, chậm nhất ngày 10/9 để tránh mưa lũ cuối vụ. Còn đối với các huyện có tập quán gieo sạ muộn như Đắk Mil, Đắk Song, các địa phương cần đôn đốc nông dân gieo cấy tập trung, không kéo dài thời vụ, gây nguy cơ sâu, bệnh hại cho các vụ sau và nên kết thúc gieo cấy vào ngày 20/6.
Về cơ cấu giống, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các nông dân cần xác định các giống lúa chủ lực, phù hợp với điều kiện địa phương, thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày để gieo sạ tập trung, theo một trà nhằm sử dụng nước tiết kiệm, đảm bảo thời vụ và tăng hiệu quả sản xuất.
Theo đó, cơ cấu diện tích chiếm khoảng 60% – 70% là giống lúa lai, lúa thuần, có năng suất, chất lượng cao như RTV, IR 64, OMCS 2000, VND95 – 20, Syn 6, BiO404, VT404, Nghi hương 2308, BTE-1, Kim ưu 725, TH 3-3, HT1…
Bên cạnh đó, bà con chỉ nên sử dụng giống dài ngày như giống lúa lai Nhị ưu 838 ở vùng đủ nước và giống chịu hạn CH207 ở vùng thiếu nước; sử dụng giống lúa xác nhận, lượng giống gieo sạ từ 120 -140 kg/ha đối với giống thuần, còn từ 40 –50 kg/ha đối với giống lúa lai.
Để tuân thủ cách gieo sạ tốn ít giống, cán bộ kỹ thuật, đơn vị chuyên môn cần hướng dẫn nông dân cải tiến kỹ thuật, áp dụng biện pháp sạ đơn để giảm tối đa lượng giống gieo, tăng hiệu quả sản xuất, giảm khả năng phát sinh sâu bệnh hại.
Cùng với đó, nông dân cần tăng cường áp dụng rộng rãi quy trình “3 giảm, 3 tăng” (ICM), kỹ thuật gieo sạ tập trung, nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng), áp dụng biện pháp quản lý dịch hại IPM… để kiểm soát chặt tình hình phát sinh, phát triển của dịch hại, đặc biệt là rầy nâu, bệnh vàng lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn.
Các cấp, ngành chuyên môn cần thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở, bám đồng ruộng, theo dõi diễn biến thời tiết, dịch hại cũng như hướng dẫn nông dân chăm sóc, bón phân dựa vào nhu cầu thâm canh của từng giống lúa, xác định lượng phân bón theo đặc điểm đất đai và từng thời kỳ bón phân cho phù hợp.
Theo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh, để vụ lúa vụ hè thu năm nay đạt kết quả như kế hoạch đề ra, hiện nay, các cấp, ngành, địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác khuyến nông, triển khai các mô hình sản xuất, khảo nghiệm các giống cây trồng mới, xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh cây lúa ở các địa phương. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương cũng đang đẩy mạnh công tác quản lý việc kinh doanh, cung ứng các giống lúa trên địa bàn, tổ chức các đợt kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời những sai phạm trong lĩnh vực này để chấn chỉnh, đảm bảo chất lượng giống khi đến tay người nông dân được đảm bảo.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ