Sản xuất tỏi VietGAP
Trồng tỏi theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đã giúp nông dân bảo vệ sức khỏe và môi trường, góp phần nâng cao giá trị và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Tỏi VietGAP ở Khánh Hòa đã vào siêu thị (Ảnh: KS)
"Bước đầu sản phẩm tỏi an toàn theo hướng VietGAP trồng ở TX Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã vào một số siêu thị trên địa bàn như Co.opmart Nha Trang và Big C...", ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa chia sẻ.
Khánh Hòa là một trong những địa phương trồng tỏi lớn nhất cả nước, với diện tích gần 500 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Ninh Phước, Ninh Vân (TX Ninh Hòa) và xã Vạn Hưng (Vạn Ninh). Tổng sản lượng tỏi tươi thu hoạch hàng năm dao động từ 10.000 -15.000 tấn. Nguồn gốc tỏi giống và phương pháp canh tác tại đây xuất phát từ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tuy nhiên sau đó đã được bà con cải tiến để phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương.
Theo bà con trồng tỏi, thời điểm xuống giống từ tháng 9 hàng năm và thu hoạch vào tháng 1 - 2 năm sau, năng suất trung bình từ 7-8 tấn tỏi khô. Mỗi năm chỉ làm được một vụ, thời gian “đất rảnh” sẽ trồng hoa màu.
Từ năm 2017, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Khánh Hòa phối hợp với UBND các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai xây dựng mô hình chuỗi cung cấp tỏi an toàn theo VietGAP trên địa bàn TX Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Mô hình với sự tham gia "4 nhà" (nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, người trồng tỏi).
Thu hoạch tỏi ở Vạn Hưng (Ảnh: KS)
Cụ thể, mô trình triển khai tại 3 xã. Trong đó, tại HTX SX tỏi Ninh Vân, với diện tích 2,5ha, 10 thành viên tham gia. Tổ liên kết SX tỏi Ninh Phước, diện tích 4,62 ha, 8 thành viên và HTX SX tỏi Vạn Hưng, diện tích 21 ha, 32 thành viên.
Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa, sau thời gian hướng dẫn các hộ dân tham gia mô hình thực hiện các quy định theo yêu cầu VietGAP, Chi cục phối hợp với Phòng Kinh tế TX Ninh Hòa và Vạn Ninh hướng dẫn các HTX tổ chức đánh giá nội bộ tại các hộ thành viên tham gia mô hình; đồng thời tiến hành lấy mẫu sản phẩm tại 3 vùng SX tỏi gửi phòng kiểm nghiệm để kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP.
Kết quả tất cả các mẫu sản phẩm đều đạt các chỉ tiêu về ATTP theo quy định của Bộ Y tế. Ngày 24 - 25/6/2018, sản phẩm tỏi được SX tại 3 đơn vị trên đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vùng 3 chứng nhận phù hợp với các quy định VietGAP.
Ghi nhận của PV tại vùng trồng tỏi xã Vạn Hưng, ông Cao Như Hoàng, Giám đốc HTX SX tỏi Vạn Hưng cho biết, việc SX tỏi theo VietGAP của các thành viên HTX đã đi vào nề nếp. Nông dân thay đổi lối SX thật sự khi chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học. Đặc biệt, bà con đều ghi chép hồ sơ, nhật ký SX đầy đủ và thực hiện cách ly 15 ngày sử dụng phân bón, thuốc BVTV trước khi bước vào thu hoạch. Vì vậy sản phẩm tỏi của HTX chất lượng, ATTP đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.
Ruộng tỏi tại Ninh Hòa (Ảnh: KS)
“Mặc dù hiện giá thu mua tỏi theo VietGAP không chênh lệch mấy so với SX thông thương nhưng diện tích trồng của các thành viên trong HTX vẫn giữ vững. Chúng tôi đang xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Điều đáng mừng là hiện một ít sản lượng tỏi của HTX đã vào siêu thị trong tỉnh”, ông Hoàng chia sẻ.
"SX tỏi VietGAP mang lại hiệu quả cao nhưng rất nhọc công trong việc ghi chép nhật ký. Quy trình SX này chi phí cao nên giá bán sản phẩm cũng cao hơn nên khó được thị trường chấp nhận. Do đó, hầu hết các sản phẩm tỏi VietGAP vẫn chưa được tiêu thụ đúng với giá trị làm ra", một người trồng tỏi chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ