Sản Xuất Trái Cây Rải Vụ Khai Thác Lợi Thế, Tăng Hiệu Quả Sản Xuất
Về vùng chuyên canh thanh long trong những ngày này vào ban đêm, gần như đến nơi nào chúng tôi cũng thấy ánh đèn điện sáng choang phát ra từ những vườn thanh long làm rực sáng cả vùng quê. Hỏi ra mới biết, thời điểm này, nông dân đang tập trung xông đèn xử lý thanh long cho trái nghịch vụ.
Nhiều năm qua, nhờ giải pháp này mà thanh long luôn có mặt trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ và xuất khẩu. Từ đó, thế mạnh của cây trồng này được khai thác, thương hiệu trái thanh long được củng cố, khẳng định. Dù chưa thống kê chính thức nhưng theo giới chuyên môn, phần lớn diện tích trồng thanh long đều xử lý nghịch vụ.
Chú Sáu Diệp, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo), một trong những nông dân có nhiều năm kinh nghiệm xử lý thanh long nghịch vụ cho biết, việc xử lý thanh long nghịch vụ bây giờ không còn là vấn đề và hiện nay gần như hộ trồng thanh long nào cũng thực hiện (nông dân xử lý cho trái từ 2 đến 3 đợt trong vụ nghịch). Thanh long nghịch vụ thường bán được giá cao, nên thu hút nông dân tham gia xử lý. Nhờ vậy mà áp lực thu hoạch thanh long tập trung vào mùa thuận giảm đáng kể.
Hiện nay, chú Diệp đã xử lý 5 công thanh long nghịch vụ đợt đầu tiêu đang cho trái; 5 công còn lại đang ở giai đoạn ra hoa. Theo dự đoán của nhiều nông dân, hiện nay, giá thanh long ở mức 13.000 đồng/kg, nhưng thời gian tới giá sẽ tăng lên. Đó là lý do mà nông dân đang tập trung xông đèn để thanh long cho trái vụ nghịch vụ. Ngoài lý do giá cả, xu hướng nông dân quan tâm xử lý nghịch vụ còn là do vụ nghịch vào thời điểm mùa khô, nên điều kiện cho mầm bệnh phát sinh gây hại hạn chế.
Nhưng có thể nói, tâm điểm của trái cây xử lý nghịch năm nay phải kể đến sầu riêng. Theo nhiều người dân, chưa có năm nào người trồng sầu riêng xử lý nghịch vụ lại phấn khởi như năm nay, khi mà có thời điểm giá sầu riêng đạt mức kỷ lục trên 100.000 đồng/kg, giúp nông dân thu lợi hàng trăm triệu đồng/ha. Những ngày qua, giá sầu riêng có xu hướng giảm, nhưng vẫn còn ở mức khá cao.
Dù không cao ngất ngưỡng như năm nay, nhưng giá sầu riêng vụ nghịch trong những năm trước cũng khá tốt, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.
Như nhiều nông dân trồng sầu riêng trong vùng, nhiều năm qua, mỗi khi đến tháng 3, tháng 4 al là ông Lê Văn Quyền, xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) bắt đầu tiến hành xử lý sầu riêng, để cây cho thu hoạch vào khoảng cuối tháng 8 đến tháng 9 al. Năm nay cũng vậy và một vụ nghịch nữa thành công ngoài mong đợi đối với ông.
Vườn sầu riêng 1 ha của ông Quyền năm nay cho thu hoạch nghịch vụ sớm, nên chỉ bán được mức giá 54.000 đồng/kg. Với sản lượng thu hoạch trên 10 tấn, vụ sầu riêng nghịch vụ vừa qua ông bán trái thu được 540 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được vài trăm triệu đồng.
Còn vụ nghịch trước đó, ông bán được giá 52.000 đồng/kg. "Không phải năm nào vụ nghịch cũng được giá tốt nhưng thường cao hơn vụ thuận từ gấp rưỡi đến 2,5 lần. Tất nhiên, chi phí xử lý, chăm sóc cây cho trái vụ nghịch cao hơn vụ thuận. Song, nếu so với giá, lợi nhuận thì vụ thuận thường không thể bằng vụ nghịch" - ông Quyền nói.
Do đặc tính ra hoa theo mùa, trong điều kiện tự nhiên, cây ăn trái sẽ chính tập trung với sản lượng lớn nên thường gây khó khăn cho tiêu thụ, hiệu quả sản xuất không cao. Cây cho trái nghịch vụ với sản lượng hạn chế sẽ dễ tiêu thụ với giá cao. Thời gian qua, kỹ thuật xử lý sớm vụ, muộn vụ, nghịch vụ của nông dân ngày càng hoàn thiện và được nông dân áp dụng rất phổ biến.
Ông Nguyễn Tấn Nhủ, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết, kỹ thuật xử lý nghịch vụ hiện nay đảm bảo năng suất, chất lượng trái không thấp hơn vụ thuận, trong khi đó giá cả thường cao hơn vụ thuận nên thu hút nông dân quan tâm xử lý, nhất là sầu riêng.
"Vụ thuận là vụ cây ra hoa, cho trái tự nhiên nên rất dễ bị đụng hàng. Đó là chưa nói một số loại trái cây miền Bắc tràn vào Nam gây nên tình trạng ứ đọng hàng, giá thấp. Việc áp dụng kỹ thuật cho trái rải vụ giúp cho nông dân chủ động cung ứng trái cây cho thị trường, chọn thời điểm xử lý cho thu hoạch thích hợp để, "tránh" đụng nhiều loại trái cây khác" - ông Nhủ bộc bạch.
Thực ra, việc xử lý cây ăn trái cho thu hoạch nghịch vụ đã được nông dân áp trụng trong nhiều năm nay và mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt. Giải pháp, kỹ thuật trên ngày càng được sự quan tâm của nông dân.
Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cái Bè cho hay, hiện nay phần lớn các loại cây ăn trái đều có thể xử lý cho trái rải vụ và đã được nông dân xử lý cho thu hoạch trái sớm vụ, nghịch vụ, muộn vụ như xoài, bưởi, mận, quýt, cam... Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã khuyến khích nông dân xử lý cây ăn trái thu hoạch theo hướng này.
Việc xử lý cho trái vụ nào, thời điểm nào tùy thuộc vào điều kiện sản xuất, nhu cầu thị trường mà nhà nông lựa chọn xử lý. Ngành Nông nghiệp huyện chỉ đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân áp dụng, xử lý rải vụ đạt năng suất, chất lượng trái.
Từ thực tế trên, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, khai thác lợi thế của cây trồng và điều kiện sinh thái của mỗi vùng, địa phương; tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, đổi mới phương thức tiếp cận thị trường; hình thành quan hệ liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị ngành hàng góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt vùng quy hoạch cây ăn trái trồng chủ lực tập trung và định hướng rải vụ thu hoạch một số cây ăn quả ở Nam bộ đến năm 2020. Theo đó, thanh long, xoài, sầu riêng rải vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau; chôm chôm từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau và nhãn từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Tiền Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc xử lý trái cây nghịch vụ, sớm vụ, muộn vụ và đã được nông dân tích cực áp dụng.
Việc xử lý rải vụ không chỉ có cơ hội bán trái cây giá cao, tăng hiệu quả sản xuất, qua đó góp phần phát huy lợi thế cây trồng, điều kiện tự nhiên vùng, miền. Chủ trương sản xuất rải vụ thu hoạch trái cây của ngành nông nghiệp là động lực giúp nông dân, địa phương khai thác tốt các thế mạnh trên, tăng hiệu quả sản xuất trên chính cây trồng và mảnh vườn của mình.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ