Tin thủy sản Sản xuất nhiều vaccine mới cho cá

Sản xuất nhiều vaccine mới cho cá

Tác giả Hà An (tổng hợp), ngày đăng 12/01/2018

Sản xuất nhiều vaccine mới cho cá

Sử dụng vaccine cho cá là đưa vào cơ thể cá kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên gần giống với vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết. Khi vào cơ thể cá, kháng nguyên sẽ kích thích sự đáp ứng của hệ miễn dịch đặc hiệu của cá chống lại các tác nhân gây bệnh bảo vệ cơ thể.

Tiêm vaccine cho cá   Ảnh: ST

Ngày nay, vaccine đã được sử dụng khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là các khu vực nuôi cá hồi công nghiệp của các nước Bắc Âu, Chilê, Canada… Vaccine hiện đang có mặt trên thị trường chống lại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn bao gồm Vibrio (Listonella anguillarum, Vibrio ordalii), bệnh xuất huyết (Edwardsiella ictaluri), bệnh trắng đuôi (Flavobacterium Columnarae), bệnh do vi khuẩn Streptococcus iniae, Lactococcus garviae (Sommerset et al., 2005). Hầu hết các loại vaccine chống vi khuẩn thường được bào chế dạng vaccine sống, giảm độc lực hoặc vaccine bất hoạt.

Đối với virus, có thể kể đến đầu tiên là vaccine chống lại virus gây hoại tử cơ quan tạo máu ở cá hồi (IPN) đang được sử dụng trong nhiều năm. Tiếp theo là vaccine cho họ rhabdovirus, vaccine cho virus gây bệnh xuất huyết trên cá (VHSV) cũng có sẵn thương mại. Mới đây, các nhà nghiên cứu Italia đã nghiên cứu thành công vaccine chống lại Betanodavirus - tác nhân gây bệnh hoại tử thần kinh trên cá.

Vaccine chống lại virus gây bệnh hoại tử thần kinh

Betanodavirus là một loại virus được phân loại trong họ Nodaviridae. Đây là tác nhân gây bệnh hoại tử thần kinh (NNV) hết sức nguy hiểm trên các loài cá biển, hằng năm vẫn gây thiệt hại rất lớn cho các quốc gia trên thế giới. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã sử dụng các chủng Betanodavirus bất hoạt làm kháng nguyên, chất tiêm chủng được bổ sung các chất bổ trợ hoặc thuốc ức chế miễn dịch. Kết quả cho thấy các chế phẩm bất hoạt của Betanodavirus được tiêm trong màng bụng của cá chẽm có thể gây ra sự nhận biết mầm bệnh đặc hiệu và bảo vệ miễn dịch. Ngoài ra, việc sử dụng vaccine bằng cách ngâm và cho ăn đang được đánh giá cao, cho thấy những kết quả khả quan và cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để cải thiện.

Vaccine phòng bệnh xuất huyết

 

Thử nghiệm vaccine bệnh gan thận mủ trên cá 

Streptococus agalactiae là nguyên nhân gây bệnh xuất huyết trên cá rô phi. Bệnh gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi cùng với đó là tình trạng lạm dụng kháng sinh đã làm cho tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã mở ra một hy vọng mới sản xuất vaccine để phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm với LrrG protein và PLGA. Trong đó, LrrG protein là một protein bảo vệ bề mặt được tìm thấy ở hầu hết các chủng của vi khuẩn Streptococcus agalactiae. Chúng rất giàu Leucine và có cấu trúc linh hoạt và đa dạng. Chính vì thế chúng được xem là chất đầy tiềm năng trong việc sản xuất vaccine kháng nguyên. PLGA hay poly-(lactic-co-glycolic acid) có cấu trúc cao phân tử bền vững và không gây độc hay gây kích thích, có khả năng phân hủy sinh học và đào thải nhanh. Thí nghiệm được thực hiện với tổng số 1.950 cá rô phi dòng Gift có khối lượng 6 + 1,2 g được bố trí ngẫu nhiên vào 30 nhóm (65 con/nhóm), cá được cho ăn 2 lần/ngày với lượng thức ăn bằng 3% trọng lượng thân. Thí nghiệm sử dụng cả hai phương pháp cho ăn và tiêm trực tiếp LrrG-PLGA vào cá với liều 100 µl/cá thể, ở các nồng độ khác nhau. Kết quả, khi bổ sung LrrG-PLGA ở mức 1 µg/g sẽ giúp kích thích hệ miễn dịch của cá, tạo kháng thể giúp bảo vệ cơ thể cá. Mức bổ sung này có ý nghĩa thực tế lớn trong việc sản xuất vaccine thương mại chống lại các chủng Streptococcosis gây bệnh trên cá.


Nuôi ếch trong lồng lưới để gia tăng năng suất Nuôi ếch trong lồng lưới để gia tăng… Dự báo xuất khẩu tôm tiếp tục tăng tốc trong năm 2018 Dự báo xuất khẩu tôm tiếp tục tăng…