Mô hình kinh tế Sản xuất mía nâng chữ đường, nâng thu nhập

Sản xuất mía nâng chữ đường, nâng thu nhập

Ngày đăng 18/07/2015

Sản xuất mía nâng chữ đường, nâng thu nhập

Niên vụ mía 2015 - 2016, toàn tỉnh xuống giống gần 11.500ha, hiện mía trong giai đoạn từ 6 - 7 tháng tuổi và đang phát triển tốt. Tuy nhiên, bước vào thời điểm đầu mùa mưa như hiện nay, nhiều bà con trồng mía lại cảm thấy lo lắng vì tình trạng mưa to kèm theo gió lớn làm cho mía bị đổ ngã nên CCS giảm đáng kể khi đến ngày thu hoạch. Ông Nguyễn Xuân Đại, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Năm nay, thời tiết rất bất thường. Hầu hết, đám mưa nào cũng có gió lớn nên làm cho nhiều nơi mía bắt đầu xiêu vẹo, với tình hình này, tôi sợ đến ngày thu hoạch (gần 2 tháng nữa) sẽ không còn cây nào đứng thẳng”.

Theo nhiều nông dân trồng mía, khi mía bị đổ ngã thì rễ của mía bắt đầu mọc ra, chồi non sẽ mọc lên để bắt đầu một quá trình sinh sống mới, khi đó CCS trong mía giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, hiện các nhà máy đường đều mua mía dựa vào CCS, nếu CCS cao (từ 10 CCS trở lên) thì mua giá cao và cộng thêm tiền khi mỗi CCS tăng, còn ngược lại sẽ mua giá thấp. Chính vì vậy, nông dân rất sợ mía bị đổ ngã và kéo dài trước ngày đốn.

Mặc dù hiện có không ít bà con lo lắng mía đổ ngã, thế nhưng chuyện này đối với ông Nguyễn Văn Trí, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, thì vô cùng an tâm. Bởi, gần 2ha mía của gia đình ông nhờ áp dụng phương pháp vô chân mía kỹ càng ngay từ đầu vụ. Ông Trí cho biết: “Trước đây, tâm trạng của tôi cũng giống như mọi người lúc này, tuy nhiên những năm gần đây, nhờ được Casuco tập huấn kỹ thuật, nhất là được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ những vùng mía lân cận mà bản thân đúc kết được kinh nghiệm sản xuất mía hiệu quả như hiện nay”.

Theo đó, để mía không bị đổ ngã do mưa bão hay gió to, vào thời điểm đưa đất vào chân mía ở lần đầu tiên (khoảng 3 tháng sau trồng), ông Trí tiến hành vệ sinh sạch lá ủ, sau đó bơm sình thật nhiều và mướn người đạp đất thật dẽ vào gốc mía để bộ rễ mía phát triển, tạo cứng cây. Ngoài ra, ông Trí còn thường xuyên đánh lá mía nhằm tạo sự thông thoáng cho gió lùa qua. Ông Trí cho biết thêm: “Mỗi khi cây mía có từ 4 - 5 lá ủ là tôi tiến hành đánh lá một lần, việc làm này tuy có tốn công nhưng bù lại cho hiệu quả rất nhiều, nhất là chữ đường luôn đạt cao do mía không bị sâu bệnh, đổ ngã hay bị lẫn tạp chất khi thu hoạch”.

Bên cạnh tìm giải pháp để mía hạn chế bị đổ ngã làm mất CCS, hiện bà con còn áp dụng việc bón phân đúng cách và thu hoạch mía đúng thời gian nhằm nâng cao chữ đường cho cây mía. Bởi theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, người trồng mía nên ngưng bón phân từ 5 - 6 tháng trước khi thu hoạch để có CCS đạt ở mức cao. Tuy nhiên, trước đây vẫn có nhiều hộ, mía còn khoảng 2 tháng thu hoạch vẫn đem phân ra rải, nhất là urê. Việc làm này, sẽ làm giảm chữ đường đáng kể do mía chứa nhiều nước, trong khi nhà máy hay thương lái mua mía chỉ căn cứ trên chữ đường mà quyết định giá cả. Do đó, hiện bà con đã hạn chế vấn đề này, luôn áp dụng quy trình bón phân theo khuyến cáo của nhà máy đường, đặc biệt tăng cường bón kali vào giai đoạn cuối.

Ông Nguyễn Văn Quốc, ở cùng ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, chia sẻ: “Hiện nay, đa phần người dân nơi đây không còn sử dụng phân tự pha trộn như trước mà sử dụng phân chuyên dùng (pha sẵn) do Casuco giới thiệu. Tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây mía mà có loại phân chuyên dùng khác nhau nên rất thuận tiện. Và cũng từ khi dùng loại phân chuyên dùng mà CCS có trong cây mía của bà con nơi đây luôn đạt trên 10 CCS, năng suất mía hơn 150 tấn/ha, cho nguồn thu nhập tương đối”.

Xác định nâng 1 CCS là góp phần nâng thu nhập cho người trồng mía, thời gian qua khi chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, Casuco đều tổ chức khoảng 40 buổi trình diễn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu một số giống mía mới triển vọng, những cải tiến trong sản xuất, nhất là mô hình “2 giảm 5 phải” do Casuco khởi xướng đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cho cây mía. Anh Võ Quân Vũ, Phó Giám đốc Bộ phận khuyến nông Casuco, cho biết: “2 giảm là: giảm lượng giống, giảm thất thoát sau thu hoạch; 5 phải là: phải bón phân kali, áp dụng cơ giới hóa, tưới đủ nước vào mùa nắng, đánh lá, thu hoạch đúng thời điểm và đúng cách. Với mô hình này, đã từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, từ đó tạo ra cây mía đảm bảo năng suất và chất lượng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và doanh nghiệp”.

Cũng theo anh Vũ, từ đầu vụ đến nay, Bộ phận khuyến nông của Casuco đã tổ chức được hơn 70% số buổi tư vấn cho nông dân theo kế hoạch, chủ yếu tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, bón phân và chăm sóc mía. Đặc biệt, từ nay đến cuối vụ, là thời điểm chuẩn bị và bước vào thu hoạch mía, do đó việc tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu hoạch mía như thế nào đạt năng suất và CCS được xem là nhiệm vụ trọng tâm của công ty.

Theo khuyến cáo của Casuco, người dân nên thu hoạch mía đúng độ tuổi của từng loại giống nhằm đảm bảo năng suất và CCS. Bởi qua thử nghiệm tại vùng mía Phụng Hiệp đối với giống ROC 16, nếu mía thu hoạch đủ tuổi sẽ đạt năng suất ít nhất 100 tấn/ha, với chữ đường 10 CCS, trong khi thu hoạch mía non từ 8 - 9 tháng thì năng suất chỉ đạt khoảng 80 tấn/ha và chữ đường chỉ là 8 CCS. Như vậy, thu hoạch sớm thì nông dân sẽ mất đi một khoản thu nhập khá lớn, còn doanh nghiệp phải chạy lỗ do lượng đường thu được khá ít.


Hồ tiêu liên tiếp được mùa, được giá Hồ tiêu liên tiếp được mùa, được giá Xuất hiện nhiều sâu bệnh hại trên cây trồng Xuất hiện nhiều sâu bệnh hại trên cây…