Sản xuất thành công giống tôm đất
Chương trình sản xuất giống và tái tạo tôm đất do Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam tổ chức nghiệm thu mới đây đã đạt được kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng và tái tạo nguồn lợi thủy sản này.
Thả tôm đất giống để tái tạo nguồn lợi ở khu vực Cửa Đại. Ảnh: V.QUANG
Thành công vượt dự kiến
Tôm đất chủ yếu phát triển trong tự nhiên, tập trung ở các ao, đìa nước lợ ven sông trên địa bàn tỉnh. Gần đây, nhu cầu sản xuất giống để tái tạo nguồn lợi và phục vụ cho nghề nuôi trở nên bức thiết. Để thực hiện thí nghệm mô hình sản xuất giống tôm đất, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đã chọn lọc, thu mua 400 con tôm đất bố mẹ mang trứng ở giai đoạn sắp đẻ. Tôm đất bố mẹ hay còn gọi là tôm chì đều khỏe, có màu sắc tự nhiên tươi sáng, không bị xây xát và có trọng lượng từ 20g trở lên. Khi đã có nguồn giống, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đã lấy nước biển, xử lý sạch cho vào bể đẻ và bố trí tôm đất bố mẹ với mật độ 30 con/m3. Sau khi được đẻ, tôm đất con phát triển qua các giai đoạn Nauplius, Zoae, Mysis và thành tôm giống ở dạng Post. Ông Phan Đình Châu - Trưởng phòng Kỹ thuật (Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam) cho biết, trong quy trình sản xuất giống tôm đất thì kỹ thuật quản lý, chăm sóc bể ương ấu trùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Chương trình sản xuất thành công là nhờ các kỹ thuật viên đã nắm đầy đủ và vận dụng tốt các yêu cầu về đặc điểm sinh học của tôm đất, kỹ thuật xử lý nguồn nước, kỹ thuật sản xuất thức ăn tự nhiên và nhân tạo, qua đó thực hiện đồng bộ, chặt chẽ.
Lần đầu tiên tôm đất được sản xuất giống thành công tại Quảng Nam. Ông Bùi Quang Minh - Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam cho rằng, thành công của mô hình để lại nhiều bài học quan trọng, nên được áp dụng trong thời gian đến. Sau khi tôm đất bố mẹ đẻ trứng trong vòng 18 - 24 giờ, cần phải tắm Nauplius bằng chất Iodin. Ngay sau đó phải thu Nauplius bằng vợt, vớt nhẹ nhàng cho vào thau sục khí. Sau đó 10 phút, tiến hành xi phông đáy, vớt Nauplius cho vào bể nuôi để nuôi ấu trùng với mật độ 200 - 300 con/m3. “Thức ăn cho ấu trùng tôm đất có nhiều loại như Apo, tảo khô, Lansy, Artemia. Tùy theo từng giai đoạn phát triển mà bố trí thức ăn phù hợp cộng với bổ sung thêm men vi sinh. Đến giai đoạn Post, bắt buộc phải cho ấu trùng tôm đất ăn Artemia. Khi tôm con đến Post 15 thì có thể tiến hành xuất tôm giống để bán hoặc thả nuôi tái tạo nguồn lợi” - ông Minh nói.
Theo Sở NN&PTNT, năm 2016, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam được giao thực hiện đề tài sản xuất giống tôm đất để tái tạo nguồn lợi ở các khu vực sông nước trên địa bàn tỉnh với số lượng là 2 - 3 triệu Post 15. Đến thời điểm này, nguồn giống tôm đất thu được là 3 triệu con ở giai đoạn Post 16 là thành công vượt dự kiến.
Tái tạo và phát triển
Tôm đất có giá trị dinh dưỡng cao, là nguồn thực phẩm rất gần gũi với hầu hết các gia đình Quảng Nam. Nguồn lợi này phát triển rất rộng rãi ở hầu khắp các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh nhưng lại bị suy kiệt trong thời gian qua do nạn khai thác tận diệt. Sau khi sản xuất giống thành công, ngành thủy sản Quảng Nam đã tiến hành thả tất cả tôm đất giống để tái tạo nguồn lợi, ở 3 khu vực biển Cửa Đại (TP.Hội An), Bến Lỡ (TP.Tam Kỳ) và cửa An Hòa (Núi Thành). Theo ông Bùi Quang Minh, tôm đất sống ở lưu vực sông nước lợ nhưng khi đẻ thì chúng ra đến cửa biển - nơi có độ mặn thích hợp để đẻ. Theo thủy triều, tôm đất con sẽ di chuyển dần dần vào bên trong để sinh sống. Do đó, thả tôm đất giống ở khu vực cửa biển là thích hợp và theo bản năng sinh tồn, chúng sẽ dần lớn mạnh và phát triển rộng rãi vào môi trường phù hợp.
Tôm đất thương phẩm có chiều dài trung bình cỡ 12 - 15cm, nặng chừng 15 - 30g. Tôm sinh sản hữu tính, đẻ quanh năm nhưng rộ nhất từ tháng 4 đến tháng 8. Tôm đất có khả năng thích ứng với dải độ mặn rộng, là đối tượng thủy sản thích hợp để nuôi ở các ao, đầm ven sông. Giá trị kinh tế của tôm đất rất cao, giá trị xuất khẩu của chúng chỉ đứng sau loài tôm he.
Trong thời gian gần đây, nuôi tôm đất để phát triển kinh tế đã dần manh nha hình thành trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Hồng (khối phố Hà My B, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) là một trong những người nuôi tôm đất đầu tiên của tỉnh. Ở vụ vừa qua, trên 2 ao nuôi ở vùng triều ven sông có tổng diện tích 8.000m2, ông Hồng thả nuôi tôm đất với mật độ 50 con/m2. Tỷ lệ sống của tôm đất đạt tương đối tốt, ông Hồng thu hoạch được tổng cộng 2 tấn tôm. Với giá bán 150 nghìn đồng/kg, ông Hồng thu lợi hàng trăm triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Theo ông Hồng, nhờ nhiều năm trực tiếp ương giống tôm đất nên nắm rõ đặc tính, quá trình phát triển của chúng và kiên trì, tập trung nuôi loại tôm này. Nuôi tôm đất thuận tiện lại thu được giá trị kinh tế cao nhưng ông Hồng cho rằng, cần đặc biệt chú ý đến sự ảnh hưởng của thời tiết trong quá trình nuôi, nhất là độ mặn tăng cao trong thời gian gần đây. Nguồn nước và chất lượng tôm bố mẹ cũng là các yếu tố quyết định đến thành công của vụ nuôi. Khi gặp sự cố cần xử lý linh hoạt bằng cách bổ sung vitamin, chất khoáng để tăng sức đề kháng cho tôm đất, hạn chế phát sinh bệnh, ổn định sản lượng. Ông Hồng khẳng định sẽ nhân rộng mô hình này và sẵn sàng giúp đỡ kỹ thuật cho bất kỳ hộ nông dân nào đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ