Tin nông nghiệp Sản xuất tiêu hữu cơ

Sản xuất tiêu hữu cơ

Tác giả Đăng Lâm, ngày đăng 03/05/2017

Sản xuất tiêu hữu cơ

2.500 trụ tiêu của anh Kiên được trồng từ năm 2010, đến nay vẫn phát triển bình thường, ít sâu bệnh và đặc biệt “miễn nhiễm” với bệnh tiêu chết...

Anh Bùi Văn Kiên - thôn Mỹ Thạch 1 (thị trấn Chư Sê, Gia Lai) có hơn 2.500 trụ tiêu (1.700 trụ đang kinh doanh), dự kiến sản lượng năm nay đạt trên 5 tấn. Anh cho biết, vườn tiêu này anh trồng từ năm 2010, đến nay vẫn phát triển bình thường, ít sâu bệnh và đặc biệt “miễn nhiễm” với bệnh tiêu chết. Kết quả này được anh Kiên cho là do mình hạn chế sử dụng phân bón hóa học, có dùng thì cũng rất ít.

“Mỗi năm tôi chỉ phun thuốc sâu 1 lần, nhưng liều lượng cũng ở mức thấp, còn lại bón các loại phân vi sinh. Tôi để cho tiêu tự phát triển theo khả năng sinh tồn của nó, ít can thiệp đến phân, thuốc hóa học”, anh Kiên nói.

Khả quan hơn anh Kiên, chị Chu Thị Minh Ngọc (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) có vườn tiêu hơn 10.000 trụ. Từ nhiều năm nay, chị chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học mua trực tiếp từ đơn vị sản xuất. Vườn tiêu của gia đình chị sinh trưởng tốt, không có biểu hiện bệnh. Theo chị Ngọc thì đây là hướng đi bền vững mà nông dân trồng tiêu nên hướng đến. Không những cây tiêu phát triển khỏe mạnh mà còn cho ra sản phẩm sạch sau khi thu hoạch.

Với danh nghĩa Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, ông Bính khuyên các hội viên nên tập trung vào sản xuất diện tích đang có theo hướng sinh học hữu cơ một cách bền vững để tạo ra những sản phẩm sạch. Bởi sau khi khảo sát nhiều diện tích trồng tiêu tại các tỉnh thành trong nước, các nhà khoa học đưa ra nhận định: Những vườn tiêu sử dụng phân hữu cơ, ít bón phân hóa học thì cây tiêu phát triển rất bền vững, có thể lên đến trên 20 năm.

“Theo kết quả khảo sát này, diện tích hồ tiêu Chư Sê bị lạm dụng phân bón hóa học nhiều nhất, tồn dư các loại thuốc BVTV trong đất nhiều nhất và làm hư hại đất nhiều nhất. Với nhiều cái “nhất” gây thiệt hại cho ngành hồ tiêu, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, chỉ có sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững thì mới tồn tại được”, ông Bính khẳng định.

Tại Hội nghị "Xây dựng và phát triển mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững để nâng cao giá trị", do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây tại Gia Lai, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị: Các tỉnh cần rà soát lại diện tích quy hoạch hồ tiêu; Cục BVTV cần có chương trình rà soát tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu cụ thể tại các địa phương để đánh giá, đưa ra quy trình canh tác hồ tiêu an toàn, bền vững. Đồng thời giới thiệu những mô hình khuyến nông hiệu quả để người dân trồng tiêu tham quan học hỏi.

Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng yêu cầu các ngành liên quan có quy trình quản lý chặt chẽ các loại thuốc BVTV, tiếp tục đẩy mạnh, triển khai quyết liệt vấn đề này, đặc biệt là tại các tỉnh đang “nóng” liên quan đến thuốc BVTV.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương khuyến cáo: “Trước cảnh báo của EU, ngay bây giờ nếu không có biện pháp xử lý sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Và nếu tiếp tục để EU cảnh báo như hiện nay thì sắp tới, rất có thể họ sẽ dừng nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam”.

Hồ tiêu Việt Nam hiện đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu, nếu EU tạm dừng thì 1 trong 7 loại cây trồng có giá trị trên tỷ đô này sẽ gặp khó.

“Hiện nay, chúng tôi đã ban hành quy trình quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu, trong đó bao gồm các giải pháp chủ yếu liên quan đến công tác phòng bệnh. Đẩy mạnh mô hình vừa sản xuất hồ tiêu an toàn, vừa phòng trừ được bệnh chết nhanh, chết chậm.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có chương trình giám sát thuốc BVTV trên cây hồ tiêu và đang xem xét đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT tạm dừng sử dụng một số hóa chất mà EU đã cảnh báo”, ông Dương cho biết.


Trồng rau công nghệ cao - Thân thiện môi trường, an tâm sử dụng Trồng rau công nghệ cao - Thân thiện… Tưới tiết kiệm - Giải pháp bền vững cho vườn cây dài ngày Tưới tiết kiệm - Giải pháp bền vững…